Hòa Bình: Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp
(TN&MT) - Với định hướng phát triển công nghiệp bền vững, tỉnh Hòa Bình đã và đang chú trọng đẩy mạnh phát triển hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Theo phương án phát triển các Cụm công nghiệp (CCN) tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn tỉnh được quy hoạch 38 CCN. Trong giai đoạn 2017-2023, có 9 CCN được thành lập với tổng diện tích khoảng 542 ha. Đến nay, có 7 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút được 41 dự án thứ cấp, tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN có dự án thứ cấp đạt 41,93%.
Điển hình như tại CCN Tiên Tiến, xã Quang Tiến, phường Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình được thành lập theo Quyết định số 1123, ngày 22/5/2020 của UBND tỉnh Hòa Bình. Hơn 4 năm qua, chủ đầu tư hạ tầng là Công ty Cổ phần Thương mại Dạ Hợp đã tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Đồng thời, chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật vừa đồng bộ vừa hiện đại để thu hút nhà đầu tư thứ cấp, triển khai dự án với quyết tâm cao và có tiềm lực kinh tế. Đến nay, nhà đầu tư đã giải phóng mặt bằng được 53 ha trong tổng số 63 ha diện tích được quy hoạch. Trong đó, diện tích đất công nghiệp đã đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và đủ điều kiện cho thuê là 34,7 ha. Tính đến cuối tháng 6/2024, CCN Tiên Tiến đã thu hút 30 doanh nghiệp ký hợp đồng thuê đất, cơ bản lấp đầy đất thương phẩm. Ngoài ra, đã có 6 doanh nghiệp triển khai xây dựng nhà máy, 3 doanh nghiệp đang hoạt động, các nhà đầu tư khác đang thực hiện thủ tục đầu tư.
Còn đối với các khu công nghiệp (KCN), những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng các KCN và đạt kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh có 16 KCN được quy hoạch, trong đó có 5 KCN đã có chủ đầu tư hạ tầng, tạo được quỹ đất sạch khoảng 418 ha để thu hút đầu tư. Nổi bật là KCN Lương Sơn và KCN Bờ trái sông Đà, đến nay đã thu hút được nhà đầu tư thứ cấp thuê 100% diện tích đất công nghiệp. Đây cũng là 2 KCN đã đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Các KCN còn lại đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Theo thống kê trong giai đoạn 2017-2023, tổng nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN của tỉnh đạt trên 1.638 tỷ đồng. Đến nay, các KCN đã thu hút khoảng 110 dự án đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong các KCN, việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng công nghiệp chưa đạt kế hoạch đề ra, hạ tầng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp triển khai đầu tư chậm, tỷ lệ lấp đầy diện tích khu, cụm công nghiệp còn thấp, hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp, cụm công nghiệp mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng do nguồn lực còn hạn chế nên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút nguồn lực cho phát triển công nghiệp hiệu quả còn thấp, tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư còn chậm. Số dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đạt kết quả chưa cao, vốn đăng ký đầu tư còn nhỏ.
Để đồng hành cùng các doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình đã có chiến lược phát triển các khu, cụm công nghiệp đến năm 2030 và đã xác định các nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp. Theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025 đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp của tỉnh như sau: "Phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và thực hiện các mục tiêu xã hội, phấn đấu đến năm 2025… Phấn đấu đến năm 2025 diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh".
Để đạt được mục tiêu trên thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như: Chú trọng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường với trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo, chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử, trên cơ sở phát triển các cụm công nghiệp. Phát triển công nghiệp điện năng ứng dụng công nghệ mới, sản xuất xanh, tiêu hao ít nhiên liệu, hiệu suất cao.
Rà soát và xử lý và di dời dứt điểm các dự án sản xuất công nghiệp hoạt động kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, có tác động tiêu cực tới phát triển du lịch và môi trường, sinh thái. Đẩy mạnh phát triển các làng nghề gắn với nguồn nguyên liệu hiện có, thân thiện với môi trường, phục vụ du lịch và xuất khẩu, tiếp tục huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp.
Ngoài ra, tăng cường và đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên. Thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển và thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, nhà văn hóa, nhà trẻ và các công trình phụ trợ đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, tăng cường quy chế phối hợp quản lý nhà nước, quản lý chặt chẽ quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trong các cụm công nghiệp.