Hòa Bình: Trực tiếp, bám sát từng hộ nghèo để giảm nghèo bền vững
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Điệp - Giám đốc Sở Lao đông – Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình trong cuộc trả lời phỏng vấn với Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về giải pháp giảm giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
PV: Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, trong những năm qua công tác an sinh xã hội đã được các cấp các ngành của tỉnh rất quan tâm. Xin ông cho biết những kết quả mà tỉnh Hòa Bình đã đạt được trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo bảo an sinh xã hội thời gian qua?
Ông Nguyễn Ngọc Điệp: Trong những năm qua, công tác an sinh xã hội vẫn luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh quan tâm thực hiện. Đây chính là nền tảng quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh đối với những đối tượng chính sách trên địa bàn. Với vai trò cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực xã hội như: Bảo trợ xã hội, bảo hiểm xã hội, người có công, bảo vệ chăm sóc trẻ em… thời gian qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã khẳng định vai trò nòng cốt trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, làm tốt công tác an sinh xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Sở LĐ-TB&XH tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để làm tốt công tác giảm nghèo như: Ưu tiên thực hiện các chính sách, trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ tiền điện… Đến tháng 8 năm 2024 trên địa bàn tỉnh có 33.408 đối tượng bảo trợ xã hội đang được hưởng trợ giúp xã hội hằng tháng tại cộng đồng và 185 đối tượng bảo trợ xã hội được quản lý nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em của tỉnh.
Với việc thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các nội dung của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ đề ra (mỗi năm giảm bình quân từ 2,5-3%) dự kiến đến cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn giai đoạn 2021-2025 giảm xuống còn 6,9% bình quân hàng năm giảm 2,86% đạt Kế hoạch đề ra.
Pv: Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, công tác triển khai các phong trào giảm nghèo đã được thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Điệp: Tỉnh Hòa Bình đã tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn lực huy động cho công tác giảm nghèo thông qua việc thực hiện các cuộc vận động, ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, Chương trình “Tết vì người nghèo”. Phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025, Phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động từ đó khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phát hiện và nhân rộng các điển hình, mô hình giảm nghèo hiệu quả, sáng kiến giảm nghèo, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Pv: Với điều kiện tỉnh miền núi, dân cư phân tán, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, trong quá trình triển khai các Chương trình, dự án có lẽ đã gặp phải không ít khó khăn, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Điệp: Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn cũng gặp phải một số khó khăn nhất định như: Công tác tuyên truyền về phát triển giáo dục nghề nghiệp ở một số nơi còn hạn chế, cho nên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chưa quan tâm đến việc học nghề mà chủ yếu đi làm việc ở các công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp, cho nên khó khăn trong việc mở các lớp đào tạo nghề.
Một số đơn vị, địa phương chưa phát huy tính chủ động trong tham mưu, triển khai thực hiện Chương trình; đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở trình độ còn hạn chế, nên ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực hiện Chương trình, dự án giảm nghèo tại địa phương, cán bộ chuyên trách các cấp còn ít, đặc biệt tại cấp cơ sở là kiêm nhiệm.
Vẫn còn một bộ phận không nhỏ người nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nên chưa quyết tâm vươn lên thoát nghèo; một số hộ còn muốn rơi vào diện hộ nghèo để thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Pv: xin ông cho biết những giải pháp ngắn hạn và dài hạn để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của tỉnh, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Điệp: Các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của tỉnh được đưa ra cụ thể như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm, vai trò của cấp ủy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, cộng đồng xã hội và của chính bản thân người nghèo, hộ nghèo trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách, các nội dung, tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đến mọi tầng lớp nhân dân để người dân hiểu rõ và đồng thuận trong việc triển khai thực hiện. Từ đó giáo dục ý thức tự vươn lên giảm nghèo, chống tư tưởng ỷ lại của người nghèo, nhất là hộ nghèo dân tộc thiểu số, đồng thời hướng dẫn cho người nghèo có nhận thức đúng, biết tận dụng các cơ hội để giảm nghèo và sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội.
Đồng thời, ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Hòa Bình theo từng năm để thực hiện hiệu quả, đồng bộ các chính sách, dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo cụ thể cho các huyện, thành phố. Thực hiện phân cấp, phân công rõ trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương nhằm tăng cường vai trò của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong công tác giảm nghèo.
Ngoài ra, tổ chức hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc đúng quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, chống bệnh thành tích, quan liêu, phản ánh đúng thực trạng của địa phương. Chỉ đạo hình thành đội ngũ điều tra viên chuyên nghiệp, có đủ năng lực, đạo đức, trình độ chuyên môn, am hiểu địa bàn, thực tế để trực tiếp thực hiện điều tra, rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo chính xác, công bằng, không bỏ sót đối tượng.
Trân trọng cảm ơn ông!