(TN&MT) - Dẫu phù sa còn đọng tầng tầng lớp lớp trên những cánh đồng, phủ kín lối đi trong thôn xóm, nhưng giữa mênh mang đất trời chớm Xuân, hoa vẫn ươm nụ, nét cười vẫn rạng ngời trên môi người dân vùng lũ.Chúng tôi trở lại Đại Lộc, vùng rốn lũ Quảng Nam khi nắng ấm vừa kịp ùa về xua đi giá buốt. Ẩn trong heo gió lẩn khuất trong chân núi, cái lạnh thi thoảng lại ùa ra xóm làng, vườn tược. Từ cầu Hà Nha, ngược theo con đường nham nhở bùn đất, mịt mù bụi lên xã Đại Hưng. Đã gần 2 tháng sau đợt lũ dữ, nhưng dấu tích vẫn in rõ trên đường đi, cành cây, rơm rạ và rác còn vương trên dây điện, trên ngọn cây cao. Con đường bê tông từ Đại Lãnh lên Đại Hưng, xuyên các thôn An Tân, Trúc Hà, Chấn Sơn đến Thái Sơn, Đại Mỹ, Thanh Đại... nhiều đoạn vẫn ngập trong cát, bùn đất.
Chị Lương Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng dẫn chúng tôi đi vòng ra bờ sông Kôn ngầu đục, nhìn những ruộng lúa màu mỡ nay nằm sâu hàng dưới lớp cát, đá ngổn ngang, chị rơm rớm nước mắt: Năm rồi, đợt lũ này tương đương với trận "đại hồng thủy" năm 1999. Nước lên quá nhanh.
Đứng nhón chân chỉ lên dấu bùn non đọng lại trên cột nhà, dễ chừng hơn 2 mét, ông Phạm Xê ở thôn Đại Mỹ (xã Đại Hưng) kể lại: Lão sống ở đây đã 82 năm, mà chưa từng thấy nước lũ lên nhanh như vậy.
Rời Đại Hưng, chúng tôi men theo sông Vu Gia, qua những thôn xóm vốn trù phú, xanh tươi của Đại Lộc, từ Tân An, Hà Tân, qua Đông Phước, Dục Tịnh, xuôi theo dòng về Lâm Yên, Thanh Vân, Lộc Bình... Dẫu dấu tích mưa lũ còn phảng phất trên gương mặt người nông dân tảo tần, ngõ xóm đầy bùn đất, nhưng trên những cánh đồng màu mỡ, dưới bàn tay chăm chút của các mẹ, các chị, mướp đã ra hoa, cà đang ươm nụ vàng rộm bên lũy tre hãy còn nghiêng ngả sau bão lũ. Trên thửa ruộng thôn Bàu Tròn, xã Đại An ngan ngát màu xanh của rau, hoa.
“Lũ rút, nắng lên là bà con tranh thủ ra đồng làm đất, bón cây chạy đua với thời gian để hy vọng có thể cung cấp thị trường rau cho dịp Tết cận kề. Mấy hôm nay, giá rau cũng được, nên bà con ai cũng mừng, có đồng ra đồng vào sắm sửa cái Tết được tươm tất” - ông Phan Văn Đùng nói.
Đang thu hoạch lứa đậu cô-ve đầu mùa, bác Đặng Văn Lâm, ở thôn Bàu Tròn cười vui: Lũ lụt cũng có cái được con à. Thêm phù sa, bớt sâu bọ, chuột, dế. Năm nay thể nào cũng được mùa. Mình chịu khó, trời không phụ. Bão lũ là chuyện không đành, bà con quen rồi. Lũ rút, bà con chủ động dựng lại nhà cửa, chặt dọn cây cối, xúc đất, bùn trên đường làng, ngõ xóm.
Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, đợt mưa lũ vừa qua, các thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn như: Sông Tranh, Sông Bung 4, Đắk Mi 4 đồng loạt xả lũ làm cho mực nước sông Vu Gia tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc vượt báo động 3 hơn 1 mét, sông Thu Bồn tại Giao Thủy trên báo động 3 là 0,7 m gây thiệt hại về người và tài sản đối với huyện Đại Lộc.
Không chỉ riêng Đại Lộc, cuối năm vừa qua, cả dải đất dài miền Trung phải gánh mưa lũ lịch sử. Lũ cuốn sạch, cuốn luôn nước mắt, mồ hôi người dân. Thế nhưng, chỉ sau một tháng trở lại những vùng “rốn lũ” như: Hòa Vang (Đà Nẵng), Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), Tuy Phước, An Nhơn (Bình Định)... đã được hồi sinh, tươi vui nơi đây. Những cánh đồng trắng xóa, trơ màu bùn vì lũ đã lún phún mạ non. Trên những khung dưa chuột, giàn mướp còn lại sau lũ, người dân đã ươm trồng cây non mới.
Ngày cận Tết, khi những cánh mai vàng nở sớm đã bắt đầu khoe sắc, người dân miền Trung vẫn miệt mài bên luống rau, ruộng lúa đang phủ xanh bờ bãi. Vượt lên khó khăn, mất mát bởi thiên tai, khắp dải đất miền Trung trải dài từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định, Khánh Hòa đang căng tràn một sức sống mới.
Màu xanh đã tràn ngập. Hoa vẫn nở giữa bộn bề phù sa, mang hy vọng về một cái Tết ấm no, đủ đầy cho người dân vùng rốn lũ vốn chịu nhiều cơ cực…
Chị Lương Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng dẫn chúng tôi đi vòng ra bờ sông Kôn ngầu đục, nhìn những ruộng lúa màu mỡ nay nằm sâu hàng dưới lớp cát, đá ngổn ngang, chị rơm rớm nước mắt: Năm rồi, đợt lũ này tương đương với trận "đại hồng thủy" năm 1999. Nước lên quá nhanh.
Đứng nhón chân chỉ lên dấu bùn non đọng lại trên cột nhà, dễ chừng hơn 2 mét, ông Phạm Xê ở thôn Đại Mỹ (xã Đại Hưng) kể lại: Lão sống ở đây đã 82 năm, mà chưa từng thấy nước lũ lên nhanh như vậy.
Rời Đại Hưng, chúng tôi men theo sông Vu Gia, qua những thôn xóm vốn trù phú, xanh tươi của Đại Lộc, từ Tân An, Hà Tân, qua Đông Phước, Dục Tịnh, xuôi theo dòng về Lâm Yên, Thanh Vân, Lộc Bình... Dẫu dấu tích mưa lũ còn phảng phất trên gương mặt người nông dân tảo tần, ngõ xóm đầy bùn đất, nhưng trên những cánh đồng màu mỡ, dưới bàn tay chăm chút của các mẹ, các chị, mướp đã ra hoa, cà đang ươm nụ vàng rộm bên lũy tre hãy còn nghiêng ngả sau bão lũ. Trên thửa ruộng thôn Bàu Tròn, xã Đại An ngan ngát màu xanh của rau, hoa.
“Lũ rút, nắng lên là bà con tranh thủ ra đồng làm đất, bón cây chạy đua với thời gian để hy vọng có thể cung cấp thị trường rau cho dịp Tết cận kề. Mấy hôm nay, giá rau cũng được, nên bà con ai cũng mừng, có đồng ra đồng vào sắm sửa cái Tết được tươm tất” - ông Phan Văn Đùng nói.
Đang thu hoạch lứa đậu cô-ve đầu mùa, bác Đặng Văn Lâm, ở thôn Bàu Tròn cười vui: Lũ lụt cũng có cái được con à. Thêm phù sa, bớt sâu bọ, chuột, dế. Năm nay thể nào cũng được mùa. Mình chịu khó, trời không phụ. Bão lũ là chuyện không đành, bà con quen rồi. Lũ rút, bà con chủ động dựng lại nhà cửa, chặt dọn cây cối, xúc đất, bùn trên đường làng, ngõ xóm.
Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, đợt mưa lũ vừa qua, các thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn như: Sông Tranh, Sông Bung 4, Đắk Mi 4 đồng loạt xả lũ làm cho mực nước sông Vu Gia tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc vượt báo động 3 hơn 1 mét, sông Thu Bồn tại Giao Thủy trên báo động 3 là 0,7 m gây thiệt hại về người và tài sản đối với huyện Đại Lộc.
Không chỉ riêng Đại Lộc, cuối năm vừa qua, cả dải đất dài miền Trung phải gánh mưa lũ lịch sử. Lũ cuốn sạch, cuốn luôn nước mắt, mồ hôi người dân. Thế nhưng, chỉ sau một tháng trở lại những vùng “rốn lũ” như: Hòa Vang (Đà Nẵng), Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), Tuy Phước, An Nhơn (Bình Định)... đã được hồi sinh, tươi vui nơi đây. Những cánh đồng trắng xóa, trơ màu bùn vì lũ đã lún phún mạ non. Trên những khung dưa chuột, giàn mướp còn lại sau lũ, người dân đã ươm trồng cây non mới.
Ngày cận Tết, khi những cánh mai vàng nở sớm đã bắt đầu khoe sắc, người dân miền Trung vẫn miệt mài bên luống rau, ruộng lúa đang phủ xanh bờ bãi. Vượt lên khó khăn, mất mát bởi thiên tai, khắp dải đất miền Trung trải dài từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định, Khánh Hòa đang căng tràn một sức sống mới.
Màu xanh đã tràn ngập. Hoa vẫn nở giữa bộn bề phù sa, mang hy vọng về một cái Tết ấm no, đủ đầy cho người dân vùng rốn lũ vốn chịu nhiều cơ cực…