Hoài Ân (Bình Định): Nộp tiền làm nghĩa địa mới được chôn cất người chết(?)

21/12/2018 10:27

(TN&MT) - Hàng chục năm nay, thôn Vĩnh Hòa, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân (Bình Định) không có khu nghĩa địa chôn cất tập trung; khiến người dân địa phương gặp nhiều khó khăn khi trong nhà có người qua đời. Để xây dựng nghĩa địa, Ban nhân dân (BND) thôn Vĩnh Hòa yêu cầu mỗi hộ dân nộp 500.000 đồng phục vụ việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nhiều người dân phản đối vì cho rằng hỗ trợ không đúng đối tượng; đã hỗ trợ nhưng không thu hồi toàn bộ đất là bất hợp lý.

Bí nơi chôn cất

Theo trình bày của người dân thôn Vĩnh Hòa, hơn 40 năm nay, địa phương chưa được quy hoạch, xây dựng khu nghĩa địa chôn cất tập trung. Thực trạng này khiến hàng trăm gia đình mỗi khi có người thân qua đời phải chạy đôn, chạy đáo tìm chỗ chôn. Những hộ có rẫy trồng điều, trồng keo còn “dễ thở” vì đã có “quỹ đất” này làm nơi chôn cất người thân.

Riêng những gia đình không có rẫy, mỗi khi người thân qua đời phải “lạy lục” nhiều nơi để xin đất; thậm chí, bỏ tiền mua đất mới có chỗ mai táng. Nhiều trường hợp không xin được đất và không có tiền mua thì đành chôn ngay trong vườn nhà.

Hình ảnh những ngôi mộ nằm rải rác ở khắp các rẫy keo hoặc đồng ruộng tại thôn Vĩnh Hòa trở nên phổ biến. Nhiều ngôi mộ tồn tại ngay cạnh nhà ở hoặc chuồng chăn nuôi gia súc của không ít gia đình. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến mĩ quan mà còn khiến môi trường đất, nước ngầm bị ô nhiễm.

Nộp tiền làm nghĩa địa
Khu vực Gò Củ được quy hoạch xây dựng nghĩa địa thôn Vĩnh Hòa từ năm 2005, nhưng đến nay chưa thể thực hiện.

Bà Cao Thị Huyến, 66 tuổi, trú đội 1, thôn Vĩnh Hòa, than thở: “Toàn thôn gần 400 hộ gia đình, khoảng 2.000 nhân khẩu nhưng không có nghĩa địa chôn cất tập trung. Những người lớn tuổi như tôi, dù đau ốm hay khỏe mạnh đều nơm nớp lo lắng liệu sau khi chết có được chỗ “nằm” tử tế hay không”.

Vướng giải phóng mặt bằng

Khoảng năm 2004 - 2005, UBND xã Ân Đức quy hoạch khu đất rộng 3ha tại Gò Củ (thuộc đội 1, thôn Vĩnh Hòa) xây dựng nghĩa địa mai táng tập trung. Tuy nhiên, gia đình ông Lê Văn Binh (trú xã Ân Đức) cương quyết không giao mặt bằng nên không thể triển khai xây dựng. Từ đó đến nay, hàng trăm hộ dân ở thôn Vĩnh Hòa luôn mong mỏi một khu nghĩa địa tập trung để khi người thân qua đời có chỗ chôn cất tử tế.

Qua tìm hiểu được biết: Khu vực Gò Củ là đất lâm nghiệp do UBND xã Ân Đức quản lý; nhưng nhiều năm qua, gia đình ông Binh sử dụng để canh tác. Trong tổng số 3ha đất quy hoạch nghĩa địa, gia đình ông Binh đã trồng điều và keo trên diện tích 2,1ha. Ông Binh yêu cầu UBND xã Ân Đức hỗ trợ tiền khai hoang, vỡ hóa thì mới giao mặt bằng để xây dựng nghĩa địa.

nộp tiền làm nghĩa địa 2
Phiếu thu “tiền nghĩa địa” do BND thôn Vĩnh Hòa lập.

Tại cuộc họp ngày 5.11.2018, UBND xã Ân Đức đồng ý hỗ trợ tiền cho gia đình ông Binh. Xã giao cấp ủy và Ban nhân dân (BND) thôn Vĩnh Hòa họp dân, thống nhất mức đóng góp từ mỗi gia đình. Trên cơ sở này, BND thôn Vĩnh Hòa yêu cầu mỗi hộ nộp 500.000 đồng để chi trả tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB).

Dân chưa đồng tình

Ngày 29/11 vừa qua, BND thôn Vĩnh Hòa chi trả cho gia đình ông Binh số tiền hỗ trợ là 70 triệu đồng để lấy mặt bằng xây dựng nghĩa địa. Dù đã nhận đủ tiền nhưng ông Binh không trả toàn bộ 2,1ha đất mà chỉ giao trước 500m2; diện tích còn lại tiếp tục canh tác, khi nào nghĩa địa hết đất sẽ giao tiếp. Đáng nói, BND thôn Vĩnh Hòa và UBND xã Ân Đức đều thống nhất.

Trước cách làm này, nhiều người dân thôn Vĩnh Hòa bức xúc, không đồng tình. Bà Nguyễn Thị Lòng, 62 tuổi, cho biết: “Ban thôn thông báo người dân nộp tiền; gia đình nào không nộp, khi người thân chết không được chôn ở nghĩa địa. Bất đắc dĩ nên chúng tui nộp chứ không đồng tình, bởi chính một số hộ dân ở đội 1 khai hoang, vỡ hóa đất tại Gò Củ; ông Binh sau này mới canh tác tại đó”.

Còn theo ông Đinh Thanh Lâm, nguyên Trưởng thôn Vĩnh Hòa - đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ thôn Vĩnh Hòa, thì: “3ha đất quy hoạch nghĩa địa tại Gò Củ do UBND xã Ân Đức quản lý; ông Binh sử dụng để canh tác, sản xuất. Theo quy định, khi Nhà nước thu hồi đất chỉ hỗ trợ hoa màu, cây lâu năm; hiện gia đình ông Binh đã thu hoạch toàn bộ keo trồng trên đất. Vậy căn cứ vào đâu xã, thôn hỗ trợ cho ông Binh 70 triệu đồng tiền GPMB? Ông Binh đã nhận đủ tiền nhưng tại sao xã, thôn không thu hồi toàn bộ diện tích; tiếp tục để ông canh tác trên khu đất rộng hàng ngàn mét vuông?”.

Ông Lê Ngọc Thanh, Trưởng thôn Vĩnh Hòa, lý giải: “Theo chỉ đạo của UBND xã, BND thôn họp dân, vận động mỗi gia đình nộp 500.000 đồng để chi trả khoản hỗ trợ GPMB; nếu tiền còn dư sẽ xây dựng đường vào nghĩa địa. Xã, thôn thống nhất thu hồi đất theo hình thức cuốn chiếu; trước mắt lấy một ít làm nghĩa địa, hết đất tới đâu tiếp tục lấy tới đó. Diện tích còn lại để gia đình ông Binh canh tác; vừa khỏi lãng phí đất, vừa thuận tiện trong việc quản lý, bảo vệ nghĩa địa(?!)”.

Trong khi đó, ông Trần Văn Tảo, Chủ tịch UBND xã Ân Đức, cho rằng: “UBND xã không có kinh phí nên chỉ làm công tác quy hoạch nghĩa địa, tiền GPMB giao cho cấp ủy và BND thôn Vĩnh Hòa thực hiện. Cuộc họp ngày 5.11, xã chỉ làm “trọng tài”; khoản tiền hỗ trợ do BND thôn Vĩnh Hòa và hộ dân đang canh tác trên đất tại Gò Củ tự thỏa thuận. Khoản tiền này nhằm hỗ trợ công khai hoang, vỡ hóa cho hộ dân. Việc một số người dân ở đội 1 cho rằng họ mới là người khai hoang thì phải có thời gian để xem xét lại”.

Có thể thấy, khúc mắc của người dân thôn Vĩnh hòa là có cơ sở. UBND xã Ân Đức và các ngành chức năng huyện Hoài Ân cần xem xét, giải quyết dứt điểm; đồng thời, sớm xây dựng khu nghĩa địa tập trung, đáp ứng mong mỏi bấy lâu của hàng trăm hộ dân nơi đây.

“Phòng TN-MT chưa nắm được việc người dân thôn Vĩnh Hòa nộp 500.000 đồng/hộ để chi trả khoản hỗ trợ GPMB khi xây dựng nghĩa địa. Địa phương có thể vận dụng hình thức xã hội hóa trong việc này, nhưng phải báo cáo, xin chủ trương của cấp có thẩm quyền. Phòng ghi nhận thông tin báo Bình Định cung cấp, tới đây sẽ làm việc với UBND xã Ân Đức để tìm hiểu cụ thể”, ông Nguyễn Văn Rô, Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Hoài Ân.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoài Ân (Bình Định): Nộp tiền làm nghĩa địa mới được chôn cất người chết(?)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO