Xã hội

Hội viên Hội Nông dân huyện Mường Chà - Điện Biên nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế tập thể, HTX

Hoàng Châu 24/04/2024 - 18:19

(TN&MT) - Mường Chà là huyện miền núi, biên giới thuộc tỉnh Điện Biên với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn. Để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân góp phần đảm bảo an sinh xã hội, huyện Mường Chà rất chú trọng tới việc nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX).

Trong thời gian qua, huyện Mường Chà đã tuyên truyền vận động, hỗ trợ nguồn nhân lực xây dựng mô hình hợp tác xã, khẳng định vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy hàng hóa phát triển; đổi mới tư duy, tạo thêm nhiều việc làm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần đảm bảo an tư xã hội, ổn định kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trước những yêu cầu về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX trong thời gian qua, để vận dụng vào điều kiện thực tế của địa phương, huyện Mường Chà đã chủ động ban hành nhiều văn bản, cụ thể hóa chính sách nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, thành viên của hợp tác xã.

a1(1).jpg
Hợp tác xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên chuyên trồng và thu mua dứa.

Chị Lò Thị Bô, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, cho biết: Hội Nông dân các cấp của huyện Mường Chà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia phát triển các thức kinh tế tập thể, hợp tác xã; tập trung phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển HTX.

Các cấp hội nông dân huyện Mường Chà đã tổ chức thành lập được 11 mô hình kinh tế tập thể theo hình thức tổ hợp tác, tập trung nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân xây dựng các các dự án đầu tư cho tổ hợp tác để nông dân hỗ trợ nhau phát triển bền vững.

Từ tháng 5/2023, một số hộ đồng bào DTTS ở bản Púng Giắt 1, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã bỏ cây lúa năng suất, giá trị thấp để chuyển sang liên kết với HTX trồng cây bí xanh. HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Người dân góp đất sản xuất, tham gia quá trình trồng và chăm sóc cây bí. Lợi nhuận thu được được chia theo tỷ lệ người dân góp đất được hưởng 60% giá trị lợi nhuận, hợp tác xã hưởng 40%. Đến nay, mô hình liên kết trồng bí xanh tại bản Púng Giắt 1 đã cho 10 đợt thu hoạch. Mỗi đợt cho sản lượng từ 5 - 6 tấn, doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.

muong-cha20231209121436.jpg
Bí xanh tại bản Púng Giắt 1, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Trên toàn địa bàn huyện Mường Chà hiện nay có 10 HTX, trong đó có 04 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; có 06 HTX hoạt động kinh doanh tổng hợp. Trong đó 08 liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; có 02 xã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGap là Na Sang và Sa Lông. Toàn huyện hiện có 04 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, như: Miến dong Hoàng Tấm; bưởi da xanh Trung Kiên; dứa quả Na Sang; sản phẩm thịt trâu sấy Lò Duyên.

Kết quả hoạt động của HTX trong những năm qua tại huyện Mường Chà đã chứng minh được vai trò tổ chức kinh tế tập thể và sự cần thiết trong liên kết sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mở ra hướng đi mới nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp ổn định và bền vững. Kinh tế tập thể, HTX huyện Mường Chà đã khẳng định vai trò và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước nói chung, huyện Mường Chà nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội viên Hội Nông dân huyện Mường Chà - Điện Biên nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế tập thể, HTX
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO