Hoàn thành nhiều công trình hướng đến Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành đo đạc và bản đồ

Ngọc Bách - Thúy Hằng| 29/11/2019 17:11

(TN&MT) - Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đang nỗ lực thi đua, sáng tạo và đồng thuận để tổ chức thực hiện và hoàn thành nhiều công trình tiêu biểu hướng đến Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam và 60 năm Ngày thành lập Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (14/12/1959 – 14/12/2019).

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cùng đoàn công tác kiểm tra Trạm định vị vệ tinh đặt trong khuôn viên Đài KTTV khu vực Đông Bắc (tỉnh Quảng Ninh)

Một trong những công trình tiêu biểu đó là hoàn thành Hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia. Hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia được xây dựng từ năm 2016 và hoàn thành trong năm 2019. Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam có mạng lưới với 65 trạm định vị vệ tinh thu liên tục tín hiệu từ các hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh (GNSS) phủ kín toàn quốc, đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia đã góp phần trong việc hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ cơ bản, cung cấp dịch vụ xác định vị trí độ chính xác cao, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học, công nghệ đối với Việt Nam và phát triển các ứng dụng khác đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; làm nền tảng để hoàn chỉnh hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia 3D theo quan điểm động; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; giám sát tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và cứu nạn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, thúc đẩy nghiên cứu khoa học về trái đất.

Công trình thứ hai được có tính quốc tế lan tỏa cao đó là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác kỹ thuật về phân giới, cắm mốc tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2006 - 2019.

Ngày 05 tháng 10 năm 2019 tại Thủ đô Hà Nội, đại diện Chính phủ hai nước đã ký 02 văn kiện pháp lý “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” và “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia”.

Từ năm 2006, Việt Nam - Campuchia đã tái khởi động công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền giữa hai nước căn cứ theo Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 2005.

Qua nhiều nỗ lực của ngành đo đạc và bản đồ và các cơ quan, tổ chức có liên qua, đến nay hai bên đã hoàn thành phân giới, cắm mốc đối với khoảng 1.045km đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, xây dựng được 315 cột mốc chính, 1.511 cột mốc phụ và 221 cọc dấu, tức là đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến.

Việc ký kết 2 hai điều ước quốc tế này đã pháp lý hóa đường biên giới được phân giới cắm mốc trên thực địa phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế giữa hai quốc gia độc lập có chủ quyền; là bước đệm quan trọng để hai nước tiến tới giải quyết 100% công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng và cùng có lợi; góp phần tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và đoàn kết truyền thống giữa hai nước; bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới. Sự kiện này có ý nghĩa trọng đại trong quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia cũng như trong công tác về biên giới lãnh thổ giữa hai nước.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thành nhiều công trình hướng đến Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành đo đạc và bản đồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO