Công nhân môi trường và các tình nguyện viên đang tiến hành dọn sạch rác thải dọc bờ biển Đà Nẵng |
Theo thống kê, khảo sát của Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng, hiện bãi biển dọc đường Nguyễn Tất Thành đang có khoảng 3.150m3 rác, tương đương hơn 1.400 tấn, chưa kể rác đang ở dưới mặt nước. Bãi biển dọc tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa có khoảng 6.340m3 rác, tương đương 2.850 tấn rác.
Do khối lượng rác tấp vào các bãi biển quá lớn, công ty đã huy động gần 100 công nhân cùng các phương tiện, xe vận chuyển và hợp đồng thuê đơn vị bên ngoài 3 xe múc, 20 xe ben để thu dọn rác. Dự kiến việc thu dọn rác tại các bãi biển còn mất nhiều ngày vì hiện nay, nhiều rác vẫn đang tiếp tục tấp vào các bãi biển.
Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng Trần Văn Tiên đề nghị các đơn vị chức năng và chính quyền các địa phương huy động nhân lực, phương tiện, tình nguyện viên chung tay, tham gia thu gom, giải phóng sớm khối lượng rác rất lớn nói trên ở các bãi biển du lịch của thành phố.
Hàng trăm tấn bèo, rác thải trôi dạt vào biển Đà Nẵng |
Nông dân khắc phục thiệt hại do ngập lụt
Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài, tình trạng ngập lụt đã diễn ra tại các địa phương. Nhiều vùng chuyên canh rau, hoa, màu ở Đà Nẵng ngập trong biển nước khiến sản lượng nông sản cung ứng ra thị trường giảm. Hiện nay, nông dân đang tích cực dọn dẹp, khắc phục thiệt hại để sớm sản xuất trở lại.
Với diện tích khoảng 9ha, vùng rau an toàn La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) là nơi chuyên canh các loại rau, củ, quả sạch theo chuẩn VietGAP, cung cấp cho toàn thành phố. Theo ghi nhận, mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua khiến mực nước dâng cao, người nông dân không thể tiếp tục sản xuất, thu hoạch.
Nông dân khắc phục thiệt hại do ngập lụt |
Sau khi vùng rau bị ngập, gia đình ông Phan Ngọc Phu (trú tổ 36, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) phải khẩn trương thu hoạch số ít rau lang trong vườn. Ông cho biết, hơn 1ha các loại rau muống, rau lang, mồng tơi… đang gieo trồng của gia đình bị thiệt hại do mưa, lũ.
“Hơn 6 sào rau muống của gia đình tôi chìm trong nước vài ngày nên không cứu được, chỉ vớt vát được số ít rau khoai. Hiện tôi chỉ chờ nước rút rồi xới đất, trồng lại các loại rau ngắn ngày chứ giá của giống rau muống khá cao, khó gieo trồng”, ông Phu nói.
Nhiều vựa rau ngập trong biển nước do mưa lũ |
Tại vùng rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), hơn 8ha rau, màu canh tác của người dân cũng bị ngập trong nước. Theo ông Bùi Dũng, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Túy Loan, mưa lớn kéo dài, nước lũ lên nhanh khiến toàn bộ nông sản đang gieo trồng tại đây của các xã viên hoàn toàn mất trắng, không thể cung ứng ra thị trường.
“Do ngập lụt nên lượng bèo, rác trôi và tấp vào vùng rau Túy Loan rất nhiều. Hiện nước đã rút nên nông dân đang tích cực dọn dẹp, khắc phục hậu quả lũ lụt để sớm tiến hành sản xuất và gieo trồng trở lại”, ông Bùi Dũng cho hay.
Nông dân thiệt hại lớn |
Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (tính đến 16 giờ ngày 12/10), có hơn 128,71ha rau, màu trên địa bàn thành phố bị ngập úng. Trong đó, huyện Hòa Vang chịu thiệt hại nặng nề nhất với 94,06ha diện tích rau, màu ngập úng; quận Cẩm Lệ với 15,65ha; quận Liên Chiểu 4ha; quận Ngũ Hành Sơn 15ha.
Bên cạnh đó, 1,2ha hoa cúc (huyện Hòa Vang); 10.000 cây hoa cúc đất; 800 cây hoa đồng tiền; 400 chậu sống đời; 100 chậu đu đủ; 300 cây hoa vạn thọ (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang); 92.000 chậu hoa cúc Tết (quận Ngũ Hành Sơn: 12.000 chậu; quận Cẩm Lệ: 50.000 chậu; huyện Hòa Vang: 30.000 chậu); 100 chậu hoa hồng (huyện Hòa Vang) bị dập nát; 0,5ha cây Atiso ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang cũng bị hư hại.
Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài, tình trạng ngập lụt đã diễn ra tại các địa phương. Nhiều vùng chuyên canh rau, hoa, màu ở Đà Nẵng ngập trong biển nước khiến sản lượng nông sản cung ứng ra thị trường giảm. Hiện nay, nông dân đang tích cực dọn dẹp, khắc phục thiệt hại để sớm sản xuất trở lại. |