Ông Lê Quốc Khánh – Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam phát biểu khai mạc |
Hội thảo có nội dung đa dạng, phong phú và tập hợp được đông đảo người tham gia, mở ra cơ hội giao lưu để gặp gỡ, trao đổi, hợp tác lẫn nhau giữa các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực nghiên cứu – đào tạo – sản xuất kinh doanh phục vụ cho sự phát triển ngành, đưa các công trình khoa học vào cuộc sống.
Gần 200 báo cáo khoa học gửi tới hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Quốc Khánh – Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam cho biết: Hội thảo hướng nội dung ưu tiên về doanh nghiệp, góp phần đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, thiết bị máy móc, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và cải thiện môi trường, an toàn trong quá trình sản xuất.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được gần 200 báo cáo khoa học. Đó là kết quả của các đề tài từ cấp Nhà nước, Bộ, ngành tới cơ sở; các thành tựu, thách thức và định hướng phát triển khoa học – kỹ thuật thuộc khối doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh hóa chất.
Nội dung các báo cáo khoa học năm nay phần lớn về hóa học các hợp chất thiên nhiên, hóa dược, hóa vật liệu, hóa hữu cơ và công nghệ xử lý chất thải công nghiệp hóa chất, đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm.
“Hội thảo toàn quốc hôm nay được tổ chức sau khi trong năm chúng ta đã có những hội thảo chuyên ngành vô cơ – đất hiếm, hữu cơ, hóa lý thuyết và hóa tính toán, nhưng vẫn nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các nhà khoa học trong toàn quốc. Với 200 báo cáo khoa học gửi tới Ban tổ chức, chứng tỏ nguồn lực và yêu cầu đối với hội thảo khoa học là rất lớn” - ông Lê Quốc Khánh nhấn mạnh.
GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chia sẻ tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng hội thảo khoa học là nơi tất cả mọi vấn đề đều được thảo luận công khai, đúng hay sai đều được quyết định theo những tiêu chuẩn khách quan của tự nhiên.
GS.TSKH Đặng Vũ Minh chia sẻ niềm vui khi đến dự hội thảo, ông được biết thêm về những thành tựu của lĩnh vực khoa học mà mình đã gắn bó trọn đời. “Đặc biệt năm nay ngành hóa học và thực phẩm là ngành có nhiều người được công nhận chức danh Giáo sư và Phó Giáo sư nhất. Điều đó cho thấy sự phát triển nhanh chóng của ngành khoa học trong thời gian qua” - GS.TSKH Đặng Vũ Minh nói.
Khoảng 10.000 sinh viên học theo các ngành về kỹ thuật hóa học
Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học khoa học và kỹ thuật hàng đầu Việt Nam.
Năm 2019, trong bảng xếp hạng của QS Asia, trường được xếp hạng trong nhóm từ 261-270, trong bảng xếp hạng của Times Higher Education, trường được xếp hạng trong nhóm 810-1000 trường đại học tốt nhất của thế giới, là 1 trong 4 trường đại học của Đông Nam Á có thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng uy tín này.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho biết: Để đạt được những kết quả đó, trường luôn đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong giảng dạy và nghiên cứu. Lĩnh vực Hóa học và các ngành đào tạo có liên quan mật thiết với hóa học như công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ môi trường là một trong những mũi nhọn đào tạo và nghiên cứu của trường.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội phát biểu tại hội thảo |
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho rằng với khoảng 400 nhà khoa học và khoảng 10.000 sinh viên học theo các ngành đào tạo của các Viện liên quan tới kỹ thuật hóa học, đó là một tiềm năng những nhà khoa học hiện tại và tương lai từ các em sinh viên để có thể hợp tác với các hiệp hội, các doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển và đưa những kết quả nghiên cứu vào ứng dụng.
Quang cảnh hội thảo |
“Chủ đề “Hóa học Việt Nam vì sự phát triển bền vững” thực sự là một trong những định hướng hết sức đúng đắn để các nhà khoa học ở các Trường, Viện nghiên cứu và các doanh nghiệp cùng tập hợp trí tuệ để phát triển các nghiên cứu chuyên sâu và đưa các kết quả vào ứng dụng thực tế vì “một nước Việt Nam hùng cường” - PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng khẳng định.