Hòa Bình: Tăng cường các giải pháp phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
(TN&MT) - Tỉnh Hòa Bình luôn xác định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Theo đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đang tập trung triển khai vào các dự án về hỗ trợ nhà ở, ổn định dân cư; tạo sinh kế cho người dân; hoàn thiện hạ tầng xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông và các vấn đề về văn hóa, y tế, giáo dục.
Sáng 17/11, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến chuyên đề "Tăng cường các giải pháp tổ chức thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025”.
Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân tộc trong tình hình mới, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 30/7/2021 về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể hóa nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Trong đó, mục tiêu của chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025 giảm 33 số xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 50% số thôn đặc biệt khó khăn; giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh từ 2,5 - 3,0% theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Cũng theo Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu nguồn lực để tỉnh thực hiện là 9.693.875 triệu đồng (vốn đầu tư 6.164.656 triệu đồng, vốn sự nghiệp 3.533.219 triệu đồng).
Tuy nhiên, nguồn vốn được Trung ương đã giao và dự kiến giao cho tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn 2021 - 2025 là 2.793.817 triệu đồng (vốn đầu tư 1.445.223 triệu đồng, vốn sự nghiệp 1.348.591 triệu đồng), đáp ứng 28,82% nhu cầu.
Tính đến ngày 31/10/2023, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2022, 2023 đã giải ngân là 417.757 triệu đồng; trong đó: vốn đầu tư 272.231/635.706 triệu đồng, bằng 42,82% kế hoạch giao; vốn sự nghiệp 145.526/601.434 triệu đồng, bằng 24,20% kế hoạch giao.
Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tỉnh chương trình đã góp phần quan trọng ổn định đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã có 8 xã khu vực III đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, với nguồn vốn được phân bổ và bối cảnh hiện nay, dự báo tỉnh rất khó để phấn đấu trong giai đoạn 2023 - 2025 có thêm 25 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Các đại biểu cho rằng, việc triển khai chương trình gặp nhiều khó khăn do chương trình có nhiều dự án, nội dung đầu tư khác nhau được tích hợp từ nhiều chính sách, cần nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện nhưng giai đoạn đầu, các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể.
Nguồn vốn sự nghiệp hàng năm phân bổ chi tiết cho từng dự án, nội dung chi gây khó khăn cho tỉnh cân đối để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình. Công tác chỉ đạo, điều hành một số đơn vị chưa sát sao, phản ứng chính sách chậm, chưa có những giải pháp mang tính đột phá. Công tác phối hợp của một số cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đôi lúc còn chưa kịp thời.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long khẳng định, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Thông qua chương trình, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên đến thời điểm này, mới có 3 địa phương giải ngân được trên 50% vốn theo kế hoạch, 7 địa phương giải ngân dưới 50%.
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn trong năm 2023, phải có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền. Các huyện, thành phố không viện lý do khó khăn về cơ chế, chính sách để chậm triển khai thực hiện các dự án.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện chương trình. Ngay sau hội nghị này, BTV các Thành ủy, Huyện ủy trực thuộc phải tổ chức hội nghị giao ban với UBND để chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở địa phương.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân tham gia chương trình. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho chương trình.
Phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan, chỉ rõ vai trò, trách nhiệm cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp. Chủ động rà soát dự án, công tác khảo sát chuẩn bị dự án sát với thực tế trước khi đầu tư và tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức CT-XH trong giám sát thực hiện chương trình.