Môi trường

Hòa tiếng nói
chung nhịp đập xanh

Việt Hùng - Phạm Hoài (thực hiện) 22/09/2023 23:57

(TN&MT) - Chuyển đổi xanh, phát triển xanh là xu thế, là tất yếu. Với chức năng định hướng, điều chỉnh dư luận, báo chí - truyền thông đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành động của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và xã hội về chuyển đổi xanh, phát triển xanh.

ngay-trai-dat-nam-2022-la-ngay-nao-lich-su-va-y-nghia-202204211409228772.jpg

Ngay trước thềm chuỗi sự kiện của Lễ ra mắt Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net Zero Carbon, nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường xin lược ghi và giới thiệu đến bạn đọc những suy nghĩ của các nhà quản lý, nhà báo và doanh nghiệp cùng có chung nhịp đập xanh:

Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Việc thành lập Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh là tin vui cho người làm báo

nha-bao-tran-trong-dung.jpg
Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo
Việt Nam

Có thể nói, việc thành lập Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh là tin vui cho người làm báo, bởi vì mục tiêu phát triển kinh tế xanh đã được đưa vào rất nhiều các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Gần đây nhất, những cam kết của Chính phủ tại COP26 và tiến trình giảm khí thải CO2 rất rõ ràng đặt ra các vấn đề cụ thể cho các ngành, các cấp phải triển khai các giải pháp mà Chính phủ đề ra, cũng như cam kết với tổ chức quốc tế thì vấn đề giải pháp về truyền thông được coi là giải pháp hàng đầu.
Bởi lý do rất quan trọng là truyền thông đi trước một bước để truyền tải ý thức về phát triển xanh cho các doanh nghiệp, thậm chí cả người dân để phát triển kinh tế bền vững.

Vì vậy, thành lập Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh góp phần thực hiện giải pháp truyền thông, trong đó, hình thành tổ chức những người làm báo với những tuyến bài, những định hướng lớn; Tập huấn, đào tạo đội ngũ phóng viên viết về phát triển xanh, bao quát được tình hình về phát triển kinh tế xanh của các ngành để phục vu nhu cầu của Chính phủ trong phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, thông qua Câu lạc bộ, chúng ta có thể bồi dưỡng nghiệp vụ kiến thức để viết về phát triển xanh.

Để Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả và thu hút được nhiều hội viên, Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam sẽ giao Trung tâm Văn hóa báo chí đồng hành để phát triển hội viên Câu lạc bộ theo đúng định hướng của Hội Nhà báo Việt Nam. Trước hết là phát triển tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ - nơi phát triển công nghiệp lớn nhất cả nước và tồn tại rất nhiều vấn đề được đặt ra đối với phát triển xanh.

Trên cơ sở đội ngũ phóng viên đã được đào tạo về phát triển xanh, Hội sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu về phát triển xanh với các chủ đề như: Tín dụng xanh, Du lịch xanh, Nông nghiệp xanh… Các khóa tập huấn sẽ giúp các phóng viên, nhà báo và hội viên Câu lạc bộ nắm bắt, hiểu rõ hơn về kinh tế xanh và qua đó có cái nhìn bao quát, chuyên sâu hơn về kinh tế phát triển xanh...

Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông

Góc nhìn xanh của các nhà báo giúp
Đắk Nông định hướng phát triển bền vững

ong-le-trong-yen.jpg
Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông

Cũng như nhiều địa phương khác, Đắk Nông xác định phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường và đang hướng mọi hoạt động phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững. Với diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn và phong phú, đa dạng về sinh học, cảnh quan, địa hình, sông suối, thác nước, giao thông... đặc biệt có Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, hồ Tà Đùng, thác Đray Sáp... rất có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, farmstay…

Đắk Nông đã và đang tập trung bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có, phát huy hiệu quả chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học; giải quyết tình trạng lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Tập trung phát triển kinh tế rừng thông qua trồng rừng kinh tế, trồng cây đa mục đích, dược liệu dưới tán rừng, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Để Đắk Nông phát huy được tiềm năng lợi thế từ tự nhiên, ngoài những cố gắng, nỗ lực của địa phương thì vai trò của những người làm báo, làm truyền thông là rất quan trọng. Trong những năm qua, đội ngũ phóng viên, nhà báo thường trú trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đóng góp rất nhiều tin, bài, phóng sự truyền hình về những góc nhìn khác nhau đối với quá trình phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Góc nhìn xanh của các nhà báo giúp Đắk Nông rất nhiều trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Báo chí đã luôn đồng hành với tỉnh để tuyên truyền, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhận thức được vấn đề phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường. Từ đó, góp phần giúp đại bộ phận nhân dân trong tỉnh ý thức được việc bảo vệ môi trường, xem trọng giá trị tự nhiên giúp công tác quản lý và định hướng của chính quyền các cấp hiệu quả hơn.

Có thể nói, vai trò của truyền thông và đội ngũ phóng viên, nhà báo đã góp phần rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của quốc gia. Riêng đối với vấn đề phát triển kinh tế xanh và sản xuất xanh là câu chuyện rất chuyên sâu và khi thực hiện các tin, bài, đòi hỏi đội ngũ phóng viên cần nắm chắc và am hiểu về nội hàm cũng như cần có nghiên cứu kỹ lưỡng.

Do đó, việc Hội Nhà báo tỉnh thường xuyên tổ chức những lớp học ngắn hạn hoặc các lớp tập huấn chia sẻ kinh nghiệm với các sở, ngành liên quan để trau dồi kinh nghiệm, kiến thức thực tế sẽ giúp cho các phóng viên, nhà báo của địa phương cũng như Trung ương phát huy tốt nhất những giá trị và khai thác được những tiềm năng phát triển kinh tế xanh của tỉnh ngày một lớn hơn trong mắt bạn bè quốc tế.

Ông Mai Ngọc Phước - Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM

Lan tỏa mạnh mẽ các mục tiêu và
thông điệp xanh

nha-bao-mai-ngoc-phuoc(1).jpg
Ông Mai Ngọc Phước - Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM

Tôi đánh giá cao ý tưởng, tôn chỉ, mục đích hoạt động của Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh. Với các hoạt động như: hội thảo, tọa đàm, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ… Câu lạc bộ sẽ giúp đội ngũ phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo các cơ quan báo chí nâng cao nhận thức, kiến thức giúp cho việc thông tin, tuyên truyền về chủ đề biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững… lan tỏa mạnh mẽ các mục tiêu và thông điệp, sự quyết tâm cũng như những hành động cụ thể góp phần thúc đẩy thực hiện và hoàn thành các cam kết của Việt Nam tại COP26.

Các cơ quan báo chí có thể dành thời lượng và hình thức phù hợp để tuyên truyền về chủ đề liên quan đến phát triển xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; tạo điều kiện để phóng viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, ngoại ngữ để trở thành những cây bút giỏi nghiệp vụ, chắc chuyên môn, có thể xây dựng và triển khai các đề tài, tuyến bài tuyên truyền về chủ đề kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới, khó, nhiều kiến thức mới đòi hỏi phóng viên, biên tập viên phải tự học hỏi, trau dồi để nâng cao kiến thức và cần phải được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành.

Tôi tin, ngay khi đi vào hoạt động, Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh sẽ là đầu mối để tổ chức các khóa tập huấn, mời các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế đến để giao lưu, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đồng thời tổ chức các chuyến đi thực tế tham quan, học hỏi mô hình tốt, hay từ những đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để các thành viên của Câu lạc bộ nâng cao kiến thức chuyên môn nhằm phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền.

Báo Pháp luật TP.HCM sẽ luôn quan tâm, tạo điều kiện cho phóng viên, biên tập viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ do Câu lạc bộ tổ chức, đồng thời, tăng cường thời lượng để tuyên truyền về chủ đề chống biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường… nhằm góp phần thay đổi và nâng cao nhận thức của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp, đóng góp một phần nhỏ vào mục tiêu Zero Carbon vào năm 2050 mà chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26.

Ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ TP.HCM

Nhà báo không chỉ nói trên mặt báo
mà cần phải hành động

nha-bao-le-xuan-trung.jpg
Ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ TP.HCM

Tôi nghĩ rằng phát triển xanh là một xu thế tất yếu và hiện nay các nước trên thế giới đều ủng hộ xu thế đó. Chúng ta là một nước đang phát triển nhưng đã kịp thời bước vào xu thế đó khi Thủ tướng Chính phủ cam kết tại COP26: Việt Nam sẽ đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Như vậy, cột mốc đó buộc chúng ta phải thực hiện chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Chiến lược đó có thành công hay không có sự góp sức các thành viên trong cả nước.

Nhà báo có vai trò trong việc phân tích, thậm chí đưa ra những giải pháp tích cực để cùng cộng đồng thực hiện chủ trương và cam kết phát triển xanh với Chính phủ.

Chúng ta không chỉ nói trên mặt báo mà chúng ta cần phải hành động. Một trong những hành động thiết thực là tập hợp các nhà báo lại với nhau để thực hiện sứ mệnh lớn hơn sứ mệnh của từng nhà báo, từng tờ báo, phải tập hợp giới báo chí của cả nước. Để thấy rằng trong sự khác biệt của từng tờ báo thì vẫn có những điều mà các nhà báo cũng có thể chung tay, góp sức để thực hiện những chủ trương, chính sách lớn của cả đất nước.

Nếu như Câu lạc bộ có thể gợi ý đề tài báo chí và có thể tập huấn kỹ năng làm báo, đặc biệt những nhà báo lâu nay viết về môi trường, về phát triển xanh, phát triển bền vững thì tôi tin, chúng ta sẽ thu nhận được sự tham gia tích cực của các nhà báo. Phải làm sao cho các nhà báo thấy được họ là thành viên tích cực của Câu lạc bộ thì họ mới hào hứng tham gia.

Điểm nhấn ở đây, tôi nghĩ đó là việc Câu lạc bộ sẽ có kế hoạch tổ chức những cuộc sinh hoạt dã ngoại để trải nghiệm thực tế, chứng kiến sự phát triển của những vùng miền, sự tâm huyết của các doanh nghiệp, địa phương về các dự án xanh, các công trình xanh, thậm chí là cải tạo những vùng đất hoang hóa, đầm lầy... thành những cánh rừng xanh tươi thu hút chim muông, thú rừng và trở thành nơi khách du lịch có thể trải nghiệm. Qua những chuyến đi đó, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ sẽ truyền tải được những nội dung thiết thực và đầy cảm hứng, tôi nghĩ, chúng ta có thể thành công.

Bà Trần Như Hoa - Trưởng VP đại diện phía Nam Báo Công thương

Cần có những chiến lược đào tạo, truyền thông dài hạn

sss.jpg
Bà Trần Như Hoa - Trưởng VP đại diện phía Nam
Báo Công thương

Tôi cho rằng, trong tương lai, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh là chìa khóa mở ra thế giới. Với góc độ là một nhà báo làm trong lĩnh vực kinh tế và có nhiều năm đồng hành với doanh nghiệp, những năm qua, Báo Công thương đã tổ chức rất nhiều sự kiện, hội thảo về kinh tế xanh.

Theo tôi, nhà báo cần có những chiến lược truyền thông dài hạn để góp phần thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển xanh, chứ không phải chỉ là những bài, tuyến bài đơn lẻ. Báo Công thương có những chuyên trang riêng về phát triển bền vững trên báo điện tử. Đó cũng là những đề tài phóng viên luôn luôn phải thúc đẩy làm việc với doanh nghiệp. Bên cạnh hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp còn phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, hướng đến kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, với lực lượng phóng viên trẻ, kiến thức chung về kinh tế, những quy định của luật trong nước và quốc tế để tuyên truyền về môi trường và phát triển xanh và các quy định của quốc tế trong các cam kết về FDI... vẫn còn nhiều hạn chế. Tôi cho rằng, ngay cả các doanh nghiệp cũng chưa nắm rõ, vì vậy, có lẽ yêu cầu phóng viên cũng nắm rõ là điều rất khó. Cũng tương tự như các phóng viên viết về mảng tài chính, tiền tệ, không phải phóng viên nào cũng có am hiểu sâu về những lĩnh vực này.

Một trong những thách thức cho các phóng viên hiện nay là phải tự trang bị kiến thức rất sâu hoặc các cơ quan báo chí phải có chiến lược tự tái đào tạo, hoặc mở các lớp đào tạo nâng cao trình độ cho phóng viên của mình. Có như thế, đội ngũ báo chí có kiến thức vững mới thúc đẩy phát triển kinh tế xanh cho doanh nghiệp để đồng hành cùng doanh nghiệp hướng tới mục tiêu chung của kinh tế Việt Nam và hội nhập với thế giới. Theo tôi, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục là một trong những bộ, ngành tiên phong trong việc tham mưu với Chính phủ hoạch định các chính sách thực hiện các cam kết phát triển xanh của Việt Nam.

Điều mong muốn nhất về phía báo chí, đó là mong Bộ Tài nguyên và Môi trường mở nhiều các lớp đào tạo phổ biến kiến thức và các quy định, luật định mới nhất, cập nhật về quy định luật quốc tế, các cam kết quốc tế, các chính sách liên quan nhằm nâng cao kỹ năng hiểu và viết của các phóng viên báo chí về phát triển xanh, phát triển bền vững của Việt Nam - điều này là rất cần thiết.

Ông Đặng Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Trungnam Group

Tăng cường công tác truyền thông để
tận dụng những lợi thế và ưu thế của đất nước

ong-bao-trung-nam.jpg
Ông Đặng Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Trungnam Group

Phát triển xanh là một khái niệm rất rộng về năng lực chuyển đổi sản xuất, tiêu dùng và về tài chính. Qua nhiều lần làm việc với các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Hội Nhà báo Việt Nam… chúng tôi cũng đang ấp ủ và mong muốn có một chương trình để tham gia tập huấn cho các phóng viên, nhà báo, để có thêm kiến thức nền về ngành năng lượng, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… do đó, tôi nghĩ, việc Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh ra đời rất phù hợp, giúp truyền thông trong ngành kinh tế phát triển xanh có được những kết quả cũng như thành công rõ nét hơn.

Hiện tại, năng lượng tái tạo được đầu tư rất nhiều, lên đến hàng chục tỷ đô la, đây là một trong những thị trường lớn của nền kinh tế, do đó, vai trò của truyền thông rất quan trọng trong việc giúp người dân và công chúng thấy được rằng đây là một khoản đầu tư rất hiệu quả và giúp tăng cường tính minh bạch trong việc lựa chọn các nhà đầu tư để phát triển hiệu quả. Từ đó, nhận được sự ủng hộ từ công chúng. Vấn đề này rất cần sự chung tay vào cuộc của truyền thông mà cụ thể là đội ngũ nhà báo, trong đó có các hội viên của Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh.

Với Trungnam Group, chúng tôi tự hào là một trong những doanh nghiệp tiên phong và đứng đầu về năng lượng sạch tại Việt Nam. Thời gian tới, Trungnam Group sẽ đầu tư sâu hơn vào mảng năng lượng sạch với chiến lược đặt trọng tâm 3 nền tảng: con người, hành tinh và hiệu quả. Đó là triết lý để phát triển và hướng tới phát triển xanh. Các doanh nghiệp cũng rất cần vai trò của truyền thông trong vấn đề phát triển.

Nếu có cơ chế và hành lanh pháp lý vững chắc và ổn định để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển xanh, chúng ta cần tăng cường công tác truyền thông để tận dụng những lợi thế và ưu thế của đất nước - vừa là một nơi có năng lượng sạch, vừa là một nơi có tiềm năng lớn và là cửa ngõ quốc tế giao thương quốc tế. Tôi nghĩ, nếu chúng ta có một hành lang pháp lý rộng thì chúng ta sẽ tận dụng được nội lực và ngoại lực để chuyển đổi, phát triển xanh một cách hiệu quả.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa tiếng nói chung nhịp đập xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO