Hợp pháp hóa xe công nghệ: “Dư địa mới” cho dịch vụ gọi xe phát triển

Thu Trang| 28/02/2020 10:17

(TN&MT) - Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng sẽ giúp loại hình xe công nghệ mở rộng thị trường, tài xế nâng cao thu nhập...

Tạo hành lang pháp lý cho taxi công nghệ

Bộ GT&VT vừa có Quyết định số 146/QĐ-BGTVT dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Theo đó, các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải dừng hoạt động theo Kế hoạch thí điểm kể từ ngày 1/4/2020 và chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình để đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Điều 35 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

Taxi công nghệ đã có hành lang pháp lý mới

Trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trong thời gian thí điểm sẽ phải thực hiện cấp lại phù hiệu và dán cố định trên xe ô tô kinh doanh vận tải kể từ ngày 1/4/2020

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, Quyết định dừng thí điểm kinh doanh taxi công nghệ sẽ giúp cho taxi công nghệ có hành lang pháp luật để hoạt động, những tranh cãi giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống từ đó cũng được giải quyết rõ ràng.

Như vậy tạo ra hành lang pháp lý cho hai loại hình đều hoạt động hiệu quả. Đây là đòn bẩy đôn đốc taxi truyền thống đổi mới, taxi công nghệ phát triển trong môi trường tự do hiện nay.

Theo ông Liên, hiện nay, các hãng xe đều đang nghiên cứu Nghị định của Chính phủ để tìm ra những giải pháp khắc phục tồn tại, vươn tới điều kiện tốt nhất. Với quyết định này, không những không thu hẹp, không cấm đoán mà còn được mở rộng từ 5 tỉnh thành ra tất cả các tỉnh thành được phép hoạt động.

“Các loại hình tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đều được tham gia ứng dụng công nghệ, con đường rộng mở hơn so với trước. Tạo ra một môi trường cạnh tranh tự do, không hạn chế, không xóa bỏ bên nào” – ông Liên cho biết thêm.

Cơ hội cho ứng dụng gọi xe công nghệ mở rộng

Có thể nói, Nghị định 10/2020/NĐ-CP sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường gọi xe công nghệ nói riêng, ngành vận tải nói chung và cả một số ngành nghề khác.

Việc dịch vụ xe công nghệ đã kết thúc giai đoạn thí điểm, không bị hạn chế phạm vi hoạt động như trước đây chỉ ở 5 tỉnh/thành phố lớn, mà chính thức được hoạt động “phủ sóng” ra nhiều tỉnh, thành hơn. Đây là cơ hội để các ứng dụng gọi xe công nghệ mở rộng thị trường ra toàn quốc, cạnh tranh giành khách hàng, thị phần.

Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Đồng tình với việc dừng thí điểm taxi công nghệ, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, hoạt động xe không còn là hoạt động riêng của Grab, hay Be mà hàng ngàn doanh nghiệp, hợp tác xã có thể hợp lực cùng dùng 1 phần mềm công nghệ để gọi taxi; điều này thuận lợi cho người đi xe, cơ quan quản lý.

Nếu như trước đây chỉ cho hoạt động ở 5 tỉnh thành thì sau quyết định 146, taxi công nghệ có thể riêng hoặc chung, làm công nghệ chỉ có công nghệ, công ty vận tải hành khách chịu trách nhiệm những điều còn lại.

Để thay đổi theo Nghị định 10, các nhà kinh doanh sẽ phải cơ cấu lại hoạt động của taxi, đòi hỏi nâng cao chất lượng hoạt động của taxi và vận tải hành khách nói chung với nền kinh tế. Bên cạnh đó, cũng phải đảm bảo quyền lợi của người đi xe.

Về vấn đề này, ông Thịnh cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh taxi cần có những điều chỉnh phù hợp, siết chặt quản lý hơn so với trước đây; phải có những yêu cầu về an toàn, bảo hiểm, hướng dẫn tài xế lái xe về phòng cháy chữa cháy… Còn những người đang kinh doanh taxi công nghệ cũng cần có sự thay đổi.

Trước quyết định mới của Bộ GTVT, anh Phạm Thành Trung, tài xế taxi công nghệ chia sẻ: tôi khá hào hứng về việc đổi mới trong phương thức hoạt động, chỉ cần thực hiện cấp lại phù hiệu xe hợp đồng là hoạt động bình thường, vẫn kết nối với khách qua ứng dụng công nghệ. Tôi có thể đón khách ở nhiều tỉnh thành hơn, thu nhập cũng được nâng cao, hạn chế được chiều chạy rỗng từ tỉnh về.

Những lợi ích và hiệu quả thiết thực mà những ứng dụng gọi xe công nghệ mang tới cho người dân là không thể phủ nhận. Tới đây, khi đã có hành lang pháp lý vững chắc và phạm vi hoạt động được mở rộng, gọi xe công nghệ được đánh giá sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp pháp hóa xe công nghệ: “Dư địa mới” cho dịch vụ gọi xe phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO