Hòa Nhơn (Đà Nẵng) – Hàng chục hộ dân tiếp tục kêu cứu vì ô nhiễm môi trường

29/05/2018 11:15

(TN&MT)- Sau loạt bài viết phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, mất trật tự ATGT tại thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đăng trên Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử, Vừa qua, Báo lại tiếp tục nhận được đơn thư kêu cứu của hơn 30 hộ dân trong thôn phản ánh về việc thiếu dân chủ trong giải quyết khiếu nại, không quan tâm đến người dân của các cấp chính quyền khiến người dân bức xúc.

Ô nhiễm “tra tấn” người dân

Trong đơn thư gửi Báo Tài nguyên & Môi trường và chính quyền TP. Đà Nẵng, hơn 30 hộ dân thuộc các tổ: 6, 7 và 8, thôn Thạch Nham Tây phản ánh: “ Chúng tôi làm đơn kêu cứu này kính gửi lên các cấp lãnh đạo thành phố xem cứu giúp nhân dân chúng tôi vì hiện nay người dân chúng tôi đang sống trong môi trường quá ô nhiễm và ồn ào. Công ty bê tông thì xả thải trực tiếp ra đường không có cống rãnh. Tiếng ồn ào của nhà máy dăm gỗ và xe chở đất gầm rú suốt ngày đêm, đường thì lầy lội, cuộc sống bị tra tấn và hành hạ”.
 

Người dân bức xúc chặn đường từ ngày 25- 28/5/2018
Người dân bức xúc chặn đường từ ngày 25- 28/5/2018

Cũng theo đơn thư người dân, “nguyên nhân hiện nay các doanh nghiệp tập trung về khu vực này nhưng đường sá, hạ tầng không đảm bảo. Hai nhà máy dăm gỗ xây dựng sát khu dân cư. Các đoàn xe lấy đất đá tập trung vào khu vực này, chạy suốt ngày đêm gây ô nhiễm nặng, đường dân sinh bị băm nát, làm cho dân 2 bên đường phải đóng cửa 24/24, con nhỏ đi học về không dám về đường này. Gần đây xe chở đất liên tục gây ra 4 vụ tai nạn làm chết người tại một địa điểm, xe đất tông vào 2 xe ô tô cũng tại địa điểm này. Cho nên đến nay ai đi vào con đường này thì người ta gọi là “ngã ba đường chết”. Gần đây, do quá ô nhiễm người dân đưa vật cản ra để xe đất giảm bớt tốc độ thì một chủ xe đất đã dùng ô tô con đâm thẳng vào, xuống xe hăm dọa dân, móc điện thoại cho giang hồ lên giải quyết”.

Hiến đất để được hưởng... bụi

Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Tiến, người dân thôn Thạch Nham Tây cho biết: con đường từ ngã 3 đường Trường Sơn vào đến đoạn đường tránh, trước đây chỉ là con đường dân sinh rất nhỏ. Sau khi thành phố đồng ý cho các doanh nghiệp vào khác thác đất, đá, sản xuất công nghiệp mới được nâng cấp mở rộng theo hình thức xã hội hóa. Nghe lời vận động của các cán bộ: “ hiến đất làm đường cho dân hưởng lợi”, các gia đình trong thôn đã hiến hàng nghìn mét vuông đất để mở rộng đường, như gia đình các ông:  Phan Nghĩa, Phan Hưởng hiến 170m2, Nguyễn Quang Bình hiến 70m, Bùi Quốc Bổ hiến hơn 100m...Tuy nhiên đến nay, lợi đâu chưa thấy được hưởng, chỉ thấy được hưởng bụi. Có gia đình thì bị xe tải chở đất tông chết người thân như gia đình ông Nguyễn Bằng.
 

Đường qua thôn Thạch Nham Tây xuống cấp trầm trọng
Đường qua thôn Thạch Nham Tây xuống cấp trầm trọng

Theo những người dân trong thôn, hầu hết người dân trong thôn đi khám đều được xác định là mắc bệnh về đường hô hấp, bệnh bụi phổi nên người dân rất hoang mang. Vừa nói chuyện ông Nguyễn Hoàng Tiến vừa kéo áo lên chỉ những vết mổ chạy dài như con rết để minh chứng: mặc dù không làm việc ở ngành nghề liên quan bụi phổi, tuy nhiên, do sống ở khu vực ô nhiễm nên ông đã bị mắc bệnh bụi phổi, phải mổ cấp cứu, đến nay sức khỏe vẫn chưa hồi phục.   
 

Đường qua thôn Thạch Nham Tây xuống cấp trầm trọng
Đường qua thôn Thạch Nham Tây xuống cấp trầm trọng

Trao đổi thêm với Phóng viên, nhiều người dân thôn Thạch Nham Tây đề xuất: để giải quyết triệt để ô nhiễm, người dân thiết tha đề nghị UBND huyện Hòa Vang, UBND thành phố Đà Nẵng quan tâm: sửa chữa, nâng cấp toàn bộ mặt đường, kết hợp với lắp đặt hệ thống cống rãnh trên tuyến đường từ ngã 3 đường Trường Sơn vào đến đoạn đường tránh, chỉ cho ở mức tối đa là 15km/h và lắp đặt camera theo dõi. Hiện nay đang qua định ở mức 40km/h là quá cao, liên tục xảy ra tai nạn giao thông dẫn đến chết người; quy định về giờ giấc chạy xe, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp bởi hiện nay các doanh nghiệp hoạt động 24/24h, đơn cử như các xe đất hoạt động đến 21h đêm
 

Hàng loạt xe chở gỗ có dấu hiệu quá khổ, quá tải nhưng không bị xử lý
Hàng loạt xe chở gỗ có dấu hiệu quá khổ, quá tải nhưng không bị xử lý

Các nhà máy dăm gỗ, trộn bê tông tươi hoạt động có khi đến sáng, khiến người dân không thể ăn uống, nghỉ ngơi; lắp đặt hệ thống chiếu sáng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; và cuối cùng, chính quyền giao lại đoạn đường cho người dân tự quét dọn, vệ sinh môi trường, có trả phí để đảm bảo môi trường, bởi hiện nay xã thu của các doanh nghiệp gần 80 triệu đồng/tháng, nói là để đảm bảo môi trường nhưng không công khai cho người dân được biết, còn môi trường vẫn ô nhiễm trầm trọng.

 UBND huyện có né tránh?

Sau khi nhận được đơn thư, phản ánh của người dân thôn Thạch Nham Tây, ngày 15/5/2018 Phóng viên Báo TNMT đã liên lạc với ông Nguyễn Tấn Khoa, Chánh văn phòng UBND huyện Hòa Vang để đặt lịch làm việc với lãnh đạo UBND huyện về việc giải quyết kiến nghị, đơn thư của người dân. Tuy nhiên, từ đó đến sáng ngày 28/5/2018, phóng viên nhiều lần liên lạc lại, ông Khoa đều báo: “ lãnh đạo huyện bận, không xếp được lịch”.

Từ sáng ngày 25- 28/5/2018, do quá bức xúc, hàng trăm người dân thôn Thạch Nham Tây lại tiếp tục kéo ra chặn đường, căng biển kêu cứu: “Dân chết vì ô nhiễm môi trường” khiến hàng trăm xe tải bị ùn ứ, trong đó có nhiều xe chở gỗ có dấu hiệu quá khổ quá tải. Dù vậy, từ đó đến nay, lãnh đạo các cấp: xã, huyện cung chưa một lần trực tiếp xuống hiện trường đối thoại với dân.

Theo thông tin Báo Tài nguyên & Môi trường mới nhận được, ngày 28/5/2018, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký công văn số 3911/UBND- QLĐTh về việc xử lý liên quan đến phản ánh của báo chí, người dân, trong đó yêu cầu Giám đốc công an thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và UBNd huyện Hòa Vang thường xuyên kiểm tra, xử lý hoạt động xe tải, xe ben gây ô nhiễm, mất an toàn giao thông tại khu vực thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.

Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa Nhơn (Đà Nẵng) – Hàng chục hộ dân tiếp tục kêu cứu vì ô nhiễm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO