Hơn 1.300ha rừng bị “xẻ thịt” ở Bản Đôn: Công ty caosu Đắc Lắc phải chịu trách nhiệm

19/11/2014 00:00

Được UBND tỉnh giao hơn 1.300ha rừng tự nhiên để làm du lịch, nhưng Cty caosu Đắc Lắc lại giao hết cho một Cty cổ phần có vốn của tư nhân...

   
Được UBND tỉnh giao hơn 1.300ha rừng tự nhiên để làm du lịch, nhưng Cty caosu Đắc Lắc lại giao hết cho một Cty cổ phần có vốn của tư nhân, sau đó rừng bị tàn phá tan hoang. Chi cục Lâm nghiệp Đắc Lắc, UBND huyện Buôn Đôn khẳng định: Cty caosu Đắc Lắc phải chịu trách nhiệm về việc để mất rừng.
   
Công an xã Krông Na: “Hết gỗ to, lâm tặc xơi cả những cây gỗ nhỏ trong rừng sinh thái Bản Đôn”.
   
"Cổ phần hóa" rừng tự nhiên
   
  Năm 2005, UBND tỉnh Đắc Lắc có quyết định giao 1.336ha rừng tự nhiên tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) cho Cty TNHH MTV caosu Đắc Lắc để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái - văn hóa Bản Đôn. Đây là khu rừng có nhiều gỗ quý và thú hoang, bao quanh hồ Chư Minh, nằm gần tỉnh lộ 1 nên rất thuận lợi cho khai thác du lịch. 
   
  Đang kinh doanh hiệu quả, rừng tự nhiên được bảo vệ tốt thì năm 2013, Cty caosu Đắc Lắc cho DN tư nhân vào góp vốn, chuyển Trung tâm Du lịch sinh thái - văn hóa Bản Đôn thành Cty CP thương mại và du lịch Bản Đôn. Không lâu sau đó, trung tâm du lịch này chỉ còn là cái xác không hồn, nhân viên thất nghiệp về quê, hơn 1.300ha rừng tự nhiên bị lâm tặc tranh nhau đốn hạ.
   
  Ngày 10.11, theo chân anh Y Bóng - công an viên xã Krông Na - chúng tôi thâm nhập khu rừng này để xem lâm tặc “xẻ thịt” gỗ quý. Khu du lịch rộng hơn 1.000ha nhưng chỉ có một bảo vệ tại cổng chính, với nhiệm vụ trông coi tài sản Cty chứ không phải bảo vệ rừng. Chào xã giao anh bảo vệ, lượn xe máy qua các khu vui chơi, ăn uống, nghỉ dưỡng đã... hoang tàn, chúng tôi dừng lại vì tiếng cưa máy cùng lúc vang lên từ nhiều phía. Anh Y Bóng bỏ xe máy, dẫn chúng tôi vào rừng bằng những lối mòn do lâm tặc mở, tận mục sở thị những cây gỗ giáng hương, căm xe, gáo vàng bị đốn la liệt. Lâm tặc đã lấy hết gỗ, chỉ còn lại những gốc cây ứa nhựa đỏ bầm như máu, nhiều bãi cành ngọn vẫn còn tươi...
   
  Cứ sau vài phút lội rừng, chúng tôi lại bắt gặp một bãi gỗ như thế. Trên đường trở ra, tôi đụng một nhóm người đi xe máy độ chế phóng vào, thấy công an xã họ lập tức quay đầu. “Lâm tặc đi chở gỗ đấy, ngày nào mà chẳng thế” - anh Y Bóng nói.
   
Hai lần đề nghị xử lý
   
  Tính từ năm 2013 đến nay, riêng Công an xã Krông Na đã bắt 13 vụ khai thác, vận chuyển gỗ trong khu rừng này, trong đó có vụ triệt hạ 221 cây gỗ quý đã được Công an huyện Buôn Đôn khởi tố. Trước tình hình trên, huyện phải đưa lực lượng vào chốt chặn mấy tháng liền, nhưng khi đoàn liên ngành rút về thì lâm tặc lại xông lên. Tình trạng lâm tặc “mở hội” trong rừng sinh thái, rõ ràng không phải nguyên nhân khách quan mà chủ yếu do Cty caosu Đắc Lắc thiếu trách nhiệm.
   
  Ông Nguyễn Quốc Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Đắc Lắc - cho biết, trước đây Cty caosu Đắc Lắc đề nghị tỉnh thu hồi rừng, giao cho Cty CP thương mại và du lịch Bản Đôn. Nhưng UBND tỉnh chưa ban hành các quyết định liên quan, vì vậy Cty caosu Đắc Lắc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc để mất rừng. Trước đó, từ cuối năm 2013, UBND huyện Buôn Đôn đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắc Lắc, Sở NNPTNT xem xét trách nhiệm của Cty caosu Đắc Lắc và Cty CP thương mại và tu lịch Bản Đôn, nhưng đến nay tỉnh chưa có văn bản chỉ đạo giải quyết. Trong khi đó, kết quả đợt kiểm tra ngày 9.9.2014 của huyện Buôn Đôn cũng tiếp tục cho thấy “Cty CP thương mại và du lịch Bản Đôn không có lãnh đạo điều hành, diện tích rừng đang bị xâm hại nghiêm trọng”.
   
  Ngày 22.10, một lần nữa, UBND huyện Buôn Đôn đề nghị tỉnh UBND Đắc Lắc xem xét trách nhiệm của 2 Cty trên, thu hồi toàn bộ diện tích rừng giao cho đơn vị khác quản lý, bảo vệ. “Mất rừng phải xem xét trách nhiệm, UBND tỉnh giao rừng cho ai thì người đó phải chịu trách nhiệm” - một cán bộ lãnh đạo huyện Buôn Đôn cho biết.
   
Theo Đặng Trung Kiên/Báo Lao Động
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 1.300ha rừng bị “xẻ thịt” ở Bản Đôn: Công ty caosu Đắc Lắc phải chịu trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO