Sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường có bài viết “Lạc Thuỷ (Hoà Bình): Buông lỏng quản lý hay tiếp tay cho “đất tặc” đánh cắp tài nguyên?” phản ánh việc những quả đồi tại địa phương này liên tục bị hạ trái phép, những chiếc xe tải hàng chục tấn vô tư vận chuyển đất, khoáng sản qua cổng UBND huyện Lạc Thuỷ đi tiêu thụ tại các nhà máy xi măng. “Đất thổ phỉ” cũng được bán cho Công ty Mỹ Phong để thi công tuyến đường TL438A gây thất thoát, chảy máu tài nguyên. Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thuỷ thừa nhận đây là việc làm sai và các cơ quan báo chí phản ánh là chính xác.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thuỷ thừa nhận việc để Công ty Mỹ Phong sử dụng "đất tặc" là sai và mong PV "thông cảm" để cho Công ty này tiếp tục sử dụng đất khai thác trái phép đi đắp đường. |
“Tôi đã đọc những bài báo do phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường viết, cơ quan báo chí phản ánh hiện tượng nọ kia, xâm hại tài nguyên ở đây là chính xác, đúng với thực tế. Nhưng mỗi một cái thì tôi nói với các anh (PV) thế này thôi, để phục vụ cho công trình thì mình cũng có cái “du di” để phục vụ cho "lợi ích chung". Mục đích bây giờ là "tạo điều kiện" cho Công ty Mỹ Phong làm, còn cái đang làm sai thì các nhà báo cũng chia sẻ cho huyện Lạc Thủy chứ bây giờ chả nhẽ bảo Công ty người ta cuốc đất lộn lại à?”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, việc để Công ty Mỹ Phong lấy đất tại hộ gia đình nhà ông Bùi Văn Lục (thôn Rộc Trụ, xã Khoan Dụ) về mặt thủ tục là không chính xác nhưng vì muốn đẩy nhanh tiến độ nên ông Hải đã cho phép khai thác “đất tặc” mang ra đắp đường.
Chủ tịch UBND huyện Lạc Thuỷ thừa nhận việc để khai thác đất tại hộ gia đình ông Bùi Văn Lục về mặt thủ tục là không được phép. |
“Tôi đồng ý để Công ty khai thác đất tại đây, xét về mặt thủ tục là không đúng. Nhưng vì muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nên tôi đã thống nhất và đồng ý cho Công ty sử dụng lượng đất lớn này để đi đắp đường. Với tư cách là người đứng đầu UBND huyện Lạc Thuỷ, tôi mong các anh (PV) thông cảm, chia sẻ với huyện, mình "đồng lòng" cùng nhau giúp huyện việc đó. Còn nếu các anh cương quyết bảo thế này là đúng, là sai thì chúng tôi cũng khó giải quyết”, ông Hải nói.
Để tiếp tục thông tin được khách quan, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị được cung cấp hồ sơ liên quan đến công tác đấu thầu, báo cáo kinh tế kỹ thuật của tuyến đường TL438. Tuy nhiên lãnh đạo UBND huyện Lạc Thuỷ từ chối cung cấp với lý do sợ lại thông tin “sai đúng, đúng sai”.
Xe của Công ty Mỹ Phong nối đuôi nhau vận chuyển "đất tặc" đi đắp đường. |
Trước đó, Báo Tài nguyên và Môi trường đã thông tin, thời gia qua, người dân tại xã Khoan Dụ (huyện Lạc Thuỷ) liên tục phản ánh về việc hàng ngày có tới cả chục chiếc xe vận tải cỡ lớn có biểu hiện quá khổ quá tải, cơi nới thành thùng len lỏi vào các con đường làng tại địa phương để vận chuyển đất tại khu vực đồi của hộ gia đình nhà ông Bùi Văn Lục mang đi tiêu thụ.
Cụ thể theo ghi nhận, mỗi ngày có tới hàng chục chiếc xe mang logo Công ty Mỹ Phong (Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng thương mại Mỹ Phong) và xe mang logo VIJASUN vô tư vận chuyển đất từ khu đồi nói trên để đi san lấp, thi công tuyến đường TL438A và chở về các nhà máy xi măng tại tỉnh Hà Nam. Những chiếc xe có biểu hiện quá khổ, quá tải, chở vật liệu chất cao có ngọn, có những chiếc xe không che phủ bạt, xe đi tới đâu là kéo theo bụi, đất rơi vãi tới đó gây ô nhiễm môi trường.
Xe mang logo VIJASUN vận chuyển đất, khoáng sản qua cổng huyện Lạc Thuỷ đi tiêu thụ tại các nhà máy xi măng (ảnh cắt từ Video clip). |
Liên quan đến sự việc trên, ông Bùi Mạnh Tường, Giám đốc BQL DA XDCB (Ban quản lý dự án xây dựng cơ bản) huyện Lạc Thuỷ cho biết: Dự án “Trồng, bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bôi và nâng cấp tuyến đê ngăn lũ sông Bôi kết hợp đường giao thông chạy lũ (đoạn cầu Chi Nê, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thuỷ đến xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, Ninh Bình), tỉnh Hoà Bình”, dự án có chiều dài khoảng 7km, tổng mức đầu tư 217 tỷ đồng do UBND huyện Lạc Thuỷ làm chủ đầu tư.
Đất được khai thác vô tội vạ gây ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, gây ô nhiễm môi trường (ảnh cắt từ Video clip). |
Cũng theo ông Tường, để thi công tuyến đường TL438A, đơn vị đã định danh cho Công ty Mỹ Phong khu vực lấy nguyên liệu, còn việc lấy như thế nào, ra sao thì phía Công ty phải tự lo dự toán, tự chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, ngược lại với những gì ông Tường cung cấp, tại biên bản thống nhất vị trí mỏ vật liệu, các đơn vị đã thống nhất cụ thể với nhau, lựa chọn 6 điểm mỏ đã thăm dò, đảm bảo chất lượng để tiến hành thi công đường. Cụ thể mỏ số 1 thuộc hộ ông Nguyễn Mạnh Khâm, mỏ số 2 thuộc hộ ông Nguyễn Mạnh Chính, mỏ số 3 thuộc hộ ông Bùi Minh Khai (cùng thuộc thôn Rộc Trụ, xã Khoan Dụ), mỏ số 4 thuộc hộ ông Hoàng Văn Mạnh, mỏ số 5 thuộc hộ ông Bùi Quang Hoá, mỏ số 6 thuộc hộ ông Quách Văn Quyết (cùng thuộc xã Yên Bồng). Nhưng trên thực tế ghi nhận, Công ty Mỹ Phong không sử dụng đất tại các điểm mỏ được phê duyệt mà sử dụng một số lượng lớn “đất tặc”, khai thác trái phép nhà ông Bùi Văn Lục ở thôn Rộc Trụ 2 (xã Khoan Dụ) để thi công.
Mặc dù đã thống nhất cụ thể 6 điểm mỏ để khai thác đất phục vụ thi công tuyến đường thế nhưng huyện Lạc Thuỷ và Công ty Mỹ Phong lại lựa chọn sử dụng "đất tặc". |
Từ những sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ, xử lý nghiêm hành vi khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép và việc buông lỏng quản lý của chính lãnh đạo địa phương để “đất tặc” ngày đêm lộng hành.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.