Hồ chứa quặng đuôi – nỗi lo tiềm ẩn

Phạm Thu Hà| 13/04/2020 15:14

(TN&MT) - Quặng đuôi là chất thải hình thành trong quá trình tuyển quặng, bao gồm cả dạng rắn và lỏng. Các loại quặng đuôi này thường được thải vào hồ, đập. Đã có nhiều sự cố liên quan đến hồ thải quặng đuôi, nhất là khi thời tiết mưa bão, làm vỡ hoặc rò rỉ nước trong hồ, gây ô nhiễm môi trường, thậm chí là đe dọa đến tính mạng con người.

Đã có nhiều sự cố xảy ra

Ngành khai thác chế biến khoáng sản còn là một trong những ngành công nghiệp gây ra nhiều sự cố môi trường nhất và các sự cố đã xảy ra chủ yếu liên quan đến các đập, hồ thải chứa quặng đuôi từ chế biến các loại khoáng sản khác nhau. Các chất độc hại bao gồm các kim loại nặng, axit, sulphate, .... từ chất thải đã theo nguồn nước từ khu vực mỏ gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm.

Ảnh hưởng do sự cố tràn chất thải hoặc sự cố chất ô nhiễm phát sinh từ chất thải chứa trong các hồ, đập thải quặng đuôi này đã tác động đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng ngay trong quá trình hoạt động chế biến và kéo dài cả khi đã ngừng hoạt động.

Theo tài liệu của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, cả nước hiện có 120 hồ thải quặng đuôi với 109 đập chắn bãi thải thuộc 59 doanh nghiệp tuyển quặng đang hoạt động trên địa bàn 16/63 tỉnh, thành phố. Trong số 59 doanh nghiệp tuyển quặng có 31 doanh nghiệp tuyển quặng sắt, 15 doanh nghiệp tuyển quặng chì - kẽm, 6 doanh nghiệp tuyển quặng thiếc, 4 doanh nghiệp tuyển quặng đồng, 1 doanh nghiệp tuyển quặng apatit, 2 doanh nghiệp tuyển quặng bô-xít.

Vỡ hồ chứa nước thải tại Quảng Nam

Đa số các hồ, đập quặng đuôi nằm trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc. Ước tính số lượng hồ thải trên 04 tỉnh: Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai đã chiếm trên 50% tổng số hồ thải quặng đuôi trên cả nước, trong đó Bắc Kạn là địa phương có nhiều hồ đập quặng đuôi nhất với 21 hồ chứa.

Các hồ chứa có dung tích đa dạng từ vài chục nghìn đến hàng triệu m3 tuỳ thuộc vào công suất khai thác trong đó đa số các hồ chứa có dung tích vài trăm m3. Trên cả nước hiện có 10 hồ chứa có dung tích trên 1 triệu m3 thuộc 7 công ty trên địa bàn 5 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Đắc Nông, Lâm Đồng trong đó có 8 hồ đã đi vào hoạt động, chứa lượng bùn từ 30 đến 100% dung tích hồ chứa.

Từ 2014 đến nay đã xảy ra 4 vụ vỡ đập lớn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đó là Công ty Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng), Công ty Nhôm Lâm Đồng (tỉnh Lâm Đồng), Công ty Apatit Việt Nam ( tỉnh Lào Cai), Công ty Đầu tư và Khoáng sản Tây Bắc (tỉnh Yên Bái). Đặc biệt, năm 2018, vụ vỡ hồ chứa nước thải Xưởng chế biến tận thu kim loại và xử lý môi trường của Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666 tại xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) đã khiến vườn tược của hàng trăm hộ dân ô nhiễm. Các vụ vỡ đập này không gây thiệt hại về người, tuy nhiên đều ảnh hưởng đến đất nông nghiệp, nhà cửa của người dân quanh khu vực.

Cần có quy định, pháp lý cụ thể, chặt chẽ

Từ thực tế trên cho thấy, vấn đề quản lý an toàn hồ thải quặng đuôi cần được đầu tư nghiên cứu đúng mức, cả trên lĩnh vực pháp lý và kỹ thuật vận hành, trách nhiệm của doanh nghiệp khi xảy ra sự cố.

Nhà nước đã ban hành một số chính sách và pháp luật để hỗ trợ công tác quản lý, kiểm soát rủi ro, sự cố và ô nhiễm môi trường từ các hồ đập chứa quặng đuôi trong chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, các quy định trong các văn bản pháp lý này còn rất hạn chế và chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn tới việc quản lý hồ đập thải quặng đuôi gặp nhiều vướng mắc, hạn chế.

Phần lớn các quy định pháp lý chỉ áp dụng cho các hoạt động của ngành công nghiệp nói chung mà ít chú ý đến đặc thù của hoạt động khoáng sản cũng như các tác động môi trường tiềm tàng của nó. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cũng để áp dụng chung cho ngành công nghiệp mà chưa xem xét đến yếu tố đặc thù của ngành khai thác, chế biến khoáng sản.

Các chuyên gia trong ngành khoáng sản đã nhận định, đối với dự án có phát sinh quặng đuôi hiện đang hoạt động hoặc đóng cửa, cần có đánh giá, phân loại riêng. Nếu quặng đuôi thuộc nhóm chất thải nguy hại, cần tiến hành các nghiên cứu kỹ về khả năng ổn định về hóa học để tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường nước ngầm, nước mặt. Nếu quặng đuôi không thuộc nhóm chất thải nguy hại thì tuần hoàn tối đa lượng nước trên hồ, đập thải để giảm thiểu nguy cơ rủi ro mất an toàn hoặc sử dụng để lấp moong khai thác đã kết thúc.

Còn các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản thì cho rằng, cần có cơ chế tài chính khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp khoáng sản ứng dụng công nghệ thải bằng 0, tuần hoàn, tái sử dụng toàn bộ quặng đuôi hoặc công nghệ thải làm giảm thiểu khả năng gây nguy cơ rủi ro sự cố như thải khô, thải chồng lớp…;

Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp khoáng sản ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu tận thu các thành phần có giá trị còn trong quặng đuôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồ chứa quặng đuôi – nỗi lo tiềm ẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO