Áp dụng công nghệ mới để hoàn nguyên
Theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, trong thời gian sáu tháng kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ liên quan đến đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường. Tuy nhiên, nhiều năm qua ở không ít địa phương, nhiều đơn vị chây ỳ, khiến môi trường không được phục hồi và gây ảnh hưởng đời sống người dân.
Quảng Ninh không chỉ là vùng than lớn nhất của Việt Nam mà còn là tỉnh còn nhiều tiềm năng du lịch cần khai thác. Do đó, việc các đơn vị khai thác than hoàn trả màu xanh cho các mỏ than không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn là việc làm mong muốn của lãnh đạo và người dân Quảng Ninh.
Hoàn nguyên môi trường sau khai thác là trách nhiệm của doanh nghiệp |
Nhiều năm trước đây, các bãi thải mỏ than lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có dạng cao, đổ thải từ trên đỉnh. Chiều cao một số bãi thải lên tới 250-300m, không được cắt phân tầng, có góc dốc sườn bãi thải từ 30-40 độ. Đất đá thải có độ liên kết yếu, cấu trúc bở rời, dễ sạt lở, thảm thực vật khó phát triển do nghèo dinh dưỡng. Đi cùng với bãi thải là hàng loạt vấn đề: Nước thải mỏ, bụi, khí nổ, tiếng ồn, cảnh quan, xử lý chất thải nguy hại...
Để khai thác tài nguyên bền vững, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) – đơn vị có hơn 30 Công ty thành viên hoạt động trên địa bàn Quảng Ninh đang nghiêm túc và nỗ lực làm tốt hơn việc hoàn trả màu xanh cho những mỏ than.
TKV đã yêu cầu các đơn vị chấm dứt đổ thải bằng công nghệ bãi thải cao, thay thế bằng công nghệ đổ thải phân tầng và tổ chức trồng cây phục hồi môi trường; thường xuyên nạo vét, cải tạo hệ thống kênh, mương thoát nước, xây dựng các đập chắn tại chân các bãi thải để ngăn ngừa nguy cơ sạt lở đất đá, phát tán bụi, bảo đảm an toàn cho dân cư.
Từ năm 2017 đến nay, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã cải tạo, phục hồi môi trường, trồng cây phủ xanh 468ha, đưa tổng số diện tích bãi thải, khai trường đã cải tạo, phục hồi môi trường lên tới 1.680ha.
Tại chân các bãi thải mỏ đã đầu tư xây dựng đê, đập chắn đất đá và hệ thống thoát nước. Đặc biệt, các khu vực bãi thải bị ảnh hưởng nặng bởi đợt mưa lũ lịch sử năm 2015 đã được đầu tư cải tạo các tầng thải, xây dựng bổ sung một số đập ngăn đất đá lớn, mương thoát nước thải và trồng 120ha cây xanh. Riêng đối với các bãi thải đang hoạt động, các đơn vị thực hiện đổ thải theo tầng thấp đúng thiết kế, quy hoạch, có đê chống trôi lấp đất đá, bảo đảm an toàn cho môi trường và khu dân cư lân cận.
Từ năm 2017-2019, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã cải tạo, phục hồi môi trường, trồng cây phủ xanh 468ha, đưa tổng số diện tích bãi thải, khai trường đã cải tạo, phục hồi môi trường lên tới 1.680ha.
Tăng cường nhiều biện pháp
Để có được những kết quả khả quan về công tác hoàn nguyên môi trường, Đảng ủy Than Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với Đảng bộ, Công đoàn TKV triển khai các nội dung liên quan đến phong trào thi đua “dân vận khéo”, tiêu biểu như mô hình “Vận động cán bộ, đảng viên, công nhân, người lao động tham gia bảo vệ môi trường, bảo đảm các mục tiêu về môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng mặt bằng công nghiệp hiện đại” của Công ty CP Than Núi Béo. Mô hình này đã nâng cao được nhận thức cho người lao động đối với công tác bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh luôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của TKV và Tổng công ty Đông Bắc rà soát các khu vực đã dừng khai thác phải triển khai mọi biện pháp, nhanh chóng hoàn nguyên môi trường theo đúng đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Các khu vực chuẩn bị kết thúc khai thác phải lên được lộ trình, kế hoạch hoàn nguyên môi trường và có sự giám sát chặt chẽ của ngành chức năng. Các khu vực tiếp tục khai thác phải cam kết thực hiện theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt.