Hội nghị COP 25: Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm việc với Ngân hàng Thế giới

Chu Thanh Hương (từ Tây Ban Nha)| 13/12/2019 10:07

(TN&MT) - Trong khuôn khổ Hội nghị COP25, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với bà Karin Kemper, Giám đốc toàn cầu phụ trách tài nguyên, môi trường và kinh tế biển xanh của Ngân hàng Thế giới.

Tham dự phiên họp có ông Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; ông Tăng Thế Cường Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu; ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà và bà Karin Kemper đã trao đổi nhiều vấn đề hợp tác giữa hai bên như: việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long; sửa đổi 2 bộ luật lớn về đất đai, môi trường; kinh tế tuần hoàn…

Bà Karin Kemper cho biết hợp tác giữa Ngân hàng thế giới và Việt Nam nói chung và với Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang rất tốt đẹp. Bà mong muốn được trao đổi cùng Bộ trưởng về khả năng hợp tác giữa hai bên trong quan lý chất thải rắn, rác thải nhựa.

Đoàn Bộ TN&MT làm việc với bà Karin Kemper, Giám đốc toàn cầu phụ trách tài nguyên, môi trường và kinh tế biển xanh của Ngân hàng Thế giới

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảm ơn Ngân hàng Thế giới về cam kết cũng như hỗ trợ Bộ TN&MT thời gian qua.

Bộ trưởng cho biết, để tìm giải pháp cho đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ. Nhu cầu của vùng hiện nay là cần tăng cường năng lực để đánh giá tính dễ bị tổn thương; thu thập dữ liệu không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn lưu vực sông Mê Công; thiết lập mạng lưới giám sát lưu vực sông Mê Công; huy động nguồn lực thực hiện các dự án ưu tiên về hạ tầng, nâng cao tính chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang xây dựng Quy hoạch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết lập và vận hành Cơ quan điều phối vùng để bảo đảm công việc triển khai được thuận lợi.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng thông tin về việc Bộ TN&MT đang tiến hành lấy ý kiến sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai đang được sửa đổi và đánh giá cao hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới trong việc thực hiện Dự án "Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai”. Bộ trưởng cảm ơn Ngân hàng Thế giới về hỗ trợ chuyên gia trong lĩnh vực đất đai và đề nghị  Ngân hàng Thế giới hỗ trợ chuyên gia về kinh tế, tài chính cho lĩnh vực này; hỗ trợ sửa đổi Quy hoạch sử dụng đất. Bộ trưởng cũng cho biết  đã trao đổi với ngài Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và nhận được sự nhất trí và ủng hộ cao của ngài Giám đốc về việc này.

Về việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Bộ trưởng cho biết dự kiến sẽ hoàn thành và trình Quốc hội trong vòng 2 tháng tới. Luật sẽ có các chính sách mới như quy định về kinh tế tuần hoàn; tái chế rác thải; cấp phép môi trường như một số quốc gia đang áp dụng; xây dựng các Trung tâm dữ liệu môi trường. Bộ trưởng mong muốn Ngân hàng Thế giới hỗ trợ chuyên gia về công cụ kinh tế, quy hoạch môi trường và hỗ trợ xây dựng trung tâm dữ liệu quan trắc môi trường tương tự như đã hỗ trợ trong lĩnh vực đất đai.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tặng bà Karin Kemper một món quà lưu niệm từ Việt Nam

Bộ trưởng cũng mong Ngân hàng Thế giới hỗ trợ chuyên gia về quy hoạch không gian để phát triển bền vững, trong đó có phát triển kinh tế biển xanh, một trong những chủ đề mới tại Hội nghị COP25; hỗ trợ huy động nguồn lực từ khối doanh nghiệp thực hiện Chương trình biến đổi khí hậu giai đoạn 2020-2025, trong đó có mục tiêu tăng năng lượng tái tạo (mặt trời và gió) từ 8% lên 15%.

Bà Karin Kemper cho biết, phía Ngân hàng Thế giới có nhóm chuyên gia trong lĩnh vực quản lý rác thải, kinh tế tuần hoàn và thống nhất sẽ nghiên cứu để triển khai thực hiện và áp dụng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; thống nhất hỗ trợ Việt Nam trong phát triển Kinh tế biển xanh dựa trên nhu cầu của phía Việt Nam. Đồng thời cũng đề nghị được tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc loại trừ chất HFC trên cơ sở kết quả thành công của hợp tác giữa hai bên về loại trừ HCFC thời gian qua nhằm bảo vệ tầng ô-dôn. Bà Karin Kemper cũng đề nghị được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực loại trừ HFC là chất làm suy giảm tầng ô-dôn thời gian tới.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới cho các dự án loại trừ các chất HCFC là rất thành công trong thời gian qua và khẳng định sẵn sàng hợp tác với Ngân hàng thế giới và các đối tác phát triển khác để loại trừ các chất HFC đúng với các cam kết của Việt Nam khi phê duyệt Sửa đổi Ki-ga-li.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị COP 25: Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm việc với Ngân hàng Thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO