Xã hội

Hoàng Su Phì (Hà Giang): Phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng

Việt Anh 21/02/2024 - 18:08

(TN&MT) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển các sản phẩm đặc trưng nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương về đất đai và nguồn lao động dồi dào, qua đó nâng cao đời sống, giúp cho bà con nơi đây vươn lên thoát nghèo.

Phát triển kinh tế vườn, nâng cao thu nhập

Là huyện vùng cao biên giới phía Tây của tỉnh Hà Giang, do điều kiện về địa hình nên thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, đời sống người dân nơi đây cũng vì thế cũng rất bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm từng năm nhưng vẫn chưa đạt con số như kỳ vọng. Vì vậy, để giúp người dân vươn lên thoát nghèo, lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì xác định đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển các sản phẩm đặc trưng có thế mạnh gắn với thực hiện chương trình OCOP và cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ là những “mũi nhọn” để nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Hiện, cấp ủy, chính quyền huyện đang tập trung nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất như chú trọng nâng cao giá trị kinh tế của những sản vật sẵn có tại địa phương dựa trên các cây trồng, vật nuôi thế mạnh; đồng thời tập trung xây dựng 3 chuỗi giá trị gồm: chè Shan tuyết, cây ăn quả và sản phẩm gạo chất lượng cao.

ha-giang-220231008165347.jpg
Các sản phẩm chè Hoàng Su Phì đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao cấp tỉnh và 5 sao cấp quốc gia

Trong đó, sản phẩm chè Shan tuyết đã tiệm cận đến sản xuất tập trung hàng hóa với các dòng chè thành phẩm đa dạng như: Trà xanh, Hồng trà, Trà Phổ Nhĩ ép bánh, Trà Shan tiên, Trà Móng rồng… Trong năm 2023, sản lượng chè búp tươi của huyện đạt trên 13.200 tấn, sản lượng sau chế biến là trên 2.600 tấn với giá trị sản phẩm đạt gần 345 tỷ đồng. Là cây trồng mũi nhọn, do vậy để nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu, huyện Hoàng Su Phì đã tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình OCOP. Đến nay, toàn huyện Hoàng Su Phì có 12 sản phẩm chè Shan tuyết đạt OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm chè được chứng nhận đạt OCOP 5 sao cấp Quốc gia.

Trên địa bàn huyện hiện có Công ty TNHH chè cổ thụ Việt Nam thực hiện liên kết với 226 hộ trồng chè (công ty cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho các hộ) với diện tích thực hiện 220 ha (100 ha trồng mới, 120 ha chăm sóc) tại 4 xã.

299927853_446470114194303_300974232980102274_n.jpg
Chè San tuyết là cây trồng mũi nhọn giúp bà con huyện Hoàng Su Phì vươn lên thoát nghèo

Ngoài ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn cũng tích cực liên kết, thu mua sản phẩm cho bà con; điển hình như HTX Chế biến chè Phìn Hồ liên kết với trên 500 hộ trồng chè ở các xã Thông Nguyên, Nậm Ty, Túng Sán để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.

Đáng chú ý là Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì là đơn vị duy nhất của tỉnh có sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia. Năm 2023, HTX đã chế biến trên 30 tấn chè khô các loại với thị trường xuất khẩu được duy trì ở Đài Loan và Trung Quốc. Dựa vào lợi thế của cây chè Shan, cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất, Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ chú trọng tuyên truyền, liên kết với người dân sản xuất chè theo hướng hữu cơ, an toàn. Do vậy các sản phẩm chè của HTX luôn khẳng định được uy tín, thương hiệu riêng đối với khách hàng.

nnn-20221110154553-6487-1668499943.jpg
Mô hình nuôi cá Chép ruộng, cá lồng tại Sán Sả Hồ, huyện Hoàng Su Phì

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển sản xuất tập trung hàng hoá với dòng sản phẩm chè, lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì đã hướng tới với mục tiêu khai thác, tận dụng nguồn đất đai và lao động sẵn có để cụ thể hóa chương trình cải tạo vườn tạp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, chú trọng phát triển các cây trồng, vật nuôi thế mạnh như: cây ăn quả, dê, trâu, bò, lợn đen... Theo chủ trương đó, huyện đã xây dựng các chuỗi giá trị hàng hóa như: Cây ăn quả ôn đới tại các xã: Chiến Phố, Thèn Chu Phìn, Túng Sán, Tả Sử Choóng, Nậm Dịch; chuỗi sản xuất gạo chất lượng cao tại Bản Luốc, Hồ Thầu, Sán Sả Hồ, Nam Sơn, Nậm Dịch, Pố Lồ; chuỗi nuôi cá Chép ruộng, cá lồng tại Sán Sả Hồ, Pờ Ly Ngài, Tụ Nhân và chuỗi chăn nuôi lợn đen thương phẩm.

Đặc biệt, năm 2023, toàn huyện có 103 hộ thực hiện cải tạo vườn; lũy kế đến nay có 295 hộ thực hiện với tổng diện tích trên 129.800 m2 vườn đã được cải tạo. Các chuỗi giá trị được triển khai đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn.

images1443386__tkydalay___dua_hau_ban_luoc_che_phu_nilon_dai_tam_.jpg
Mô hình trồng dưa hấu tại xã Bản Luốc

Ngoài ra, để nâng cao tiêu chí thu nhập cho nhân dân trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền huyện Hoàng Su Phì cũng chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất điển hình như: Mô hình trồng Dưa hấu, quy mô 15 ha tại xã Bản Luốc. Qua đánh giá, sản lượng bình quân hàng năm đạt 330 tấn, giá trị sản phẩm 3.300 triệu đồng.

Hay mô hình trồng rau vụ Đông tại thôn Ngài Thầu, xã Thàng Tín và thôn Bình An xã Bản Luốc với quy mô 25 ha/ 39 hộ, sản lượng trên 300 tấn, giá trị sản phẩm 1.500 triệu đồng; mô hình trồng Dâu tây tại các xã Pố Lồ, Hồ Thầu… Các mô hình này đã giúp cho người dân thay đổi nhận thức trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các giống mới vào sản xuất, đem lại giá trị cao/đơn vị diện tích canh tác.

Nâng cao giá trị kinh tế từ những sản vật của địa phương

Với các yếu tố nông hóa thổ nhưỡng phù hợp, Hoàng Su Phì có điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm từ nông nghiệp có chất lượng cao. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) có nguồn gốc từ cây chè Shan tuyết.

Hiện tại huyện Hoàng Su Phì, nhiều HTX đã xây dựng được thương hiệu riêng, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho thành viên. Đặc biệt, các HTX đóng góp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, dân sinh, giải quyết việc làm, hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người dân khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

tra-xanh-hop-va-hong-tra-hop-cua-hoang-su-phi-ha-giang-dat-tieu-chuan-5-sao-cap-quoc-gia.jpg
Phát triển các sản phẩm OCOP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm của địa phương

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Lý Chòi Nhàn cho biết, thời gian tới, huyện tập trung phát triển các sản phẩm OCOP từ sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, tiềm năng theo chuỗi giá trị. Tăng cường hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản. Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP từ khâu sản xuất đến khi đưa ra thị trường tiêu thụ nhằm giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền huyện cũng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững, để Chương trình xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực chất, hiệu quả. Trong đó, huyện Hoàng Su Phì sẽ tập trung ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo; thực hiện lồng ghép các chính sách, chương trình, dự án để thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàng Su Phì (Hà Giang): Phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO