Liên tục trong 2 ngày 4 và 5/4, tại bộ phận một cửa thuộc UBND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, hàng trăm người đến để nộp hồ sơ làm các thủ tục liên quan về đất đai như chuyển nhượng, cấp đổi và xóa thuế chấp.
Chị Nguyễn Thị Diễm Hương (trú phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết, cho biết khoảng 6 giờ sáng nay chị đến sớm để bốc số thứ tự. Nhưng đến gần trưa cùng ngày thì số thứ tự của chị còn rất xa so với số hiện tại đang được giải quyết hồ sơ. Trước đó, ngày 4/4, chị Hương đã đến đến nộp 2 hồ sơ đất ở bộ phận một cửa thuộc UBND huyện Hoà Vang nhưng số thứ tự bấm ra đã là số 1163 và 1120. Đến gần trưa, chị mới nộp được hồ sơ. Tuy nhiên, nhân viên 1 cửa kiểm tra và nhận thấy chị viết nhầm một mục nên yêu cầu chị ra ngoài bổ sung, sau vào bấm số lại và cuối cùng phải ra về.
“Để làm hồ sơ chuyển nhượng đất đai mà đi từ ngày thứ 6 tuần trước đến ngày thứ ba vẫn chưa hoàn tất. 2 ngày này, lượng người khá đông, mình rất thông cảm. Nhưng nếu sự việc này kéo dài thì khá bất lợi cho người dân”, chị Hương cho biết.
Theo ông Trần Văn Liên, Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Hòa Vang cho biết, số lượng người tập trung đông tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện xảy ra cục bộ vào đầu tuần chủ yếu lĩnh vực đất đai. Ngày 4/4, qua tổng hợp, tổng lượng giao dịch hồ sơ đất đai mà nhân viên tiếp nhận là khoảng 201 bộ, trong đó có 3 mảng chính là mảng chuyển nhượng, cấp đổi và xóa thế chấp. Bên cạnh đó, trong ngày, nhân viên tiếp nhận thông báo thuế liên quan đến lĩnh vực đất đai gần 100 hồ sơ.
Ông Trần Văn Liên, Phó Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện Hòa Vang cho rằng, chưa thể nhận định việc ùn ứ ở bộ phận một cửa gần đây là có liên quan sốt đất nhưng theo tổng hợp thì hồ sơ nhận vào giải quyết thủ tục chủ yếu là chuyển nhượng đất ở trên địa bàn. Hiện lượng giao dịch đông tại huyện chủ yếu là chuyển nhượng đất ở. Trước đây, những ngày bình thường thì nhu cầu xử lý thủ tục đất đai khoảng 40 hồ sơ. Tuy nhiên, qua ngày thứ 7, Chủ nhật lượng hồ sơ đất đai cần giải quyết đã tăng “đột biến” gấp 1,5 lần.
Ông Liên cũng cho rằng ngoài tăng nhu cầu chuyển nhượng đất đai thì cũng một phần do người dân chưa nghiên cứu thủ tục trước khi bấm số dẫn đến việc ùn ứ. Bên cạnh đó, ông Liên thừa nhận năng lực giải quyết tại các quầy chưa kịp thời so với nhu cầu của người dân.
“Bắt đầu từ sáng mai (6/4), sẽ đặt bàn hướng dẫn để cán bộ chuyên môn của phòng TN&MT hướng dẫn người dân viết đầy đủ hồ sơ trước khi vào bấm số. Tại quầy bấm số, sẽ có lực lượng đoàn viên thanh niên được tăng cường để hướng dẫn người dân thực hiện và ngồi đúng vị trí để giảm tải thời gian chờ đợi của người dân, tránh tình trạng ùn tắc cục bộ.”- ông Liên cho biết.
Ông Nguyễn Hồng Song, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP Đà Nẵng cho biết, số lượng hồ sơ tại huyện tăng khoảng 20% so với thời điểm trước đây. Tình trạng ùn ứ, chen lấn ở bộ phận một cửa do cách thức vẫn chưa được khoa học nên có hiện tượng người dân tập trung đông tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Hòa Vang vào đầu mỗi buổi sáng như ngày 4/4.
Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố đã kiểm tra thực tế và đề nghị UBND huyện Hòa Vang có các biện pháp phân luồng người thực hiện thủ tục về đất đai và sẵn sàng bố trí thêm tổ tiếp nhận hồ sơ đăng ký làm thủ tục về đất đai. Trong đó, nhiều người đến nhận kết quả, nhận thông báo nộp thuế có thể không cần phải chen lấn vào bấm số thứ tự để làm thủ tục về đất đai mà chỉ cần vào hỏi, nếu đã có kết quả và có thông báo nộp thuế thì ký nhận rồi ra về để tránh tập trung đông người.
Về đất nông nghiệp, huyện Hòa Vang có chủ trương không cấp, giao đất mới. Hiện nay có thông tin về việc TP Đà Nẵng cấp phép làm nông nghiệp kết hợp du lịch dẫn đến việc nhà đầu tư lầm tưởng, đổ tiền đến Hòa Vang mua đất nông nghiệp dẫn đến mất tư liệu sản xuất của người dân. Theo ông Liên, chủ trương làm nông nghiệp kết hợp du lịch đang được huyện nghiên cứu ban hành tiêu chí, chưa thực hiện nhận hồ sơ.
Việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở trên địa bàn huyện Hòa Vang đã được chính quyền thông tin rộng rãi. Điều kiện chuyển đổi phải phù hợp quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Trong đó, việc chuyển mục đích phải xem xét nhu cầu thực sự của người dân. Với đất nông nghiệp nếu có quy hoạch thì sẽ không được giải quyết tái định cư mà chỉ hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề.
"Hiện đất nông nghiệp xen lẫn khu dân cư thì TP Đà Nẵng đã dừng chuyển đổi, không cho phép chuyển. Còn đất trồng lúa thì không dễ chuyển, chuyển mục đích chủ yếu là đất vườn thừa và xem xét thực tế, chủ yếu tách để cho con cái trong gia đình. Lãnh đạo huyện Hòa Vang đang xem xét thông tin việc nhà đầu tư mua đất nông nghiệp để đầu cơ nhằm ổn định an ninh trật tự trên địa bàn", ông Liên nói.