Thế giới

Hội nghị thượng đỉnh tham vọng khí hậu: Liên Hợp Quốc đề xuất giải pháp chống biến đổi khí hậu

Mai Đan 23/09/2023 - 00:00

(TN&MT) - Tại Hội nghị thượng đỉnh tham vọng khí hậu diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao khóa họp thứ 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (từ ngày 18 - 26/9) tại TP New York, Mỹ, Liên Hợp Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng mực nước biển dâng cao.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Dennis Francis vừa cảnh báo, mặc dù các quốc đảo nhỏ dễ bị tổn thương nhất trước mực nước biển dâng cao nhưng phạm vi của những quốc gia bị ảnh hưởng còn rộng hơn nhiều. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh tham vọng khí hậu, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Dennis Francis - một nhà ngoại giao kỳ cựu đến từ Trinidad và Tobago cho biết ông quyết tâm đảm bảo vấn đề trên nhận được sự quan tâm xứng đáng trong nhiệm kỳ của ông.

image1170x530cropped-18-.jpg
Ấn Độ triển khai các biện pháp bảo vệ bờ biển do mực nước biển dâng cao

Mực nước biển dâng là vấn đề không của riêng ai

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra nhanh chóng, nhu cầu về các cách tiếp cận toàn diện và sáng tạo hơn để làm chậm biến đổi khí hậu, bao gồm cả nước biển dâng, đã gây được tiếng vang trong suốt Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc, đặc biệt là tại Hội nghị thượng đỉnh tham vọng khí hậu.

Đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ đang phát triển, vấn đề hiện tại về biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng là một mối đe dọa hiện hữu. “Đây không phải là suy đoán hay cường điệu quá mức. Đó là sự thật”, ông Francis giải thích.

Dẫn số liệu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), ông Francis cho biết IPCC ước tính trong điều kiện hiện tại, mực nước biển trung bình toàn cầu có khả năng tăng từ 8 đến 29 cm vào năm 2030, trong đó các khu vực xích đạo phải hứng chịu nhiều nhất. Sự gia tăng chủ yếu là do sự giãn nở nhiệt, trầm trọng hơn do sự tan chảy của sông băng trên núi và chỏm băng, với mức tăng tiếp theo được dự đoán lên tới 70 cm vào năm 2070. Mực nước biển dâng cao tạo ra các hiện tượng thời tiết cực đoan từng xảy ra mỗi thế kỷ một lần có thể trở thành hiện tượng thường niên vào cuối thế kỷ này.

Ông Francis cảnh báo, con số đáng kinh ngạc là 900 triệu người sống ở các vùng ven biển có nguy cơ mất nhà cửa do mực nước biển dâng cao và hậu quả khác của biến đổi khí hậu, đáng chú ý vấn đề này có thể còn trầm trọng hơn. Theo ông, không ai có thể tránh khỏi một thảm họa tiềm ẩn, các vùng đồng bằng sông màu mỡ như Mississippi, Mekong và Nile - vựa lúa mì của thế giới - đang chìm xuống.

Liên quan đến tác động của mực nước biển dâng cao đối với hòa bình và an ninh quốc tế, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng cho biết các quốc gia như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Hà Lan cũng như các thành phố lớn như Bangkok, Buenos Aires, Jakarta, Lagos, London, Los Angeles, Mumbai, Maputo, New York và Thượng Hải đều đối mặt với rủi ro. Theo ông, mối nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng đối với gần 900 triệu người sống ở các vùng ven biển ở độ cao thấp -tương đương với 1/10 người trên Trái Đất.

Ngoài những ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế và cộng đồng, mực nước biển dâng còn gây ra những tác động nghiêm trọng hơn đến các khía cạnh về môi trường, pháp lý, chính trị, kỹ thuật, kinh tế, văn hóa và nhân quyền.

Ông Francis cùng các nhà lãnh đạo có mặt tại hội nghị cảnh báo: “Chúng ta không chỉ có nguy cơ mất đất mà có thể còn mất cả di sản văn hóa và lịch sử phong phú của những hòn đảo và khu vực đã giúp hình thành bản sắc của người dân”.

Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo hãy nâng cao “tham vọng chung” của họ và thực hiện những hành động rất cần thiết, đồng thời đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) vào ngày 30/11/2023 và Hội nghị các quốc gia đang phát triển ở các đảo nhỏ (SIDS) dự kiến diễn ra vào năm 2024.

Tìm giải pháp chống biến đổi khí hậu

Phát biểu mở đầu Hội nghị thượng đỉnh tham vọng khí hậu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết: “Nhân loại đã mở ra cánh cửa địa ngục” khi tiếp tục trì hoãn giải quyết các vấn đề khí hậu. Sức nóng khủng khiếp đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng - nông dân đang chứng kiến mùa màng bị lũ lụt cuốn trôi, nhiệt độ tăng cao kéo theo dịch bệnh và cháy rừng diễn ra khắp nơi khiến hàng nghìn người phải sơ tán”.

“Nếu không có hành động sớm, nhiệt độ toàn cầu có thể nhanh chóng tăng đến 2,8 độ C - đồng nghĩa rằng thế giới sẽ bất ổn và nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo vẫn có thể thay đổi tương lai, chúng ta vẫn có thể khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C” - ông Guterres cho biết thêm.

Nhắc đến nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng tốc độ chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu tái tạo vẫn còn rất chậm. Do đó, các quốc gia cần phải có các cam kết quy mô hơn về mức giảm phát thải nhà kính hướng tới mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C. Đặc biệt, những quốc gia hiện đang phát thải nhiều nhất phải là các nước dẫn đầu nỗ lực này, với mốc thời gian được đưa ra là các nước phát triển đạt mức phát thải ròng bằng 0 muộn nhất trước năm 2040 và các nền kinh tế đang phát triển là trước năm 2050.

Không chỉ đề cập đến các giải pháp ứng phó với mực nước biển dâng cao, tại Hội nghị thượng đỉnh tham vọng khí hậu, Liên hợp quốc cũng kêu gọi các biện pháp để vượt qua khủng hoảng khí hậu. Ông Guterres đã đề xuất Hiệp ước Đoàn kết Khí hậu và kêu gọi các nước giàu hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi để họ có thể vượt qua khủng hoảng. Giống như Thỏa thuận Paris 2015, nội dung của hiệp ước này sẽ bao gồm điều khoản yêu cầu các nước phát thải lớn nỗ lực hơn nữa để cắt giảm lượng khí thải và giúp các nước nghèo hơn đạt mục tiêu khí hậu. Việc thất bại trong việc đạt mục tiêu này, ông cho rằng sẽ là hồi kết cho cả thế giới.

Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng đề cập đến công lý về khí hậu. Liên hợp quốc mong muốn xây dựng một chương trình tăng tốc, để thúc đẩy các chính phủ “tiến nhanh hơn về phía trước” và giúp càng nhiều nước phát triển đạt mức phát thải ròng bằng trước năm 2040 càng tốt, cũng như càng nhiều nước đang phát triển đạt mục tiêu trước năm 2050 càng tốt. “Điều quan trọng là phải đảm bảo sự chia sẻ công bằng về trách nhiệm giữa các quốc gia. Các nước nghèo có quyền tức giận khi họ phải gánh chịu hậu quả khí hậu từ các nước giàu hơn” - ông Guterres cho biết.

Ông đề xuất thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm với quy mô toàn cầu cho tất cả mọi người. Quan chức Liên hợp quốc khẳng định mọi người trên Trái đất phải được bảo vệ bởi hệ thống cảnh báo sớm vào năm 2027, theo kế hoạch được đưa ra vào tháng 11/2022. Vào thời điểm đó, Liên hợp quốc cho hay khoảng một nửa thế giới thiếu hệ thống cảnh báo sớm đa mối nguy hiểm và các quốc gia có hệ thống cảnh báo sớm hạn chế có tỉ lệ dân số tử vong do thảm họa cao gấp 8 lần so với các nước có phạm vi cảnh báo cao hơn.

Theo Tổng hợp từ UN News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị thượng đỉnh tham vọng khí hậu: Liên Hợp Quốc đề xuất giải pháp chống biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO