Kinh tế

Hòa Bình: Toàn cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024

Bảo Hà 11/10/2024 - 20:51

(TN&MT) - Hòa Bình tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2024 khởi sắc hầu hết trên các lĩnh vực, mở ra hy vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.

Khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực

Theo số liệu thông báo của Tổng Cục thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng đầu năm tăng 9,02% so với cùng kỳ năm trước trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,41%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,66%; dịch vụ tăng 6,99%; thuế sản phẩm tăng 5,97%.

1_jul_2024_092125_gmtz5580790091647_1c88b477e57e3d1f700e7c08bd8c3955.jpg
Hòa Bình khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh quyết liệt trong chỉ đạo sản xuất, thực hiện tiến độ sản xuất đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất. Tăng cường các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, công tác phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được quan tâm.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, đê điều trước, trong và sau mùa mưa lũ, duy trì chế độ kiểm tra đê thường xuyên và kiểm tra đột xuất đối với các tuyến đê cấp III, cấp IV, công tác phòng chống lũ bão, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn được đặc biệt quan tâm. Tăng cường chỉ đạo thực hiện Đề án “Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.

Tỉnh cũng đã tập trung xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ đối với một số nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh Hòa Bình, triển khai các chính sách hỗ trợ về đầu tư đổi mới công nghệ, hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với các đối tượng có liên quan đến sản xuất, xuất khẩu nông sản. Kết nối các nhà cung cấp để ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất, chế biến nông sản chủ lực.

Qua đó sản phẩm nông sản của tỉnh đã xuất khẩu đến các thị trường: như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu..., cụ thể lần đầu tiên các trái cây đặc sản như cam Cao Phong, quýt Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, thanh long và khoảng hơn 100 sản phẩm đặc sản địa phương như tinh bột nghệ, chanh đào mật ong, miến dong, trà Giảo cổ lam… đã được xuất khẩu.

Trong tháng 9/2024, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã cân đối, bố trí 23 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2024 để hỗ trợ các địa phương, trích Quỹ Cứu trợ thực hiện công tác Cứu trợ là: 3,629 tỷ đồng và 11,83 tấn gạo, trong đó đã hỗ trợ các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng mỗi tỉnh 01 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức tiếp nhận và phân bổ nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ,… đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

11.png
Theo số liệu thông báo của Tổng Cục thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng đầu năm tăng 9,02% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn tỉnh có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 62% tổng số xã.

Về tình hình sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng tích cực. Các ngành khai khoáng và chế biến chế tạo có mức tăng trưởng cao (ước đạt lần lượt là 25% và 15%). Sản lượng điện sản xuất 9 tháng đầu năm đạt: 7.142,8 triệu Kwh, đạt 81,1% kế hoạch năm.

Đối với thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu có nhiều khởi sắc. Trong 9 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.478 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.031 triệu USD, tăng 15,09% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh ước đón 3,6 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh, doanh thu từ khách du lịch ước đạt 3.700 tỷ đồng tăng 18,9% so với cùng kỳ, đạt 80,4% kế hoạch năm.

Trong 9 tháng đầu năm, ước có 375 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 6.500 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp cấp mới giảm 22%, số vốn đăng ký tăng 40%. Có 15 dự án đầu tư được cấp mới, 06 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được chấp thuận nhà đầu tư, có 17 dự án đầu tư được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 9.500 tỷ đồng. So sánh với cùng kỳ năm 2023, số dự án cấp mới tăng 02 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký tăng khoảng 8.000 tỷ đồng, có 90 doanh nghiệp quay lại thị trường...

Nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm

Trên địa bàn tỉnh, hiện đang triển khai 14 dự án đầu tư trọng điểm, trong đó có 6 dự án giao thông, thủy lợi và 8 dự án ngoài ngân sách. Cơ bản các dự án triển khai bảo đảm tiến độ theo kế hoạch. Trong đó, Dự án đường liên kết vùng dự án mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức đối tác công tư (PPP) có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, hiện tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành trong công tác thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Đã hoàn thiện thủ tục, khởi công dự án Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000-Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục nhà ga, tuyến cáp treo và các hạng mục phụ trợ Dự án Tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy để đảm bảo đưa hạng mục dự án vào hoạt động chậm nhất cuối năm 2024. Dự kiến khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Nhuận Trạch trong quý IV năm 2024, dự án sản xuất Vôi, bột nhẹ, dự án sx Xi măng của tập đoàn Xuân Thiện, dự án cáp treo từ Kim Kôi sang Lạc Sơn của tập đoàn Sun Group sẽ khởi công vào đầu năm 2025.

13.png
Trên địa bàn tỉnh, hiện đang triển khai 14 dự án đầu tư trọng điểm, trong đó có 6 dự án giao thông, thủy lợi và 8 dự án ngoài ngân sách.

Công tác giáo dục và đào tạo, tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình dạy và học kế hoạch năm học 2023-2024. Kết quả có 99,5% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, tăng 0,19% so với năm 2023, tỉnh Hòa Bình xếp thứ 36 toàn quốc, tăng 05 bậc so với năm 2023, tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 59,3%. Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo giáo dục dân tộc, thực hiện đầy đủ chế độ chính sách hỗ trợ học sinh vùng khó khăn.

Cùng với đó, các hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, thường trực cấp cứu 24/24h, công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai tích cực; chủ động giám sát các bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn, thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, thường xuyên. Đẩy mạnh thực hiện khám, tư vấn, điều trị từ xa, tăng cường áp dụng công nghệ khám chữa bệnh thông minh. Tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm.

9 tháng đầu năm, có 14.285 lao động được giải quyết việc làm; 112.800 người tham gia BHXH; 831.843 người tham gia BHYT (đạt 94,02% dân số); 77.700 người tham gia BHTN; có 3.747 người được giải quyết trợ cấp thất nghiệp. Thực hiện hỗ trợ, thăm hỏi tặng quà đối với người có công, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, đồng bào sinh sống tại các xã vùng khó khăn... trong các dịp lễ, tết.

Trong những tháng cuối năm 2024, tỉnh Hòa Bình tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 12/01/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 19/01/2024 về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2024. Trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Tập trung hoàn thành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo tiến độ giải ngân tại các mốc thời gian theo các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành (Tỷ lệ giải ngân đến 30/11 đạt 90%; đến 30/01/2025 đạt 100% số kế hoạch vốn TTCP giao).

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh thu hút đầu tư góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu đạt kết quả cao nhất mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đã được duyệt. Thực hiện quyết liệt các giải pháp, biện pháp quản lý thu, chống thất thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu phát sinh theo quy định; phấn đấu hoàn thành mức cao nhất dự toán thu NSNN năm 2024. Tập trung xóa nhà tạm đảm bảo hoàn thành đề án đã ban hành./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa Bình: Toàn cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO