Thủ tướng cho biết, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị “3 trong 1” (Hội nghị ACMECS lần thứ 7, CLMV lần thứ 8 và WEF-Mekong) lần này đã thành công tốt đẹp. Hội nghị WEF-Mekong là sáng kiến của Việt Nam được WEF và các nước Mekong ủng hộ. Đây là lần đầu tiên, WEF tổ chức một hội nghị riêng về khu vực Mekong.
Trao đổi với báo chí, Thủ tướng cho biết, điểm mới của Hội nghị là số lượng đại biểu tham dự đông nhất từ trước tới nay, trong đó có các đối tác phát triển như Ngân hàng Thế giới (WB), Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ngoài ra có các tập đoàn lớn của WEF và các nước trong khu vực, trong đó có nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với đó còn có các đại sứ, đại biện tại Hà Nội cùng tham gia hội nghị ACMECS và CLMV.
Họ đã cam kết hỗ trợ nguồn lực cho các nước chậm phát triển hơn, nhất là trong CLMV. Các tập đoàn kinh tế lớn - những người quyết định quan trọng đến sự tăng trưởng và phát triển - đã tìm hiểu các dự án khả khi để đầu tư vào các nước ACMECS cũng như CLMV.
Các đối tác phát triển đánh giá các nội dung mà Hội nghị đưa ra rất thiết thực. Do vậy họ cho rằng cần có các dự án lớn tầm cỡ khu vực để kết nối khu vực, nhất là kết nối giao thông, điện, các nền kinh tế, rồi tăng trưởng bao trùm, tăng trưởng xanh trong sự phát triển của nội khối.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp báo Ảnh: chinhphu.vn
“Tại hội nghị này, chúng ta đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp mới, mạnh mẽ hơn như tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm, để phấn đấu xây dựng xã hội hướng về người dân, ứng phó kịp thời hơn với biến đổi khí hậu trong khu vực. Không những bằng chủ trương mà lần này còn đưa ra nhiều biện pháp cụ thể với nhiều dự án khu vực để kết nối ACMECS, CLMV” – Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng cũng cho biết những kết quả đạt được sau khi kết thúc 3 Hội nghị, đó là: “Chúng ta đã bàn các biện pháp huy động nguồn lực nhằm phát triển và khơi dậy tiềm năng tăng trưởng của khu vực Mekong. Chúng ta đã đưa ra được những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với tiến trình công nghiệp hóa ở các nước Mekong và những giải pháp kết nối, đồng thời đưa ra các biện pháp tăng cường hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh rằng các nước CLMV có sự chậm trễ hơn trong phát triển do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện tự nhiên khó khăn. Cho nên cần phải cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn cũng như ứng dụng kinh tế số ở các nước này một cách kịp thời hơn, để phát huy tiềm năng, thế mạnh, nhất là các lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ thông tin”.
“Qua các Hội nghị, chắc chắn các nhà lãnh đạo của ACMECS và CLMV đã cảm nhận được sự thiết thực của hội nghị được tổ chức lần này ở Việt Nam. Họ thấy rằng cần tăng cường quan hệ nội khối tốt hơn, đồng thời phát triển mạnh mẽ mối quan hệ với các nước phát triển, từ các nước nhóm đầu ASEAN, EU, Trung Quốc, các nước khác, các đối tác phát triển như WB, ADB. Đó là sự đổi mới” - Thủ tướng chia sẻ.
Phạm Thu Hà