Hơn 32 ha đất DNNN ở quận 9 (TP.HCM) bị “hô biến” rơi vào tay tư nhân: Đường đi lắt léo của thửa đất ngàn tỷ

06/09/2018 11:18

(TN&MT) - “Tạm giao đất” cho một công ty quân đội làm dự án thương mại. Lúc doanh nghiệp nhận đất và dự án thì do người có quốc tịch Việt Nam làm đại diện....

 

(TN&MT) - “Tạm giao đất” cho một công ty quân đội làm dự án thương mại. Lúc doanh nghiệp nhận đất và dự án thì do người có quốc tịch Việt Nam làm đại diện. Nhưng chỉ hơn 1 năm sau, khi thủ tục giao đất hoàn thành thì người này rút khỏi công ty, để người nước ngoài làm đại diện. Vì vậy, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, xác minh làm rõ đằng sau việc này là gì?.

 

Ngoài ra, nhiều chứng cứ do các hộ dân bị thu hồi đất thuộc khu vực dự án cung cấp còn cho thấy, đã có dấu hiệu của việc lợi dụng thực hiện GPMB cho dự án Khu dân cư 7/5 để thu hồi hàng nghìn m2 đất của dân rồi bỏ ngoài dự án.
 

40452042 506627319800277 1944495728290168832 n
Nhà đất của người dân bị thu hồi, giải toả


Đường đi lắt léo của thửa đất ngàn tỷ

 

Như đã thông tin: Từ 30/6/2004, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua đã ký Quyết định 3243 về "tạm giao đất" trên 324.000 m2 tại Phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9 (không thấy đính kèm bất cứ thống kê nào về số lô thửa, tờ bản đồ, bản vẽ hiện trạng,… hay số hộ dân đang cư ngụ, sản xuất, canh tác trên đất)  cho Công ty 7/5 (thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng) để thực hiện dự án khu dân cư.
 

Từ quyết định "tạm giao" thiếu cơ sở pháp lý vững chắc này, UBND Quận 9 đã phê duyệt phương án, áp giá bồi thường, hỗ trợ… cho người dân với mức giá bèo bọt chỉ 105.000 đồng/m2 đất nông nghiệp.
 

Cũng mảnh đất này, tới ngày 25/6/2015, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã ký Quyết định 3066 về "Chấm dứt tạm giao 324.000m2 đất cho Công ty 7/5" để "Giao 321.301m2 đất cho Công ty TNHH A Sung thực hiện dự án khu dân cư". Đáng chú ý, Công ty 7/5 đã được Bộ Quốc phòng ra quyết định giải thể từ 2014.
 

Từ đây, có quá nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra: Liệu 32,4ha đất trên thực sự có phải là đất quốc phòng? Công ty A Sung là loại hình doanh nghiệp nào và có phải là chủ thể (theo quy định của pháp luật) để có được mảnh đất mà nhà nước từng "tạm giao" cho doanh nghiệp quân đội?
 

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết về nguồn gốc đất nêu trên như sau: Từ 31/7/2008, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín ký văn bản 4843/UBND, có nội dung: "Ngày 18/12/2003, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1359/QĐ-TTg về việc thu hồi 823.554m2 đất quốc phòng do Quân khu 7 quản lý tại Phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9 giao cho UBND TP.HCM quản lý, sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế xã hội… Ngày 30/6/2004, UBND TP.HCM có quyết định tạm giao 324.000m2/823.554m2 đất cho Công ty 7/5 để đầu tư xây dựng khu dân cư."
 

Điều mà dư luận băn khoăn ở đây là UBND TP.HCM được giao đất quốc phòng để phát triển kinh tế  xã hội, nhưng lại "tạm giao" ngược cho một doanh nghiệp quân đội ở tận tỉnh Lâm Đồng, rồi nay lại giao tiếp cho công ty tư nhân mà không qua đấu giá theo quy định của pháp luật?
 

Sẽ không ai có thể biết được đường đi của 32,4ha đất có "nguồn gốc quốc phòng" nếu không có sự vào cuộc của báo chí, sự quyết liệt đeo đuổi khiếu nại, tố cáo tới cùng của người dân. Và công luận cũng không thể hiểu được vì sao đất từng được "tạm giao" cho doanh nghiệp quân đội, rồi nay lại về tay người nước ngoài, nếu như Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ -  nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, nguyên Giám đốc Công ty TNHH A Sung không lên tiếng.

 

Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Trần Ngọc Thổ cho biết khi Công ty 7/5 rao bán dự án, ông Thổ và bà Oanh đã cùng một người bạn Hàn Quốc hợp tác lập doanh nghiệp để mua. Tuy nhiên, người bạn kia đã không công khai việc dùng tiền của Công ty CP Tae Kwang Vina để góp vốn. Công ty CP Tae Kwang Vina sau đó đã yêu cầu ông giao quyền điều hành Công ty TNHH A Sung.
 

Ông Trần Ngọc Thổ đã chấp thuận để người Hàn Quốc đứng đại diện pháp luật, nhận lại số vốn góp ban đầu và rút khỏi Công ty TNHH A Sung. Hơn 32 ha đất gốc quốc phòng (hiện có giá trị thị trường lên tới vài ngàn tỉ đồng), với hàng chục hộ dân sinh sống, sản xuất trên đó đã về tay người nước ngoài một cách lắt léo như vậy.
 

Từ đó, hàng loạt nghi vấn được dư luận nhân dân đặt ra: Công ty TNHH A Sung có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không được nhận chuyển nhượng đất tại Việt Nam; Công ty TNHH A Sung có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thuê đất để thực hiện dự án nhà ở… theo quy định của Luật đất đai 2013(?).
 

Như vậy, nếu Công ty TNHH A Sung "mua lúa non" dự án từ Công ty 7/5 (chưa từng được giao đất chính thức - PV) thì sẽ trái quy định pháp luật, chưa cần các bên liên quan công khai số tiền mua bán, các cá nhân, cơ quan, tổ chức thụ hưởng (nếu có). Bên cạnh đó, nếu Công ty TNHH A Sung thực hiện thuê đất làm dự án nhà ở, 32,4ha đất nói trên phải được đấu giá theo luật định, quyền và lợi ích của người dân sinh sống, canh tác, sản xuất trên đất phải được bảo vệ theo Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản...
 

40424447 1877300879017026 3747232972894371840 n
Sau 14 năm, khu đất 32,4ha vẫn để mặc cỏ mọc hoang hoá, nhưng lại đặt biển báo "Khu vực quân sự"?


Bức xúc của người dân
 

Việc giao đất cho doanh nghiệp "vỏ nội, ruột ngoại" làm dự án nhà ở và xác định đất "thuộc diện nhà nước thu hồi" có cần phải được hủy quyết định giao đất, đấu giá lại, xác định lại bản chất dự án (lợi ích quốc gia hay thuần kinh doanh bất động sản - PV),… hay không sẽ cần được các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra làm rõ. Tuy nhiên, riêng việc áp giá bồi thường, tổ chức cưỡng chế, có thể thấy ngay những bất ổn.
 

Điển hình là trường hợp của ông Nguyễn Văn Oai, trú 126A khu phố Giãn Dân, Phường Long Thạnh Mỹ. Diện tích đất ông Oai khiếu nại có nguồn gốc khai hoang, sử dụng từ năm 1976. Ông Oai đã thực hiện kê khai, đăng ký nhà đất năm 1999, làm thủ tục nhập khẩu... Tuy nhiên, năm 2004, UBND TP Hồ Chí Minh ký "tạm giao" đất cho Công ty 7/5 đã không xác định cụ thể số thửa, tờ bản đồ, ranh giới đất ngoài thực địa, thực tế gia đình ông Oai vẫn sử dụng.
 

Bất ngờ, ngày 14/7/2015, UBND Quận 9 ban hành quyết định 199/QĐ-UB để cưỡng chế 6.963,4m2, nhưng theo ông Oai, thực tế đã cưỡng chế khoảng 8.000m2 đất của gia đình ông, cưỡng chế thêm cả nhà, đất của 02 em ông vốn nằm ngoài quyết định cưỡng chế (?!).
 

Ông Oai bức xúc cho biết: "Họ bồi thường 231 triệu đồng, trong khi cưỡng chế khoảng 12.000m2 đất của tôi và các em tôi. Như vậy, giá bồi thường còn chưa được 20.000 đồng mỗi m2 đất, không đủ 01 tô phở. Đây là dự án kinh doanh bất động sản thuần túy, chính quyền khi giao đất phải buộc doanh nghiệp thỏa thuận bồi thường, tái định cư với người dân theo Luật đất đai 2013…".
 

Ngày 09/8/2018, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 493/TTr-gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị kiểm tra, xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật  đơn của ông Nguyễn Văn Oai khiếu nại, tố cáo việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và cưỡng chế thu hồi đất tại Khu Giãn Dân, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9.
 

Thanh tra Bo TNMT 2
Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị kiểm tra, xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật  đơn của ông Nguyễn Văn Oai


Một trường hợp khác là hộ ông Vũ Văn Cường, có khoảng 3.000m2 đất và đặt doanh nghiệp trên đó, tại địa chỉ 126/4 khu phố Giãn Dân.
 

Về nguồn gốc đất của ông Vũ Văn Cường: Từ 29/12/2000, ông Phan Như Hải (trú tại số 126/4 khu phố Giãn Dân) đã ký chuyển nhượng cho ông Cường thửa đất 3.000 m2 thuộc phần đất 5.280 m2 của ông Hải có nguồn gốc sử dụng từ năm 1979. Ông Hải mua lại vào ngày 01/08/1992 (có xác nhận của địa phương) và có đăng ký nhà đất năm 1999.
 

Sau khi mua đất, ông Vũ Văn Cường đã được Sở KH&ĐT TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh xưởng sản xuất đồ gỗ xuất khẩu năm 2002. Ngoài xưởng gỗ, ông Cường còn xây dựng 1 ngôi nhà thờ tổ tiên, 2 nhà ở và 1 nhà xưởng mới.
 

Ông Cường đã liên tục khiếu nại, tố cáo UBND Quận 9 về việc: Không tiến hành xác minh chủ sở hữu; chưa kiểm đếm đất và tài sản trên đất... theo luật định.
 

"Ngoài ra, việc UBND Quận 9 tiến hành thu hồi đất và bồi thường với mức giá áp đặt là 105.000 đồng/m2, mỗi hộ tối đa chỉ được bồi thường 2.000m2, diện tích vượt không xem xét là trái luật, bất công và có dấu hiệu trục lợi chính sách và  biểu hiện của nhóm lợi ích cần sớm được các cơ quan chức năng Trung ương vào cuộc, kiểm tra làm rõ", ông Vũ Văn Cường cho biết.
 

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 32 ha đất DNNN ở quận 9 (TP.HCM) bị “hô biến” rơi vào tay tư nhân: Đường đi lắt léo của thửa đất ngàn tỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO