Theo phản ánh của một số hộ dân thôn Yên Tập, xã Hoằng Ngọc, xưởng nấu nhựa của gia đình anh Dương tự phát đã được hơn ba năm nay, họ nấu xốp nhựa và túi bóng. Hôm nào nấu là cả thôn phải chịu cảnh mùi hôi khét nồng nặc. Nhiều gia đình có con cháu nhỏ, sống gần cơ sở này phải lánh nạn đi nơi khác vì không thể chịu nổi mùi. Người dân cũng đã phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng rồi cơ sở cũng chỉ dừng được vài ngày rồi tình trạng trên lại tiếp tục tái diễn.
Anh Nguyễn Văn H, thôn Yên Tập bức xúc nói: Không hiểu quản lý như thế nào mà để xưởng nấu nhựa của gia đình anh Dương ngang nhiên tồn tại giữa khu dân cư như vậy. Người dân phải sống chung với ô nhiễm từ trang trại lợn rồi đến xưởng nấu nhựa. Nhiều hôm đủ thứ mùi cộng lại không tài nào chịu nổi, đóng kín cửa nhà cả ngày rồi nhưng đến bữa ăn giấc ngủ cũng không được yên. Cứ tình trạng như thế này thì ai đảm bảo cho cho môi trường sống của người dân nơi đây. Không thể vì lợi nhuận trước mắt mà coi thường sức khỏe của mình được. Nếu môi trường không được cải thiện cũng chẳng mấy năm nữa thôi lại thành làng ung thư, xã ung thư cho xem.
Được tận mắt chứng kiến tại xưởng nấu nhựa của gia đình anh Lê Xuân Dương, chúng tôi mới nhận thấy phản ánh của người dân là hoàn toàn đúng sự thật. Công nghệ nấu lạc hậu, mùi khét nồng nặc, người lao động vẫn đang hăng say làm việc mà không màng tới những hệ lụy lâu dài về sức khỏe. Chỉ một chiếc máy đơn sơ qua quá trình nóng lên đã cho ra những bánh nhựa, sau đó cắt thành hạt nhựa. Không hiểu chủ cơ sở có nhận thức được mức độ nguy hại của việc nấu nhựa mang lại. Đôi khi vì lợi nhuận mà chính chúng ta đang hủy hoại môi trường sống của mình.
Nghiêm trọng hơn, đây là đất được thuê để làm trang trại, nhưng sau đó đã bị biến thành đất sản xuất kinh doanh, mà không bị chính quyền địa phương tuýt còi. Xưởng nấu nhựa nằm sát ngay khu dân cư, phía ngoài là nhiều trang trại đang chăn nuôi ổn định, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, độc hại rất cao.
Trao đổi với PV, bà Lê Thị Hương – Cán bộ địa chính môi trường xã Hoằng Ngọc cho biết: Xã cũng biết cơ sở nấu hạt nhựa của gia đình anh Lê Xuân Dương chưa đảm bảo tiêu chí về môi trường trong quá trình hoạt động. Xã đã xuống nhắc nhở nhưng sau đó họ lại tiếp tục nấu. Cũng do chăn nuôi thua lỗ nên xã cũng tạo điều kiện cho chuyển đổi sang sản xuất hạt nhựa!
Khi được hỏi vì sao đất được thuê làm trang trại, nhưng hộ gia đình anh Lê Xuân Dương tự ý chuyển đổi, sử dụng sai mục đích đất được thuê nhưng phía chính quyền xã không kiểm tra, xử phạt. Bà Hương cho biết để tạo điều kiện cho gia đình sản xuất, kinh doanh vì chăn nuôi thua lỗ.
Ông Nguyễn Văn Tiệm – Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoằng Hóa cho biết: Cơ sở sản xuất hạt nhựa nói trên là tự phát chứ không có giấy tờ gì vì huyện cũng chưa được biết, xã cũng chưa báo cáo lên. Khu vực đó trước đây được huyện cho thuê để làm trang trại, nhưng hộ gia đình đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sản xuất hạt nhựa gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi sẽ nhanh chóng xuống lập văn bản, yêu cầu dừng hoạt động để hoàn thiện thủ tục giấy tờ và xây dựng hệ thống xử lý khí thải. Chỉ khi nào đủ tiêu chuẩn mới cho hoạt động trở lại.
Người dân nơi đây vẫn đang từng ngày sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường do xưởng nấu nhựa trên mang lại. Họ vẫn chỉ biết cầu cứu các ngành chức năng sớm có biện pháp mạnh tay để trả lại môi trường sống an toàn cho họ!