Hoàng Mai – Hà Nội: Người dân mong mỏi chính quyền mạnh tay xử lý chợ cóc

Huy An| 29/09/2019 16:46

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn của các hộ dân Nhà B7 Khu tập thể Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội phản ánh về vấn đề nhếch nhác, mất vệ sinh môi trường của khu chợ ngõ 166 Tân Mai, cũng như một số hộ kinh xung quanh Nhà B7. Để đảm bảo cảnh quan môi trường, an ninh trật tự người dân nơi đây mong mỏi chính quyền địa phương mạnh tay xử lý chợ tạm, chợ cóc.

chợ tạm
Để đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý dứt điểm các điểm họp chợ

Bà Đào Thị Ngọc Yến – Nhà 205 B7 Tân Mai cho biết: Từ lâu tại ngõ 166 Tân Mai đã xuất hiện các sạp buôn bán, lấn chiếm tràn lan trên vỉa hè, thậm chí có sạp còn lấn gần xuống lề đường, bình thường con ngõ này lòng đường vốn nhỏ hẹp, nay nhiều người buôn bán tự do với các hàng thịt gà, lợn, cá, rau, củ, quả... tràn cả xuống đường gây ra cảnh lộn xộn, ùn tắc giao thông liên tục. Một điều gây bức xúc cho người dân sống xung quanh là mùi hôi thối của nước thải, rác thải do các sạp hàng thải ra xộc lên mũi người đi đường, khiến không ít người rùng mình khó chịu mỗi khi đi ngang qua khu vực này.

Nói riêng về khu Nhà B7 Tân Mai bà Yến cho biết, nhiều lần các hộ dân sinh sống tại tầng 2, 3 không có lối đi lên, xuống. Nguyên nhân là do các hộ dân sống tại tầng 1 Nhà B7 và Nhà B5 thường xuyên tổ chức kinh doanh, buôn bán. Đặc biệt là các chủ cơ sở kinh doanh tại đây còn ngang nhiên cho nhân viên để xe của khách hàng chiếm dụng phần lớn khoảng sân lối đi duy nhất lên khu tập thể Nhà B7.

Không chỉ ở phường Phương Mai, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đang tồn tại rất nhiều các chợ cóc. Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường tại ngõ 4; ngõ 24, phố Nghĩa Tân; các ngõ, phố xung quanh khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cho thấy, tại đây luôn tấp nập người mua bán các mặt hàng được các tiểu thương bày bán, từ những phản thịt, hoa quả, hàng rau cho đến hàng ăn sáng…

Điều đáng nói là việc họp chợ này gần như chiếm chọn 2 bên vỉa hè, khiến những người dân đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường cùng với các phương tiện tham gia giao thông. Đường bé, chợ đông nhiều thời điểm làm cho giao thông khu vực trở nên lộn xộn, mất an toàn. Tình trạng tương tự, cũng đang diễn ra trên đoạn đường cạnh khu vực chợ Ngã Tư Sở. Cụ thể, vào nửa đêm về sáng tất cả các ngày trong tuần, quãng đường này biến thành chợ với mặt hàng chủ yếu là rau quả, tôm cá… Lúc chợ mãn phiên, vảy cá, nước thải rửa vương vãi đầy đường. Cả khu vực bốc mùi xú uế nồng nặc, môi trường xung quanh trở lên nhách nhác, mất mỹ quan đô thị.

Vỉa hè các ngõ, phố xung quanh khu tập thể Nghĩa Tân, Hà Nội gần như bị chiếm dụng dụng hoàn toàn để phục vụ cho việc bày bán hàng hóa
Vỉa hè các ngõ, phố xung quanh khu tập thể Nghĩa Tân, Hà Nội gần như bị chiếm dụng hoàn toàn để phục vụ cho việc bày bán hàng hóa

Ông Tăng Xuân Sâm – 62 tuổi nhà 204 B7 Tân Mai cho biết: Các hộ dân đang sinh sống tại Nhà B7 đã nhiều lần tổ chức họp bàn và đi đến thống nhất tiến hành xây dựng cổng sắt ngay tại vị trí lối đi lên cầu thang Nhà B7 nhằm mục đích đảm bảo về môi trường, an ninh trật tự, mỹ quan đô thị cho khu phố. 

Ông Hoàng Thiện Sơn – Tổ trưởng Tổ dân phố số 46 phường Tân Mai, quận Hoàng Mai cho biết: Việc bà con nhân dân Nhà B7 Tân Mai xây dựng cổng với mục đích đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự không chỉ nhận được sự đồng thuận nhất trí cao trong từng hộ dân mà lãnh đạo khu dân cư, bí thư chi bộ, tổ trưởng, tổ phố Tổ dân phố 46 đều ủng hộ. Bởi đây là việc làm chính đáng của bà con.

Ông Đặng Ngọc Thắng – Phó Chủ tịch UBND phường Tân Mai cho biết: Để giải quyết bức xúc của người dân vụ chính quyền phường đã tăng cường chỉ đạo Công an phường, cán bộ đô thị xử lý các sạp buôn bán, lấn chiếm vỉa hè, yều cầu các cơ sở kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường. Nếu còn ngang nhiên xả rác bừa bãi sẽ xử lý nghiêm theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với nhu cầu bà con Nhà B7 xây cổng khu tập thể đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh khu phố. UBND phường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết hợp tình, hợp lý, tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, UBND phường cũng sẽ chỉ đạo các cán bộ chuyên môn phối hợp Ban công tác mặt trận khu dân cư, Tổ trưởng tổ dân phố một mặt tổ chức tuyên truyền để nhân dân hiểu biết các quy định của pháp luật, mặt khác cũng yêu cầu người dân thực hiện việc ký cảm kết, tự giác tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép... 

Các quán bán hàng thường xuyên bày bán hàng hóa, bàn ghế chiếm dụng vìa hè để kinh doanh
Các quán bán hàng thường xuyên bày bán hàng hóa, bàn ghế chiếm dụng vìa hè để kinh doanh tại nhà B7 Tân Mai​

Cung cấp thông tin về hoạt động các chợ tạm, chợ cóc trên toàn địa bàn quận Hoàng Mai bà Lê Thị Thu Hương - Trưởng Phòng Kinh tế UBND quận cho biết: Trước thông tin phản ánh của Báo Tài nguyên và Môi trường Lãnh đạo UBND quận đã giao cho Phòng Kinh tế phối hợp với Phòng Quản lý đô thị tổng hợp thông tin.

Theo bà Hương trên địa bàn quận Hoàng Mai hiện tại có 6 chợ tạm gồm : Ngõ 106 phố Nguyễn An Ninh; Ngõ 293 đường Tam Trinh; Đường Lĩnh Nam; Ngõ 66 đường Kim Giang; Tổ 18 Khuyến Lương; Thôn Bằng A. Hiện UBND các phường đang tạm duy trì tồn tại để đáp ứng một phần nhu cầu dân sinh. Khi các dự án chợ được đầu tư xây dựng theo Quyết định số 4025/QĐ-UBND ngày 30/6/2017 của UBND thành phố Hà Nội hoàn thành, các điểm chợ trên sẽ phải chấm dứt hoạt động.

Trên địa bàn quận còn tồn tại một số tụ điểm đã giải toả vẫn còn tình trạng một số người kinh doanh, xe bán hàng rong tái họp lấn chiếm hè, đường khi không có lực lượng duy trì trật tự (như tại ngõ Giáp Bát, ngõ 104 Nguyễn An Ninh,...). Việc kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường còn tồn tại trên một số tuyến phố như: Trương Định, Tân Mai, Kim Đồng,... UBND quận đã giao nhiệm vụ cho UBND các phường thường xuyên ra quân sắp xếp, chỉnh trang vỉa hè, lòng đường nên tình trạng trên đã giảm, tuy nhiên hiện tượng tái vi phạm vẫn diễn ra.

chợ tạm
Hoạt động của các điểm họp chợ làm cho môi trường xung quanh trở lên nhách nhác, mất mỹ quan đô thị  

Để xử lý vấn đề chợ tạm, chợ cóc từ đầu năm đến nay, UBND Quận đã ban hành nhiều Kế hoạch, văn bản chỉ đạo trong công tác trật tự văn minh đô thị, quản lý lòng hè đường, trong đó giao nhiệm vụ cho UBND các phường, Công an Quận, Đội Thanh tra GTVT Quận thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, các điểm chợ cóc, chợ tạm. UBND Quận cũng yêu cầu UBND các phường tiến hành giải toả các tụ điểm chợ cóc gây mất mỹ quan đô thị ngay từ khi phát sinh (như chợ cầu Lủ, chợ ngõ 51 Trần Điền và chung cư AZ Sky,...), kiên quyết xử lý hiện tượng tái phạm.

Để đảm bảo vệ sinh môi trường, không gây ảnh hưởng xấu tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân sống xung quanh. Đề nghị Ban chỉ đạo 197 quận Hoàng Mai, Ban chỉ đạo 197 phường Tân Mai; các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương liên quan cần sớm có biện pháp ngăn chặn và xử lý dứt điểm các điểm họp chợ gây mỹ quan đô thị các tuyến phố, trả lại mặt bằng đường thông, hè thoáng cho người dân trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàng Mai – Hà Nội: Người dân mong mỏi chính quyền mạnh tay xử lý chợ cóc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO