Sản phẩm của các em đã đạt giải Nhì cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XI -2018” vừa diễn ra.
Các em cho hay, hiện chắc chúng ta ai cũng biết rằng trên sân trường, hành lang, lớp học... vẫn còn tồn đọng nhiều loại rác do một số bạn chưa có ý thức, không bỏ rác vào thùng theo quy định. Ngoài ra các em cũng nhận được sự giáo dục của giáo viên thông qua câu chuyện “Mẩu giấy vụn”...
“Vì thế chúng em đã có ý tưởng làm nên “Thùng rác thông minh”, nhằm tạo sự tiện lợi cho các bạn trong việc giữ gìn vệ sinh trường lớp. Khi biết được ý tưởng này thì quý thầy cô cũng như bố mẹ đã ủng hộ, nhất trí rất cao”- Minh Trí chia sẻ.
Xe điều khiển từ xa; bộ pin dự phòng; thiết bị mạch điện đơn giản từ máy điện thoại cũ; loa từ xe cũ; thùng rác nhựa; dây điện sạc pin...; đó là những sản phẩm cũ dễ tìm kiếm được 4 em tận dụng để tạo nên sản phẩm.
Nguyên Bảo cho biết thùng rác được chế tạo thông qua 4 bước chính. Trước hết là chuẩn bị các vật dụng cần thiết như đã kể trên. Sau đó tạo cân bằng cho thùng rác khi được đặt lên xe, thử cân bằng, trọng lượng và bố trí thiết bị hộp điện phù hợp, kiểm tra thiết bị cảm ứng, âm thanh. Dùng thùng rác kết dính với khay và xe điều khiển từ xa bằng keo dán, đảm bảo cân bằng trong quá trình di chuyển. Hàn các bo mạch với nhau. Rồi phải cố định các thiết bị và trang trí và bước cuối là trang trí, hoàn thiện sản phẩm.
Để sản phẩm vận hành tốt, các em đã gắn thiết bị vào nguồn 5V. Sau đó di chuyển thùng rác đến trước người bỏ rác, đưa tay đến gần bộ cảm biến (4- 5cm) ở nắp thùng rác. Thiết bị cảm biến sóng siêu âm sẽ bật đèn tín hiệu (yêu cầu bỏ rác) bộ điều khiển lập tức mở nắp thùng rác, 5 giây sau thiết bị âm thanh phát ra âm từ mạch âm thanh 1: “xin bỏ rác vào thùng” sau 2 giây nắp đậy lại, đồng thời phát ra âm thanh 2: “xin cảm ơn”.
Nếu trong quá trình người bỏ rác bỏ nhiều rác có thể giữ tín hiệu lâu (đèn cảm biến đỏ và giữ) ở bộ cảm biến sóng siêu âm thì nắp của thùng rác vẫn giữ nguyên không đóng lại cho đến khi người bỏ rác vào thùng rút tay ra khỏi vị trị cảm biến. Sau đó di chuyển đến vị trí khác. Nếu muốn cố định 1 chỗ, người dùng có thể tháo thùng rác ra khỏi thiết bị di chuyển, để ở vị trí cố định thì các tính năng không thay đổi.
Nói về tính mới và sự sáng tạo của thùng rác này, Anh Thư cho rằng sản phẩm tự động mở và đóng nắp qua cảm ứng bàn tay. Tự phát ra âm thanh gây chú ý và sự thích thú. An toàn cho người bỏ rác và người dọn rác. Thùng rác cũng dễ di chuyển đến vị trí người cần bỏ rác nên rất thuận tiện và tạo sự vui thích khi sử dụng... “Nó sẽ tiết kiệm thời gian cho chúng em làm trực nhật, lao động; nhìn chung là gọn nhẹ, đơn giản, dễ dùng...”- Thư hào hứng.
Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, thầy Lê Thanh Sơn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trường An cho rằng các em đều học giỏi, đam mê nghiên cứu sáng tạo các sản phẩm về khoa học kĩ thuật.
“Sản phẩm thùng rác của các em đã được nhân rộng ra các trường trên địa bàn thành phố bởi nó có tính năng ưu việt, linh hoạt; giúp việc trực nhật lớp dễ dàng hơn, việc dọn dẹp sân trường đỡ vất vả hơn. Ý thức của học sinh từ đó cũng được nâng cao hơn...”- thầy Sơn nói.
Các em tâm sự rằng muốn mang đến một thông điệp ý nghĩa là mọi người hãy chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường sống trong lành...
“Sắp tới nhóm sẽ cố gắng cải tiến chiếc thùng rác này hơn nữa để nhân rộng ra nhiều nơi, đặc biệt là trong văn phòng làm việc của các công ty. Mặt khác chúng em cũng mong muốn dùng cho những thùng rác công cộng. Vì hiện các thùng rác công cộng khi cần bỏ rác vào phải dùng tay mở nắp thùng nên gây mùi khó chịu cho người đi đường và những nhà dân sống gần; sản phầm này sẽ vệ sinh hơn, hạn chế tối đa mùi hôi từ thùng rác...”, các em bộc bạch.