Tham dự cuộc họp có ông Jan Wilhelm Grythe - Phó Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam; đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của Bộ TN&MT, đại diện Bộ Ngoại giao.
Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 12-13/5/2022 với sự tham dự của hơn 70 quốc gia (bao gồm các quốc gia ven biển, các quốc gia đang phát triển có biển và các quốc đảo nhỏ; các quốc gia ASEAN và các quốc gia phát triển); các tổ chức quốc tế, các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ; các chuyên gia, nhà khoa học, các học giả nổi tiếng thế giới.
Về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan; các tỉnh, thành phố ven biển; các chuyên gia, nhà khoa học; các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước.
Nội dung của Hội nghị bao gồm 4 phiên toàn thể (Phiên toàn thể 1 - Phiên Khai mạc; Phiên toàn thể 2 - Rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu; Phiên toàn thể đặc biệt - Giải quyết vấn đề ô nhiễm đại dương và Rác thải nhựa đại dương: Một Thách thức lớn của thế kỷ 21; Phiên toàn thể 4 - Phiên Bế mạc) và 4 Phiên chuyên đề (mỗi phiên có 3-4 phiên song song): Phục hồi và Xây dựng lại tốt hơn sau đại dịch COVID-19 vì một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu với khí hậu; Quy hoạch không gian biển và Xây dựng các đô thị và hạ tầng ven biển có khả năng chống chịu với khí hậu; An ninh khí hậu, Giới và Khả năng chống chịu của các Cộng đồng dễ bị tổn thương và Nguồn tài chính cho Khí hậu và Đại dương.
Bên cạnh các phiên toàn thể và phiên chuyên đề, sẽ có các các cuộc họp và sự kiện bên lề bao gồm: Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế biển xanh - Hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển; Mô hình nhà chống bão, lũ - Bài học kinh nghiệm từ miền Trung Việt Nam; Triển lãm Đóng góp của doanh nghiệp và các sáng kiến khác cho kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, Hội nghị dự kiến sẽ đưa ra một Tuyên bố của các đồng Chủ tịch Hội nghị, trong đó, trình bày các nội dung và kết luận chính của Hội nghị, cung cấp thông tin đầu vào cho các sự kiện và tiến trình quốc tế liên quan trong tương lai, bao gồm cả Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc vào năm 2022 được dự kiến sẽ diễn ra thảo luận về Thoả thuận toàn cầu ô nhiễm nhựa và các nội dung khác.
Về công tác chuẩn bị Hội nghị, bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội nghị cho biết, Tổng cục đã phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT), Đại sứ quán NaUy tại Việt Nam và UNDP tại Việt Nam hoàn thiện chương trình, kịch bản tổng thể chi tiết, các nội dung, văn kiện Hội nghị; phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan chuẩn bị nội dung tham gia tại Hội nghị; …
Bên cạnh đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan gấp rút chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị như: công tác hậu cần, lễ tân, kế hoạch truyền thông của Hội nghị;…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Jan Wilhelm Grythe - Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam bày tỏ sự phấn khởi khi công tác chuẩn bị đầy đủ và chi tiết; đồng thời, cho biết, Bộ Ngoại giao và các Đại sứ quán các nước sẽ hỗ trợ tuyên truyền khẳng định tầm quan trọng của Hội nghị.
Đại diện UNDP, ông Đào Xuân Lai, Trợ lý Đại diện thường trú và Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường của UNDP tại Việt Nam mong muốn lãnh đạo Bộ TN&MT có công hàm gửi các Đại sứ quán, Bộ Ngoại giao để phối hợp thực hiện, thúc đẩy tiến độ đăng ký của các nước tham dự.
Biểu dương và đánh giá cao sự phối hợp của các thành viên Ban Tổ chức và các Tiểu ban, Thứ trưởng Lê Minh Ngân yêu cầu các Tiểu ban khẩn trương hoàn thiện các nội dung, kịch bản chi tiết của hội nghị; danh sách các diễn giả; phối hợp với UNDP và Đại sứ quán Na Uy xây dựng phương án và nội dung tuyên truyền chủ động và kịp thời trước, trong và sau Hội nghị.
“Thời gian từ nay đến khi chính thức diễn ra Hội nghị còn rất ngắn, để bảo đảm thành công của Đại hội, tôi đề nghị các thành viên Ban Tổ chức đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp; chủ động rà soát thực hiện các nội dung công việc theo chức năng nhiệm vụ được phân công bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả cao nhất." – Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh.