(TN&MT) - Hai năm về trước, huyện Hoài Ân (Bình Định) là một trong các địa phương trong tỉnh xảy ra hiện tượng vứt xả rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thế nhưng, với sự nỗ lực của chính quyền các địa phường, ngành chức năng và sự đồng lòng của người dân trong việc bảo vệ môi trường, nạn xả rác thải tại địa phương này đã “hạ nhiệt”.
“Hạ nhiệt” ô nhiễm
Hiện nay, dọc các tuyến đường giao thông qua địa bàn huyện Hoài Ân, như: tỉnh lộ 629, 630; dọc các tuyến giao thông bê tông liên xã, liên thôn, xóm được “thay áo mới”, trở nên sạch sẽ, tươm tất hơn. Các bãi rác tự phát ven đường bốc mùi xú uế đã biến mất; thay vào đó là những luống cỏ xanh mướt, tạo không khí mát mẻ, trong lành.
Đặc biệt, những “điểm nóng” về nạn xả rác thải trước đây, như: khu vực cầu Phong Thạnh, cầu Lò Rèn (thị trấn Tăng Bạt Hổ); các khoảnh đất trống dọc tỉnh lộ 630 - từ xã Ân Tường Tây đi thị trấn Tăng Bạt Hổ; khu vực đèo Cây Cốc từ xã Ân Phong đi xã Ân Tường Đông; khu vực lòng sông Kim Sơn, Truông Gò Bông (xã Ân Tường Tây); khu vực cầu Phú Xuân, cầu Bằng Lăng (xã Ân Hữu)… được “hạ nhiệt”; cảnh quan môi trường đã sạch sẽ, thoáng đãng, đảm bảo vệ sinh.
Ông Nguyễn Văn Rô, Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Hoài Ân, cho biết: Có được kết quả này là nhờ thời gian qua, các địa phương và ngành chức năng của huyện Hoài Ân tăng cường tuyên tuyên, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; không vứt rác xuống sông, suối, các khu vực công cộng. Đồng thời, thường xuyên, liên tục ra quân thu gom, dọn dẹp rác thải; tiêu độc, khử trùng, xử lý mùi hôi tại các nơi có rác thải, xác súc vật; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xả rác thải không đúng nơi quy định.
Bên cạnh đó, tại những “điểm nóng” về ô nhiễm rác thải trước đây, Phòng TN-MT huyện và UBND các xã, thị trấn dựng nhiều pa-nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền chủ trương, chính sách bảo vệ môi trường, như: Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Từ đó, ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của đa số người dân được nâng cao.
Ông Trần Văn Bảo, trú xã Ân Tường Tây, chia sẻ: “Trước đây, đa số bà con dồn các loại rác thải vào bao rồi lén vứt xuống sông, suối, khu vực công cộng, dọc đường giao thông. Sau khi được địa phương và ngành chức năng tuyên truyền, người dân nhận thấy việc làm của mình là không đúng, khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến chính sức khỏe mọi người. Hiện nay, hầu hết người dân đã tự nguyện, tự giác trong việc phân loại rác thải; tập trung rác ở nơi quy định để đội vệ sinh môi trường của xã thu gom, đưa đi xử lý”.
Cần duy trì bền vững công tác bảo vệ môi trường
Dù huyện Hoài Ân đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua, nhưng thực tế không thể phủ nhận, ở một số nơi thuộc địa phương này, nạn xả rác thải ra môi trường vẫn còn diễn ra. Do đó, chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan của huyện cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, có kế hoạch cụ thể, đồng bộ trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường. Đồng thời, thường xuyên, liên tục ra quân dọn dẹp, thu gom, xử lý rác thải tại những địa điểm phát sinh mới; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Về việc này, ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho rằng: UBND huyện giao Phòng TN-MT huyện chủ trì, phối hợp với Hạt quản lý Giao thông - Đô thị huyện và UBND các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường; nhất là khu vực công cộng, khu tập trung dân cư. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh môi trường tại các điểm, khu vực dễ phát sinh rác thải; có biện pháp duy trì không để tái phát sinh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tuần tra thường xuyên tại các khu vực “điểm nóng” về môi trường trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm.
Còn theo ông Nguyễn Văn Rô, thì: Hiện nay, huyện Hoài Ân chưa có bãi xử lý rác thải chính thức; việc xử lý rác được tổ chức tại bãi rác tạm ở khu vực Truông Gò Bông (xã Ân Tường Tây). Ngoài ra, UBND các xã Ân Tường Tây, Ân Nghĩa, Ân Tín cũng đã xây dựng bãi xử lý rác tại địa phương; mỗi tuần ra quân thu gom, xử lý 2 lần. Trước mắt, việc thu gom, xử lý rác trên địa bàn huyện đã và đang tạm ổn, không xảy ra tình trạng ứ đọng rác. Tuy nhiên, về lâu về dài, UBND huyện cần sớm xây dựng bãi xử lý rác tập trung đúng chuẩn và đảm bảo quy trình kỹ thuật về xử lý rác, bảo vệ môi trường.
“Chủ trương xây dựng bãi xử lý rác tập trung đã được huyện và các ngành chức năng của tỉnh thông qua; địa điểm được chọn tại khu vực Hóc Táo Cùng (thôn Diêu Tường, xã Ân Tường Đông). Tuy nhiên, một số người dân địa phương chưa thấu hiểu chủ trương nên có hành vi cản trở, gây khó khăn trong quá trình xây dựng bãi xử lý rác. Để công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn huyện được bền vững, người dân thôn Diêu Tường nói riêng, xã Ân Tường Đông nói chung cần phối hợp, đồng lòng với huyện trong việc xây dựng bãi xử lý rác tập trung. Bởi địa điểm xây dựng đã được các cấp, các ngành có thẩm quyền xem xét, đánh giá nên quá trình hoạt động sẽ không tác động xấu đến môi trường xung quanh”, ông Rô cho biết thêm.