Hộ chiếu Vườn quốc gia - Sáng kiến độc đáo bảo tồn rừng
(TN&MT) - Với mục tiêu tạo cơ chế thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, Việt Nam lần đầu tiên thí điểm thực hiện sáng kiến “Hộ chiếu Vườn quốc gia”. Hộ chiếu Vườn quốc gia nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng đến việc bảo tồn các giá trị bền vững của hệ sinh thái rừng, tăng cường ý thức bảo vệ môi trường.
Tạo đà cho Vườn quốc gia phát triển du lịch
Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp, Việt Nam có trên 14,86 triệu ha rừng với tiềm năng phong phú, đa dạng về các giá trị hệ sinh thái rừng. Trong những năm qua, ngành lâm nghiệp đã thúc đẩy chủ trương "xã hội hoá nghề rừng" bằng nhiều cơ chế, chính sách. Cụ thể, trong quan điểm tại Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ: "...có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển lâm nghiệp".
Chia sẻ tại Lễ khởi động sáng kiến Hộ chiếu vườn quốc gia trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác công – tư phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam triển khai sáng kiến này, với mục tiêu tạo cơ chế thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Hộ chiếu Vườn quốc gia tạo động lực cho du khách trải nghiệm và khám phá các giá trị của hệ sinh thái rừng.
Từ đó, từng bước hình thành cơ chế tài chính bền vững và tạo đà cho các vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên có cơ sở hạ tầng du lịch có lượt du khách đến tham quan, đồng thời thu hút sự quan tâm của cộng đồng đến các giá trị bền vững của hệ sinh thái.
Ông Nguyễn Văn Thái cho rằng, hộ chiếu Vườn quốc gia sẽ là cầu nối con người với thiên nhiên. Hộ chiếu Vườn quốc gia sẽ tăng cường ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc thúc đẩy du khách chấp nhận và tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Quảng bá văn hóa và giáo dục qua việc kích thích sự hiểu biết về giá trị văn hóa và tự nhiên của vùng.
Bên cạnh đó, Hộ chiếu Vườn quốc gia thúc đẩy hoạt động du lịch, tạo thêm động lực, khuyến khích du khách trải nhiệm nhiều hơn tại các vườn quốc gia trên mỗi vùng miền. Điều này tạo nguồn thu nhập bền vững, hỗ trợ cộng đồng địa phương và bảo tồn hóa vùng lân cận với vườn quốc gia; thúc đẩy các hoạt động giáo dục môi trường, bảo tồn hệ sinh thái rừng.
Trong giai đoạn đầu, hộ chiếu vườn quốc gia được áp dụng tại 34 vườn quốc gia thuộc hệ thống rừng đặc dụng có hoạt động du lịch. Khách du lịch trong nước và quốc tế có thể sở hữu hộ chiếu bằng hình thức bản giấy hoặc hộ chiếu điện tử.
Có hộ chiếu vườn quốc gia, khách du lịch nhận được những lợi ích về sức khỏe và tinh thần thông qua việc trải nghiệm thiên nhiên; được trang bị các kiến thức và truyền cảm hứng để hành động cùng bảo tồn thiên nhiên; có cơ hội nhận các giải thưởng từ chương trình khi tích cực tham quan trải nghiệm các vườn quốc gia; có cơ hội nhận các ưu đãi dịch vụ khi tham gia du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia.
Với hộ chiếu vườn quốc gia, hoạt động du lịch sinh thái tại vườn quốc gia được quảng bá rộng rãi thông qua app, cuốn hộ chiếu và chia sẻ trên các kênh truyền thông của chương trình; tăng số lượng khách đến tham quan, trải nghiệm; tăng các địa điểm và loại hình trải nghiệm để khuyến khích du khách tích điểm; thúc đẩy việc hoàn thiện và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Cầu nối con người đến với thiên nhiên
Tại Việt Nam, hiện có một số vườn quốc gia thực hiện tốt hoạt động du lịch trải nghiệm, chẳng hạn Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đón khoảng 700.000 lượt khách năm 2023, hay Vườn quốc gia Côn Đảo có hơn 500.000 lượt khách.
Theo ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, nhờ các hoạt động du lịch sinh thái đa dạng mà Ban quản lý cũng như người dân Côn Đảo có thu nhập bền vững, đồng thời thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Hiện nay, Côn Đảo đang thúc đẩy thực hiện đề án kinh tế tuần hoàn, do vậy, phát huy, quản lý sử dụng, khai thác tiềm năng, giá trị đa dụng của Vườn quốc gia Côn Đảo không chỉ phù hợp với định hướng của địa phương, mà còn mang lại giá trị cho ngành du lịch, thu nhập và việc làm cho người dân.
Ông Nguyễn Khắc Pho khẳng định, sáng kiến cấp Hộ chiếu vườn quốc gia được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều cảm hứng cho du khách khi đến với Côn Đảo, giúp du khách ghi dấu những hành trình về với thiên nhiên, khám phá vườn quốc gia trên cả nước.
Thông qua chương trình từng bước hình thành cơ chế tài chính bền vững, tạo đà cho các vườn quốc gia thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái... vì vậy, ông Nguyễn Khắc Pho cam kết sẽ tuyên truyền, phổ biến rộng rãi sáng kiến này trong thời gian sớm nhất.
Đánh giá cao sáng kiến Hộ chiếu Vườn quốc gia, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan mong muốn những tấm hộ chiếu này sẽ góp thêm những nguồn lực mới hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm, lực lượng quản lý bảo vệ rừng.
"Chúng ta cần tìm cách phát triển, nâng cao quá trình hợp tác công tư, làm thế nào để 34 vườn quốc gia vươn xa, phát triển giá trị đa dụng của rừng. Tôi hy vọng, với hộ chiếu vườn quốc gia, chúng ta sẽ giữ rừng bằng một cách khác, để chúng ta giàu hơn, làm giàu không chỉ bằng tiền mà bằng cảm xúc, sự thoải mái khi về với rừng" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Tin tưởng vào thành công của sáng kiến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ trưởng đã gửi tài liệu về hộ chiếu vườn quốc gia tới các đại biểu Quốc hội, địa phương có rừng, cũng như doanh nghiệp chế biến, thương mại gỗ và lâm sản ngoài gỗ. "Họ rất hồ hởi", Bộ trưởng phỏng đoán rằng, tấm hộ chiếu kia có vẻ đã “phá vỡ một rào cản nào đó", hoặc "xây một cây cầu tới thiên nhiên" trong suy nghĩ của số đông mọi người.
Hộ chiếu vườn quốc gia là một trong những bước đi đầu tiên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, được Thủ tướng phê duyệt ngày 29/2/2024.
Thông qua bước đi này, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn nguồn thu từ hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí từ các hệ sinh thái rừng sẽ tăng 50% so với năm 2020 vào năm 2030 và 100% vào năm 2050, theo đúng mục tiêu Đề án đặt ra.