Học trên truyền hình – Phương pháp tối ưu cho học sinh trong mùa dịch Covid-19

Mai Đan | 28/02/2020 18:31

(TN&MT) - Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường vào chiều 28/2, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết dạy học trên truyền hình là phương pháp khả thi nhất cho học sinh phổ thông và sinh viên đại học, trước mắt là cho khối phổ thông trong thời dịch Covid-19.

Phụ huynh hoang mang khi dịch Covid-19 tại các nước láng giềng vẫn ở đỉnh cao

Theo thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam, tính đến ngày 25/2, bệnh nhân cuối cùng trong 16 ca nhiễm bệnh Covid-19 đã được điều trị khỏi và cho đến nay Việt Nam chưa ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lần đầu tiên số ca nhiễm mới dịch Covid-19 ở bên ngoài đã cao hơn tại lục địa Trung Quốc vào ngày 26/2.

Số liệu trên đã làm dấy lên mối lo ngại đối với các cơ quan chuyên môn ngành giáo dục cũng như các bậc phụ huynh ở Việt Nam trong việc đưa ra quyết định cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 3 tới hay tiếp tục nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19.

Hiện nay ở Việt Nam vẫn tồn tại tranh luận rất quyết liệt giữa hai quan điểm. Một bên là, không thể để học sinh, sinh viên cả nước phải tiếp tục nghỉ học khi mà tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam đã tạm ổn; trong khi quan điểm của bên kia là, tình hình dịch ở các nước láng giềng của ta vẫn đang ở đỉnh cao, thậm chí còn bùng phát mạnh mẽ thì nguy cơ lây lan và dẫn tới bùng phát dịch ở Việt Nam sẽ rất lớn. Các cơ sở giáo dục là những nơi tập trung đông người nên khả năng lây lan lại càng cao.

Học trên truyền hình – Phương pháp tối ưu cho học sinh trong mùa dịch Covid-19

Để giúp ngành giáo dục có thể đưa ra các quyết định chính xác về việc có cho học sinh, sinh viên quay trở lại trường trong mùa dịch Covid-19 này hay không, tại công văn số 04 /HH - VP ngày 20/2/2020 Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã kiến nghị tới Thủ tướng thay thể giải pháp cho người học nghỉ học - bằng giải pháp không đóng cửa các trường học mà vẫn cho trường học tiếp tục hoạt động nhưng các trường phải chuyển qua phương thức học từ xa (bao gồm học hàm thụ, học trên truyền hình, học trực tuyến…) để tránh việc tập trung đông người học.

Trong các loại hình trên, hình thức dạy học trên truyền hình cho phép có thể áp dụng đại trà nên chỉ qua vài ngày đã được nhiều địa phương ủng hộ và hưởng ứng (chẳng hạn như Đồng Nai, Vĩnh Long, An Giang, TP. Hồ Chí Minh…).

Về kiến nghị trên, ngày 25/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Việc học từ xa đã được triển khai và công nhận kết quả đối với trình độ trên phổ thông (trung cấp, cao đẳng, đại học). Bậc học này triển khai thuận lợi phương pháp học từ xa do người học đã trưởng thành.

Tuy nhiên, với giáo dục phổ thông, bên cạnh việc học kiến thức, học sinh còn được học làm người, do đó việc dạy và học cần phải trực tiếp, tương tác tại chỗ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, với điều kiện của Việt Nam hiện nay, phương pháp học từ xa chưa thể triển khai được, song Bộ GD&ĐT sẽ quan tâm nghiên cứu đến đào tạo từ xa ở bậc phổ thông để có phương pháp, kế hoạch cụ thể.

Học trên truyền hình phát huy triệt để mạng lưới truyền hình quốc gia

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT về ý kiến của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định: Hiệp hội không kiến nghị Thủ tướng thay đổi phương pháp dạy học truyền thống (người dạy – người học tương tác trực tiếp) sang dạy học trên truyền hình, mà chỉ kiến nghị triển khai phương pháp dạy học trên truyền hình khi xảy ra thiên tai, dịch họa như dịch Covid-19 hiện nay khiến học sinh phải nghỉ học.

“Để giải quyết luồng quan điểm giữa việc cho học sinh nghỉ tiếp hay đi học trở lại trong bối cảnh nước ta có hệ thống kênh truyền hình rất phong phú, đa dạng ở cả trung ương và địa phương thì phương pháp dạy học trên truyền hình là hữu hiệu và khả thi nhất trong thời điểm này” - PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ đánh giá: Dạy học trên truyền hình cho bậc học phổ thông ở Việt Nam có tính khả thi cao hơn so với dạy học trực tuyến bởi vì các điều kiện để triển khai nó hầu như đã có sẵn, bao gồm: kênh truyền hình, đội ngũ đạo diễn truyền hình, đội ngũ kỹ thuật viên, đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa, hệ thống giáo án…

Nếu không quá cầu toàn thì có thể thấy cách dạy trên truyền hình và cách dạy truyền thống giống nhau về cơ bản (chỉ khác đôi chút là ở chỗ trường hợp này người thầy đứng trước học sinh còn trường hợp kia người thầy đứng trước camera).

Đầu tư cho dạy học trên truyền hình sẽ không lớn nếu biết khai thác mạng lưới truyền hình quốc gia đang có (bao gồm cả truyền hình trung ương lẫn truyền hình địa phương) mà nhìn chung còn chưa sử dụng hết công suất.

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: giadinhmoi.vn

Theo PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, so với dạy học truyền thống và dạy học trực tuyến, dạy trên truyền hình bị hạn chế ở khâu tương tác thầy - trò. Tuy nhiên hạn chế này sẽ được khắc phục nếu biết huy động đội ngũ giáo viên trực tiếp ở các cơ sở giáo dục tham gia vào quá trình dạy học trên truyền hình thông qua vai trò trợ giảng. Họ phải theo dõi trực tiếp bài giảng trên truyền hình, trực tiếp giải đáp thắc mắc của học sinh, tổ chức cho học sinh học theo nhóm nhỏ ở các khu dân cư, hướng dẫn học sinh tự học và đánh giá kết quả học tập của học sinh…

“Để quản lý và giám sát việc học tập của học sinh ở các nhóm nhỏ, nhà trường cần làm việc với hội cha mẹ học sinh, huy động họ tham gia vào hoạt động này” - PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học trên truyền hình – Phương pháp tối ưu cho học sinh trong mùa dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO