Hoà Bình: Yêu cầu huyện Lạc Thuỷ báo cáo những vấn đề Báo TN&MT phản ánh về “đất tặc”

Việt Linh| 08/08/2020 12:09

(TN&MT) - Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thuỷ cho biết, tỉnh Hoà Bình đã có văn bản yêu cầu huyện báo cáo, giải trình về những vấn đề liên quan tới việc để xảy ra nạn khai thác đất trái phép, đục khoét tài nguyên trên địa bàn huyện mà vừa qua Báo TN&MT đã phản ánh.

Trước đó, Báo Tài nguyên và Môi trường đã có một loạt bài viết phản ánh về tình trạng một số công trình thuộc UBND huyện Lạc Thuỷ làm chủ đầu tư đã sử dụng đất sai mục đích để thi công, tiêu thụ đất của nhóm “đất tặc”, đồng thời phản ánh việc mỗi ngày có hàng đoàn xe có biểu hiện quá khổ, quá tải ngang nhiên vận chuyển “đất tặc” qua cổng UBND huyện Lạc Thuỷ đi tiêu thụ ở các nhà máy xi măng tại tỉnh Hà Nam nhưng không hề gặp một trở ngại nào.

Tỉnh Hoà Bình yêu cầu UBND huyện Lạc Thuỷ báo cáo, giải trình những thông tin liên quan đến "đất tặc" mà vừa qua báo TN&MT đã phản ánh.

Cụ thể, ngày 30/7, Báo TN&MT có bài viết: “Hòa Bình: Chủ tịch huyện Lạc Thuỷ mong “du di” cho "đất tặc" để phục vụ cho lợi ích chung?” phản ánh việc UBND huyện Lạc Thuỷ và Ban quản lý dự án xây dựng cơ bản của huyện biết việc Công ty Mỹ Phong sử dụng “đất tặc” để thi công tuyến đường TL 438A là sai, gây thất thoát nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, "chảy máu" tài nguyên, thế nhưng ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thuỷ vẫn mong “du di”, bỏ qua để cho “đất tặc” tiếp tục đục khoét tài nguyên quốc gia?.

Quy hoạch điểm mỏ một đằng, huyện Lạc Thuỷ cho Công ty Mỹ Phong lấy đất một nẻo gây thất thoát tài nguyên.

Trước đó, PV Báo TN&MT cũng đã cung cấp hình ảnh về việc vận chuyển khoáng sản trái phép ra khỏi địa bàn để tiêu thụ với phòng TN&MT huyện Lạc Thuỷ. Bà Lâm Thị Kính, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạc Thuỷ thừa nhận việc khai thác đất tại hộ gia đình ông Bùi Văn Lục là hoàn toàn chưa được cấp phép. Bà Kính cũng cho biết, hiện tại Công ty Mỹ Phong đang tiến hành lấy đất tại khu vực này để thi công tuyến đường TL438A của huyện Lạc Thuỷ cũng là chưa đúng.

Trong bài viết cũng nêu rõ việc ông Nguyễn Văn Hải, Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thuỷ thừa nhận đây là việc làm sai và các cơ quan báo chí phản ánh là chính xác. Ông Hải cũng thừa nhận việc để Công ty Mỹ Phong lấy đất tại hộ gia đình nhà ông Bùi Văn Lục (thôn Rộc Trụ, xã Khoan Dụ) về mặt thủ tục là không chính xác nhưng vì muốn đẩy nhanh tiến độ nên ông Hải đã cho phép khai thác “đất tặc” mang ra đắp đường.

Công ty Mỹ Phong sử dụng "đất tặc" để thi công tuyến đường TL438

Cũng theo ông Bùi Mạnh Tường, Giám đốc BQL DA XDCB (Ban quản lý dự án xây dựng cơ bản) huyện Lạc Thuỷ, dự án “Trồng, bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bôi và nâng cấp tuyến đê ngăn lũ sông Bôi kết hợp đường giao thông chạy lũ (đoạn cầu Chi Nê, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thuỷ đến xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, Ninh Bình), tỉnh Hoà Bình”, dự án có chiều dài khoảng 7km, tổng mức đầu tư 217 tỷ đồng do UBND huyện Lạc Thuỷ làm chủ đầu tư.

“Để thi công tuyến đường TL438A, đơn vị đã định danh cho Công ty Mỹ Phong khu vực lấy nguyên liệu, còn việc lấy như thế nào, ra sao thì phía Công ty phải tự lo dự toán, tự chịu trách nhiệm”, ông Tường nói.

Khoáng sản còn được vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh Hoà Bình để đi tiêu thụ tại các nhà máy xi măng mà không hề gặp trở ngại nào.

Tuy nhiên, tại biên bản thống nhất vị trí mỏ vật liệu, các đơn vị đã thống nhất cụ thể với nhau, lựa chọn 6 điểm mỏ đã thăm dò, đảm bảo chất lượng để tiến hành thi công đường. Cụ thể mỏ số 1 thuộc hộ ông Nguyễn Mạnh Khâm, mỏ số 2 thuộc hộ ông Nguyễn Mạnh Chính, mỏ số 3 thuộc hộ ông Bùi Minh Khai (cùng thuộc thôn Rộc Trụ, xã Khoan Dụ), mỏ số 4 thuộc hộ ông Hoàng Văn Mạnh, mỏ số 5 thuộc hộ ông Bùi Quang Hoá, mỏ số 6 thuộc hộ ông Quách Văn Quyết (cùng thuộc xã Yên Bồng).

Nhưng trên thực tế ghi nhận, Công ty Mỹ Phong không sử dụng đất tại các điểm mỏ được phê duyệt mà sử dụng một số lượng lớn “đất tặc”, khai thác trái phép nhà ông Bùi Văn Lục ở thôn Rộc Trụ 2 (xã Khoan Dụ) để thi công.

Không chỉ riêng tuyến đường TL438 sử dụng "đất tặc" để thi công mà tại BQL DA XDCB còn nhiều dự án khác sử dụng "đất tặc" để thi công.

Như vậy, việc Ban quản lý dự án xây dựng cơ bản huyện Lạc Thuỷ để cho Công ty Mỹ Phong sử dụng “đất tặc” để thi công tuyến đường TL 438 là sai với quy định. Điều này có thể dẫn đến việc trốn thuế tài nguyên gây hao hụt ngân sách đồng thời cũng có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng của công trính.

Từ những sự việc trên, ngày 6/8, trao đổi với ông Nguyễn Văn Hải, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thuỷ cho biết, bản thân ông không có bình luận gì về những thông tin mà vừa qua Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh. Đồng thời ông cũng cho biết hiện phía các cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình đang yêu cầu UBND huyện Lạc Thuỷ phải báo cáo, giải trình về những vấn đề mà vừa qua báo nêu liên quan đến việc khai thác đất trái phép và việc sử dụng “đất tặc” để thi công tuyến đường TL 438.

Việc làm tại BQL DA XDCB huyện Lạc Thuỷ như thế là không đúng với quy định.

“Tôi không bình luận gì về những bài báo mà Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh cả. Hiện tôi đang giao cho các phòng ban kiểm tra, xử lý theo quy định và có văn bản báo cáo UBND tỉnh”, ông Hải thông tin.

Cũng theo ông Hải, sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh, tất cả các khu vực khai thác “đất tặc” và dự án tại địa bàn huyện đã tạm dừng hoạt động.

Theo tìm hiểu của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, tại Ban quản lý dự án xây dựng cơ bản huyện Lạc Thuỷ từ trước tới nay không phải chỉ có duy nhất một dự án sử dụng “đất tặc” để thi công. Mà có rất nhiều dự án đã và đang “lách luật” để rút ruột ngân sách.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin chi tiết ở bài viết tiếp theo!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoà Bình: Yêu cầu huyện Lạc Thuỷ báo cáo những vấn đề Báo TN&MT phản ánh về “đất tặc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO