Hòa Vang (Đà Nẵng) trong tiến trình trở thành Thị xã
Ngày 31/5, tại Huyện ủy Hòa Vang (TP. Đà Nẵng), Ban Đô thị - HĐND TP. Đà Nẵng, UBND huyện Hòa Vang và Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TP. Đà Nẵng cùng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: “Đô thị mới Hòa Vang - Tầm nhìn và thách thức” với mục tiêu phấn đấu xây dựng Hòa Vang trở thành Thị xã vào năm 2025.
Hội thảo tập trung thảo luận theo 3 chuyên đề chính: "Những mô hình phát triển đô thị mới Hòa Vang" với sự điều phối của KTS. Trần Ngọc Chính- Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; "Phát triển đô thị Hòa Vang thích ứng với biến đổi khí hậu" với sự điều phối của TS. Đặng Việt Dũng- Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam; "Kết hợp khai thác du lịch sinh thái trong đô thị Hòa Vang" với sự điều phối của TS. KTS Phan Đăng Sơn- Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Tại Hội thảo, Ban Tổ chức (BTC) đã tiếp nhận 30 bài tham luận của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý dưới nhiều góc nhìn khoa học khác nhau, nhưng cũng đều có điểm chung là đóng góp ý kiến để Hòa Vang sớm hình thành đô thị. Nội dung của các bài tham luận đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, hàm lượng khoa học chuyên sâu về đô thị, phát triển kinh tế, xã hội và tính bền vững cho Hòa Vang. Nhiều đề xuất mô hình đô thị, giải pháp hạ tầng kỹ thuật, cơ chế chính sách cho đô thị Hòa Vang. Đồng thời cũng quan tâm nhiều đến vai trò, tính chất và sự kết nối giữa đô thị Hòa Vang với khu vực Trung tâm thành phố.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Phan Văn Tôn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: “Cùng với quá trình đô thị hóa và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hơn 20 năm qua Thành phố, huyện, huy động mọi nguồn lực đã quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng khu dân cư, hạ tầng thương mại du lịch, dịch vụ, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp... tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, diện mạo Hòa Vang thay đổi toàn diện, chuyển mình từ nông thôn sang đô thị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển cũng tác động tiêu cực cần phân tích, đánh giá một cách khoa học như: Các đồ án quy hoạch chưa đồng bộ, đầy đủ và nằm phân tán. Quy hoạch khu dân cư nhưng không có quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải; việc xác đỉnh cao độ nền và thoát nước mặt; ngập cục bộ. Đặc biệt với mục tiêu xây dựng đô thị loại 4 đưa Hòa Vang trở thành thị xã cùng với mục tiêu phát triển đô thị sinh thái có bản sắc riêng gắn với phát huy tiềm năng lợi thế của Hòa Vang nhưng không phá vỡ không gian, cảnh quan điều kiện tự nhiên và vẫn bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử là những vấn đề huyện Hòa Vang rất quan tâm tại Hội thảo”.
Kết luận tại Hội thảo, BTC cũng khuyến nghị đối với thành phố: Lãnh đạo thành phố cần chỉ đạo tổng rà soát các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất; nghiên cứu các tiêu chí nâng cao về đô thị, để làm cơ sở cho việc xây dựng và phát triển Hòa Vang đúng định hướng, đúng quy hoạch và quy định pháp luật; Mô hình phát triển các khu đô thị mới tại Hòa Vang cần hướng đến mô hình đô thị sinh thái, đô thị xanh, các tiêu chí về đô thị cần vượt trội, nhất là các tiêu chí về môi trường về cây xanh, tiện nghi đô thị và hạ tầng xã hội.
Song song đó, để Hòa Vang sớm hình thành đô thị, không chỉ riêng chính quyền và nhân dân Hòa Vang vào cuộc, mà phải huy động toàn hệ thống chính trị của thành phố vào cuộc, theo đó: Các Sở, ban, nghành thành phố cần tích cực hỗ trợ về thủ tục, chuẩn bị kỹ thuật, bố trí nguồn lực, chuyên môn,... để tập trung thực hiện, trong đó cần sớm lập quy hoạch chuyên ngành về hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các cơ chế chính sách ưu tiên vượt trội, các chính sách thu hút đầu tư và môi trường phát triển đô thị thuận lợi cho Hòa Vang nhằm sớm đạt các tiêu chí cơ bản.
Lộ trình để nâng cấp Hòa Vang lên đô thị, chính quyền và nhân dân Hòa Vang cần khẩn trương một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Công tác chuẩn bị các điều kiện, rà soát các quy hoạch cấp trên và xây dựng các tiêu chí để phát triển đô thị cần tranh thủ nhiều sự ủng hộ của các nguồn lực xã hội, đặc biệt là tham vấn chuyên gia. Việc xây dựng các tiêu chí phát triển đô thị theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 và Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần linh hoạt và nên có cơ chế đặc thù.
Ngay từ bây giờ, chính quyền huyện Hòa Vang cần có quy chế, cơ chế quản lý chặt chẽ về đất đai, xây dựng; Hạn chế thấp nhất việc chia nhỏ các lô đất, thửa đất theo mô hình “nhà ống” với hệ thống hạ tầng thấp kém; Khu vực Lõi trung tâm Hòa Vang cần chấm dứt ngay việc đầu tư, phát triển các dự án chia lô đất nền, nhà liền kề, mà phải hướng đến mô hình đô thị nén, phương thức ở cao tầng; Khu vực nông thôn, khu vực còn lại của Hòa Vang cần kiểm soát phát triển, giữ gìn hình thái không gian truyền thống, xác định khu vực sản xuất phù hợp và quản lý tốt các khu chức năng du lịch, các làng nghề trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Hòa Vang cần tiếp tục nghiên cứu, phát huy những cách làm hay, sáng tạo trong công tác đền bù giải tỏa đã được áp dụng trước đây như: Chủ trương “Bốn tại chỗ”; “Nhà nước và nhân dân cùng làm”…; Công tác tái định cư cần phải chủ động, làm tiền đề, cơ sở để đẩy nhanh tiến độ các dự án.