Thông báo tóm tắt kết quả Kỳ họp thứ Tám, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, sau 28 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc; với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao; với sự tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội;
Với tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và sự chuẩn bị công phu của Chính phủ, các cơ quan liên quan; với sự quan tâm, theo dõi, giám sát và chia sẻ của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước và sự tham gia, đưa tin kịp thời, đầy đủ của các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp |
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng: thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.
Một trong những nội dung quan trọng của Kỳ họp là xem xét, thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhằm thúc đẩy phát triển thị trường lao động cũng như xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định ở nước ta, tiệm cận với nhiều nội dung, nguyên tắc cơ bản của các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế.
Bộ luật gồm 17 chương, 220 điều với nhiều quy định mới, quan trọng, trong đó, lần đầu tiên mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với người làm việc không có quan hệ lao động; luật hóa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và tham gia xây dựng quan hệ lao động của các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động; quy định lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035 nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động;
Bổ sung một ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề với Ngày Quốc khánh 2.9; quy định cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ; mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động; nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp; các quy định về giải quyết tranh chấp lao động linh hoạt hơn, tạo thuận lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động…
Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội ban hành Nghị quyết về lĩnh vực này nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn với mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm trên 3%; phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng ½ bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%...
Rất đông phóng viên tham dự cuộc Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV |
Tiếp đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời câu hỏi của các phóng viên liên quan đến việc tương tác, chia sẻ thông tin giữa Quốc hội điện tử với báo chí và cử tri, nhân dân như thế nào? Chia sẻ về Đề án xây dựng Quốc hội điện tử, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tại Phiên họp thứ Ba mươi bảy, Văn phòng Quốc hội đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Đề án này theo hình thức đầu tư công.
Theo Đề án, chúng ta sẽ tạo sự tương tác giữa Quốc hội với cử tri, đại biểu Quốc hội với cử tri, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của cử tri và nhân dân, hướng tới thông tin hai chiều. Trong bối cảnh chưa hoàn thiện Đề án về Quốc hội điện tử, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có phần mềm theo dõi giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo bằng công nghệ thông tin và có cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về hợp đồng viên chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nêu rõ: trong hệ thống pháp luật nước ta không có khái niệm viên chức suốt đời. Theo quy định của Luật Viên chức hiện hành thì sau khi thông qua việc thi tuyển hoặc xét tuyển, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng lao động sẽ ký hợp đồng làm việc với người lao động. Sau khi ký hợp đồng xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng thì người lao động sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn. Căn cứ yêu cầu của Nghị quyết Trung ương, đó là thực hiện hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới, trừ viên chức tuyển dụng mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và viên chức đã sửa đổi Điều 25 theo hướng “tất cả viên chức tuyển dụng mới từ ngày 1.7.2020 sẽ thực hiện hợp đồng xác định thời hạn”; điểm khác là hợp đồng xác định thời hạn từ 12 tháng – 60 tháng.
Tại sao có yêu cầu này? Đó là để viên chức trong quá trình công tác luôn có sự phấn đấu để tiếp tục được ký hợp đồng xác định thời hạn. Trước thời hạn 60 ngày khi hết thời hạn hợp đồng, người sử dụng lao động phải đánh giá viên chức, nếu viên chức vẫn bảo đảm được điều kiện, khả năng lao động và người sử dụng lao động có nhu cầu sử dụng thì bắt buộc phải ký tiếp hợp đồng với viên chức đó.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh “tất cả những viên chức hiện nay, tức là ký hợp đồng viên chức trước ngày 1.7.2020 thực hiện theo luật hiện hành, chỉ những viên chức tuyển dụng sau ngày 1.7.2020 mới áp dụng quy định tại Điều 25 của Luật Viên chức mới được sửa đổi”.