Hợp tác xã gặp khó trước “gọng kìm” Covid -19 và biến đổi khí hậu

Khánh Ly| 24/03/2021 17:17

(TN&MT) - Tại Diễn đàn “Thực trạng tiếp cận chính sách và giải pháp nâng cao năng lực thích ứng cho HTX trong bối cảnh mới” ngày 24/3, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhận định, đại dịch Covid-19 cùng với diễn biến bất thường của thiên tai, dịch bệnh đã gây tác động mạnh mẽ đến đời sống người dân, gây gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, làm giảm doanh thu của HTX nông nghiệp, du lịch, thủ công nghiệp và thương mại giảm trên 50%.

Đối với các HTX nông nghiệp, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là dịch tả lợn châu Phi và đại dịch Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020 đã tác động lớn đến nông nghiệp. Theo ông lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), tác động rõ ràng nhất là suy giảm sản xuất, đứt đoạn các chuỗi cung ứng nông nghiệp. Ở trong nước, do nhu cầu giảm nên nhiều loại nông sản tồn động, thậm chí, phải vứt bỏ. Giá nhiều mặt hàng giảm mạnh, nhất là các mặt hành tươi sống như rau, hoa quả, thủy sản.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Theo điều tra của Viện Chính sách, Chiến lược Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) năm 2020 ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy: 80,3% HTX nông nghiệp khảo sát đã chịu ảnh hưởng của các hiện tượng BĐKH. Thống kê cho thấy, chi phí sản xuất tăng thêm khoảng trên 26%, năng suất giảm trên 35% và diện tích mất trắng khoảng 48%. Chi phí sản xuất tăng chủ yếu do cùng lúc tăng các loại chi phí tưới, tiêu nước; công lao động cho chăm sóc; phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất…

Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam và UNDP đã thực hiện khảo sát nhằm nghiên cứu đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến các HTX tại Việt Nam, mức độ HTX nắm bắt và khả năng thích ứng trong đại dịch. Theo đó, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động của các HTX ở mức độ bình quân 3,84/5 (5 là mức tác động nghiêm trọng nhất). HTX thuộc lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với mức đánh giá tác động gần như tuyệt đối (4,83/5).

Doanh thu và lợi nhuận của HTX cũng bị giảm đáng kể trong đại dịch. Thống kê có đến 82,2% số HTX bị giảm doanh thu, trong đó, 42,5% số HTX bị giảm hơn 1/2 doanh thu. Lợi nhuận của các HTX cũng bị sụt giảm. Chỉ riêng một số HTX trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ và nông nghiệp là vẫn có lãi.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất tiền vay. Cùng với đó là các nghị quyết, thông tư hỗ trợ cho người lao động, giảm giá tiền điện, miễn giảm nộp phí liên quan đến một số giấy phép du lịch…

Quang cảnh Diễn đàn

Dù vậy, khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam và UNDP cho thấy khả năng nắm bắt và tiếp cận chính sách của khu vực HTX còn nhiều hạn chế. 41% tổng số HTX trong nhóm khảo sát được hỏi không biết đến chính sách cho HTX vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động; 38% HTX không nắm được chính sách giảm giá điện bán lẻ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Theo ông Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình, năng lực thích ứng của HTX với biến đổi khí hậu và dịch bệnh hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Tại hòa Bình, đa phần HTX có quy mô siêu nhỏ (dưới 50) dẫn đến khả năng quy tụ đất đai, nguồn vốn từ các hộ cá thể phục vụ sản xuất thấp. Trên 70% số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có vốn điều lệ dưới 1 tỷ đồng. năng lực tài chính eo hẹp nên rất khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Quá trình sản xuất chủ yếu áp dụng công nghệ truyền thống, giá thành sản phẩm cao song giá trị sản phẩm thấp dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh không lớn…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, chỉ ra các thách thức và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Nhiều ý kiến cho rằng, để có thể thích nghi với cuộc khủng hoảng của đại dịch, ngoài những hỗ trợ cụ thể từ Chính phủ và các cơ quan chức năng địa phương, bản thân các HTX cũng cần tự tìm hướng chuyển đổi, nâng cao năng lực chống chịu và giảm thiểu thiệt hại. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao năng lực cho cạn bộ KTX, thành viên HTX và cán bộ cơ quan Nhà nước hỗ trợ phát triển HTX về BĐKH, các biển pháp thích ứng và các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt; nâng cao năng lực cán bộ HTX về quản trị, tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Bên cạnh đó, cần đổi mới chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ giảm thiểu thiệt hại sang hỗ trợ quản lý phòng ngừa rủi ro thiên tai, dịch bệnh. Xây dựng các mô hình HTX kiểu mới thích ứng với BĐKH khí hậu hiệu quả ở mỗi vùng, cho mỗi hệ thống canh tác nông nghiệp để nhân rộng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác xã gặp khó trước “gọng kìm” Covid -19 và biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO