Cũng theo báo cáo này, Việt Nam thuộc nhóm 13 quốc gia đông dân nhất đã có dữ liệu chất lượng không khí theo thời gian thực, và được chính phủ chia sẻ công khai ở cấp độ quốc gia.
Ô nhiễm không khí trầm trọng tại Pakistan. (Nguồn: AP) |
109 quốc gia trên hiện là nơi sinh sống của 1,4 tỷ dân. Theo giới chuyên gia, việc không tiếp cận được với thông tin về ô nhiễm không khí khiến người dân không ý thức được vấn đề này đang gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của họ, thiếu cơ sở yêu cầu chính phủ hành động để giải quyết vấn đề này và thay đổi hành vi của chính họ. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, ô nhiễm không khí ngoài trời dẫn đến khoảng 4,2 triệu ca tử vong mỗi năm, nhiều hơn cả Ebola, HIV/AIDS, lao và sốt rét cộng lại. 90% số ca tử vong ở các nước có mức thu nhập thấp và trung bình.
Tại 13 quốc gia tương đương với tổng dân số 1 tỷ người, báo cáo nhận định, chính phủ chưa có chương trình nào mang tầm quốc gia nhằm giám sát chất lượng không khí trong dài hạn. Xếp theo dân số, đó là: Pakista, Nigeria, Ethiopia, Cộng hòa Congo, Tanzania, Kenya, Uganda, Algeria, Sudan, Iraq, Afghanistan, Uzbekistan, Angola.
Các nhà khoa học ở Nam Phi ước tính, mức độ ô nhiễm hạt bụi mịn (PM 2.5) tại nước này đã bị đánh giá thấp hơn thực tế khoảng 3,7 lần. Trong khi đó, tại thành phố Lahore ở Pakistan, ô nhiễm không khí ở mức độ nguy hại trong suốt cả năm, dẫn đến người dân trung bình bị giảm 5 năm tuổi thọ. Chính phủ không cung cấp dữ liệu chất lượng không khí theo thời gian thực khiến người dân ở Pakistan phải sử dụng cảm biến cá nhân để theo dõi mức độ ô nhiễm.
Theo Tiến sĩ Christa Hasenkopf, nhà khoa học khí quyển, người sáng lập OpenAQ, việc người dân có thể tiếp cận dễ dàng với dữ liệu chất lượng không khí là bước đầu tiên để cải thiện bầu không khí mà chúng ta hít thở. Bằng cách cung cấp quyền truy cập số vào dữ liệu mở hoàn toàn, các chính phủ có thể tạo điều kiện cho các bên cùng nhau giải quyết vấn đề. Điều này sẽ giải phóng tối đa tiềm năng và tác động của dữ liệu chính phủ, khuyến khích đổi mới và huy động cộng đồng hành động.
Để lấp đầy khoảng trống dữ liệu này, dữ liệu chất lượng không khí nên được công khai như dữ liệu thời tiết. Giáo sư Michael Brauer của Đại học British Columbia, Canada nhận định, việc đo lường ô nhiễm và phân tích, đánh giá, dự báo tiến trình ô nhiễm là những bước cần thiết để cải thiện chất lượng không khí trong thời gian tới. Công nghệ để giám sát ô nhiễm không khí đã có sẵn, nhưng báo cáo này cho thấy rõ ràng nhiều chính phủ phải minh bạch hóa dữ liệu và tăng quyền tiếp cận cho người dân.
Báo cáo cũng cho biết, 13 quốc gia tương đương với 4,2 tỷ dân có dữ liệu chất lượng không khí theo thời gian thực và được chính phủ chia sẻ một cách hoàn toàn cởi mở ở cấp độ quốc gia. Xếp theo dân số, đó là: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Liên bang Nga, Nhật Bản, Philippines, Ai Cập, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Thái Lan, Nam Phi.