Hoài Đức, Hà Nội: Tràn lan các công trình vi phạm hành lang thoát lũ sông Đáy

11/12/2017 00:00

(TN&MT) - Trong suốt một thời gian dài, hàng loạt công trình xây dựng không phép của nhiều doanh nghiệp đã mọc lên tại hành lang thoát lũ sông Đáy (thuộc xã Đông La, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội). Điều đáng nói ở chỗ, nhiều nhà xưởng được xây dựng chỉ cách mép nước sông Đáy khoảng 10m nhưng chính quyền xã vẫn không hề hay biết?

Vi phạm tràn lan

Những năm gần đây, vấn đề trật tự xây dựng, bảo vệ hành lang đê điều trở thành vấn đề “nóng” của huyện Hoài Đức nói chung và xã Đông La nói riêng. Ghi nhận của phóng viên thấy rằng, toàn bộ phần diện tích ngoài đê sông Đáy thuộc địa bàn xã Đông La giờ đây đã được xây dựng thành khu dân cư và các khu nhà xưởng tập trung.

Con đường nối từ đê sông Đáy ra đây thay vì đường đất thì nay đã được trải bê tông rộng tới mức 2 xe tải có thể tránh nhau. Cuối con đường là những công xưởng lớn với nhiều công nhân hoạt động nhộn nhịp từ sản xuất thực phẩm cho tới cơ khí hay thiết bị điện.

Một nhà xưởng được xây dựng ngay sát mép nước sông Đáy
Một nhà xưởng được xây dựng ngay sát mép nước sông Đáy

Đi sâu xuống khu vực sát mép nước, chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi có tới hàng chục nhà xưởng lớn nhỏ khác nhau được xây dựng kiên cố phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh. Có nhiều nhà xưởng chỉ cách mép nước sông Đáy khoảng 10m (thời điểm phóng viên có mặt là mùa hanh khô nên sông Đáy cạn trơ). Song song với đó là hệ thống đường bê tông được xây dựng khang trang. Nhiều ô tô tải và ô tô con đậu sát ven đường trông như một cụm công nghiệp nhỏ.

Xen lẫn những nhà xưởng là những ô đất đã được xây tường gạch bao quanh và phân thành lô, sẵn sàng cho người khác thuê nếu họ có nhu cầu. Cách đó không xa là lòng sông Đáy cạn trơ được điểm xuyết bởi những đống gạch, đống cát to bự mà chủ của chúng chắc cũng đang gấp rút xây dựng để kịp hoàn thiện.

Thống kê của Hạt quản lý đê điều Hoài Đức năm 2016 cho biết, trên địa bàn huyện có tới hơn 30 công trình nhà xưởng sản xuất nằm trong khu vực hành lang thoát lũ. Tất cả những trường hợp này đều không có thỏa thuận với cơ quan quản lý đê, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều. Ấy nhưng với tình hình hiện nay, có lẽ còn số này còn tăng lên nhiều?

Đáng nói hơn nữa, khu vực mà phóng viên đề cập trên đây cách trụ sở UBND xã Đông La không xa nhưng những hoạt động này vẫn ngang nhiên diễn ra trong một thời gian dài mà chính quyền địa phương không hề có biện pháp ngăn chặn.

Bao giờ mới giải quyết xong?

Nhằm thông tin khách quan tới bạn đọc, phóng viên báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Trịnh Đắc Chuyên, Phó chủ tịch UBND xã Đông La về vấn đề này. Tại buổi làm việc, ông Chuyên thừa nhận có tình trạng người dân đổ đất nâng nền và xây dựng công trình kiên cố trên đó. Ông Chuyên nói: “Xã Đông La có một vị trí địa lý rất đặc biệt khi toàn bộ diện tích đất ngoài đê sông Đáy được Nhà nước giao cho người dân theo Nghị định 64 (giao ra tận sát mép nước) để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên hiện nay có nhiều diện tích không trồng cây cối hoa màu được bởi mỗi lần mưa to nước dềnh lên gây ngập úng. Hiện có tình trạng người dân đổ đất, nâng nền trồng cây cối và xây dựng công trình để tăng gia sản xuất”.

Một ô đất đã được xây tường bao xong, gạch cát được vứt bừa bãi ngay bên cạnh đường
Một ô đất đã được xây tường bao xong, gạch cát được vứt bừa bãi ngay bên cạnh đường

Trả lời câu hỏi tại sao vấn đề này đã kéo dài nhiều năm mà chính quyền xã vẫn không thể xử lý, ông Trịnh Đắc Chuyên phân bua: “Trong năm 2017 này, UBND xã phải gồng mình lên trong công tác quản lý, xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Chúng tôi đang triển khai, rà soát, phân loại các công trình vi phạm để tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên việc cưỡng chế còn gặp nhiều khó khăn do toàn người làng người nước nên cũng có nhiều cái khó xử. Năm 2017, chúng tôi đã tổ chức 4 lần cưỡng chế và sẽ làm quyết liệt vấn đề này”.

Ấy nhưng không hiểu sao, dù đã tiến hành kiểm tra, rà soát, phân loại những công trình vi phạm nhưng ông Chuyên vẫn không thể cung cấp được có tổng số bao nhiêu công trình vi phạm trên địa bàn? Vị này chỉ nói chung chung rằng: “Hiện chúng tôi sẽ kiểm tra tất cả những công trình phát sinh vào năm 2016 để cưỡng chế ngay trong năm nay. Còn đối với công trình phát sinh trước năm 2016, chúng tôi sẽ có lộ trình cưỡng chế sau. Riêng năm 2017, không có công trình mới nào phát sinh. Chúng tôi cũng thường xuyên phát thông tin trên loa phát thanh của xã để tuyên truyền tới người dân không được đổ đất, đổ phế liệu ra khu vực đất sát mép nước”.

Cũng theo lời vị Phó chủ tịch xã này thì chậm nhất là tới đầu tháng 12/2017, UBND xã sẽ tiến hành cưỡng chế hàng loạt công trình vi phạm vốn được lên kế hoạch cưỡng chế từ trước. 

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc

Phạm Văn

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoài Đức, Hà Nội: Tràn lan các công trình vi phạm hành lang thoát lũ sông Đáy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO