Xã hội

“Hồi sinh” những cánh đồng

Đình Tiệp 29/02/2024 - 16:22

Trận lũ lịch sử vào cuối tháng 9 năm 2023 ở huyện nghèo vùng cao Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) đã khiến cho gần 200 tỷ đồng bị “trôi sông”. Con số thiệt hại nói trên là hết sức khủng khiếp đối với một huyện nghèo vùng cao mà trung bình mỗi năm thu ngân sách toàn huyện chỉ vỏn vẹn trên 20 tỷ đồng. Nhiều tháng trôi qua sau trận “đại hồng thủy”, người dân và các cấp chính quyền đã hết sức nỗ lực khắc phục hậu quả của thiên tai gây ra. Đặc biệt, đến nay đã khắc phục được hoàn toàn diện tích đất sản xuất.

Tan hoang sau lũ dữ

Quay trở lại những ngày cuối tháng 9 năm 2023, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới từ ngày 26/9 đến ngày 27/9 trên địa bàn huyện Quỳ Châu đã xảy ra mưa to đến rất to lượng mưa đo được trên 310mm, lũ trên các thượng nguồn chảy về lớn đồng thời các nhà máy như Nhạn Hạc, Châu Thắng, Nậm Pông xả lũ với lưu lượng 2.000 - 2.500 m3/s, đã gây ngập lụt diện rộng, thiệt hại hết sức nặng nề trên toàn địa bàn huyện Quỳ Châu.

anh-2.jpg
Trận lụt cuối tháng 9/2023 là trận lũ lịch sử ở Quỳ Châu.

Còn nhớ vào thời điểm sau trận lũ khoảng 1 tuần, ông Lê Hải Lý – Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cầm trên tay Báo cáo tình hình thiệt hại gửi cho PV mà ánh mắt hiện rõ sự thất thần, mệt mỏi.

Nhận Báo cáo số 37/BC-UBND ngày 4/10/2023 của UBND huyện Quỳ Châu gửi UBND tỉnh Nghệ An từ trên tay ông Lý, chúng tôi không khỏi xót xa, bàng hoàng vì hậu quả từ cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Theo Báo cáo thống kê nói trên, đợt mưa lũ này đã khiến một người chết đuối; phải thực hiện di dời đến nơi an toàn trên 5.000 người.

anh-1.jpg
Nhiều diện tích đất sản xuất bị bồi lấp.

Trận lụt cũng khiến 1 nhà ở bị sập hoàn toàn (xã Châu Nga), 1.371 nhà/30 khối, bản bị ngập lụt. Quốc lộ 48A với chiều dài khoảng 44 km bị chia cắt 8 điểm; Quốc lộ 48D có 8 điểm sạt lở hàng trăm khối đất đá; tỉnh lộ 544 dài khoảng 34km có 3 điểm sạt lở tại dốc Bù Xen; tuyến đường Châu Thuận - Châu Hội bị sạt lở 3 điểm; nhiều tuyến đường chính của các xã bị sạt lở, chia cắt nhiều thôn, bản; tất cả các cầu tràn trên địa bàn huyện bị ngập hoàn toàn. Nhiều công trình thủy lợi bị sạt lở, cuốn trôi, hư hỏng như hàng loạt hồ chứa nước Huôi Húng; đập Khe Xén; Khe Tụ; Khe Tụt; Kè Minh Châu…

Ngoài ra, đợt lũ lụt cũng khiến cho 40 cột hạ thế, 5 cột trung thế; 3 trạm biến áp, 02 máy đóng ngắt điện từ xa bị ngập, gãy đổ. Có 15 trạm BTS của Vinaphone, 7 trạm của mạng Viettel bị hư hỏng và mất sóng. 36/36 trường học phải nghỉ học; 14.906 học sinh phải nghỉ học do ảnh hưởng mưa lớn, trong đó có hơn 100 học sinh Trường THPT Quỳ Châu ở trọ nội trú, và trong các hộ dân bị mất hết sách, tư trang học tập; có 5 điểm trường và 4 trạm Y tế ở các xã Châu Tiến, Châu Thắng, Châu Hội, Châu Bình bị ngập sâu trong nước.

anh-3.jpg
Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Đặc biệt, lũ lụt đã làm 850,48 ha lúa hè thu mùa, 123,29 ha hoa màu và 190,79 ha thủy sản bị thiệt hại; 234,45 ha cây trồng hàng năm bị ngập, gãy đổ; 776 con gia súc trâu, bò, lợn cùng 23.032 con gia cầm bị chết. Nhiều cơ quan, đơn vị và hộ dân bị thiệt hại về đồ điện tử, đồ gia dụng, ô tô, xe máy... Ước tính tổng thiệt hại toàn địa bàn huyện Quỳ Châu lên đến gần 200 tỷ đồng.

Sắc xanh trở lại trên những cánh đồng

Lũ tràn qua để lại hậu quả nghiêm trọng. Huyện nghèo Quỳ Châu tan hoang sau lũ dữ. Vì thế, công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả sau khi nước rút được các cấp chính quyền và người dân nơi đây tập trung toàn lực.

z5199537980909_858452f7f55a948e9240a45549a614bd.jpg
z5199537968396_f3d3a2902e72ffa1dea24ffa5b284080.jpg
Công tác khắc phục lập tức được các cấp chính quyền và người dân bắt tay thực hiện.

Khi đó, UBND huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt với phương châm nhà giúp nhà; đơn vị giúp đơn vị, xã giúp xã, tất cả chúng tay để khắc phục mưa lũ. Đặc biệt, việc khắc phục lại những diện tích đất bị bồi lấp, xói mòn, các công trình thủy lợi như đập, mương máng để phục vụ sản xuất lúa và nông nghiệp nói chung được lãnh đạo huyện chỉ đạo cơ sở và người dân ưu tiên hàng đầu.

z5199537996645_9b1d2dd77010ff0453656119ab512163.jpg
Từ những diện tích đất bị phá hủy, ngổn ngang.

Nhớ lại thời điểm đó, ông Thái Văn Quang, cán bộ Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Quỳ Châu, cho hay: “Sau lũ, bên cạnh những thiệt hại về nhà cửa, tài sản của nhân dân thì hàng trăm ha đất sản xuất bị vùi lấp một lớp đất đá dày. Do đó, để phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống, việc khắc phục, xử lý đất, các công trình thuỷ lợi hư hỏng là ưu tiên hàng đầu của huyện nhà. Tuy nhiên, khi đó gặp vô vàn khó khăn”.

z5199537972176_34eb3ed15dcad0956994e2341bca97cd.jpg
z5199537968397_82e83f62bfed5f8dcb8f76faf1e7cbc0.jpg
Bằng công sức và sự nỗ lực.

Anh Lê Văn Bảo, bản Na Xén, xã Châu Hạnh có 4 sào lúa bị đá, cát vùi lấp hoàn toàn trong lũ. Sau khi nước rút, thời tiết khô ráo, với dụng cụ cuốc, xẻng, vợ chồng gắng sức xúc những lớp cát dày 50cm, có chỗ dày đến hơn 1 mét. Anh Báo cho biết: Chuẩn bị cho vụ lúa xuân vừa rồi, chúng tôi tập trung cải tạo đất, gieo giống. Hai vợ chồng nai lưng làm, chứ bây giờ thuê máy xúc thì nhiều tiền, mà máy cũng chưa đến lượt mình do số lượng máy ít, nhiều hộ khác cũng đang cần. Sau bao công sức, cuối cùng 4 sào ruộng của gia đình anh đã được khôi phục hoàn toàn, vụ lúa xuân vừa rồi mặc dù năng suất chưa bằng trước khi bị lụt nhưng thu hoạch cũng đủ cho gia đình ăn. Vụ lúa tiếp theo này, gia đình anh Bảo cũng đã kịp làm đất, cải tạo để kịp gieo cấy toàn bộ diện tích trước Tết Nguyên đán 2024. Đến nay, lúa đã lên xanh tốt trong sự vui mừng, phấn khởi của cả gia đình.

z5199537720196_7503fbf8ba8b070bacf18ea12be5c248.jpg
Mà hàng trăm héc ta đất canh tác đã được khôi phục.

Được biết, xã Châu Hạnh là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất sau đợt lũ vừa qua. Người dân tại đây chia sẻ, sau lũ, bà con ai cũng khó khăn, tiền thuê máy múc từ 600.000 – 700.000 đồng/giờ, số tiền ấy quá lớn đối với đồng bào vùng núi. Do đó, bà con tập hợp thành tổ đội hỗ trợ nhau; đây là phương án khả thi nhất. Bà con giúp đỡ nhau không tính tiền công, ruộng đồng dần dần được khôi phục, thắm thêm tình đoàn kết xóm giềng.

Trao đổi với PV, ông Vi Thế Long – Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh, cho biết: Sau khi thống kê thiệt hại, đối với các công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, xã lập tức có văn bản đề xuất lên huyện và huyện cũng đã chỉ đạo xí nghiệp thuỷ lợi hỗ trợ phục hồi cho địa phương. Đối với việc phục hồi đất sản xuất, thực tế kinh phí của xã không đủ để thuê số lượng máy móc lớn cho bà con, do đó, một mặt, người dân chủ động khắc phục, mặt khác xã đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí thuê máy cho bà con, tập trung ở các bản bị thiệt hại nặng như: Na Xén, Minh Châu, Tà Lạnh, Minh Tiến…Sau bao nỗ lực, hàng chục héc ta đất canh tác của bà con đã được khôi phục hoàn toàn.

z5199548337106_89a1f77854bf5bbbf435ed1828b21752.jpg
Những cánh đồng xanh tươi là niềm vui và hạnh phúc của người dân huyện vùng cao Quỳ Châu.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳ Châu thông tin thêm rằng, từ sau trận lụt lịch sử đến nay, toàn huyện đã luôn phát động toàn dân ra quân làm giao thông thuỷ lợi, khuyến khích người dân khôi phục đất sản xuất. Các địa phương chỉ đạo bà con tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng, khắc phục những diện tích ruộng bị vùi lấp trong khả năng; đồng thời ngành thuỷ lợi tiến hành sửa chữa những công trình thuỷ lợi bị hư hỏng. Phương châm là khắc phục đến đâu, tiến hành sản xuất đến đó.

Ông Nguyễn Thanh Hoài – Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, cho hay: “Có thể nói trận lũ lụt lịch sử cuối tháng 9/2023 đã gây nên những thiệt hại chưa từng có cho huyện nghèo vùng cao Quỳ Châu, nhất là về giao thông, thủy lợi và ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, sau biết bao nỗ lực của chính quyền các cấp và người dân mà huyện nhà đã nhanh chóng khắc phục hậu quả. Điều đáng mừng nhất cho đến nay là gần 100 héc ta đất sản xuất nông nghiệp đã được khôi phục lại nguyên trạng để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hồi sinh” những cánh đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO