Môi trường

Hành trình theo đuổi Danh lục Xanh của Vườn Quốc gia Cát Tiên

Minh Hạnh (thực hiện) 03/07/2024 - 15:45

Sau nhiều năm nỗ lực theo đuổi bộ tiêu chí khắt khe gồm 50 chỉ số, vào tháng 6 vừa qua, Vườn Quốc gia Cát Tiên đã chính thức được trao danh hiệu Danh lục Xanh IUCN, trở thành vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam nhận danh hiệu này.

Kể lại hành trình theo đuổi Danh lục Xanh, ông Phạm Hữu Khánh – nguyên Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Vườn Quốc gia Cát Tiên, một trong những thành viên soạn thảo hồ sơ Danh lục Xanh – đã có những chia sẻ với báo Tài nguyên và Môi trường về những nỗ lực của Vườn quốc gia Cát Tiên.

anh-1.jpg
Ông Phạm Hữu Khánh – nguyên Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Vườn Quốc gia Cát Tiên, một trong những thành viên soạn thảo hồ sơ Danh lục Xanh (Ảnh: Sài Gòn tiếp thị)

PV: Danh lục Xanh IUCN là khái niệm vẫn còn tương đối mới. Xin ông chia sẻ về lý do Vườn Quốc gia Cát Tiên tham gia chương trình này và vườn đã chuẩn bị những gì khi tham gia Danh lục Xanh?

Ông Phạm Hữu Khánh: Vườn Quốc gia Cát Tiên đã được tiếp cận Danh lục xanh từ năm 2016. Ngay từ đầu, Vườn đã nhận thức được việc tham gia Danh lục Xanh sẽ giúp tăng cường hiệu quả quản lý theo chuẩn mực quốc tế, nên toàn thể cán bộ, nhân viên của Vườn đều quyết tâm theo đuổi danh hiệu này.

Năm 2018, chúng tôi lập trang COMPASS – cổng trực tuyến của IUCN để tổng hợp tư liệu liên quan tới hoạt động bảo tồn theo Danh lục Xanh. Để thực hiện công việc này, đầu tiên, Vườn phải xây dựng kế hoạch tập hợp tài liệu, chứng cứ về hiệu quả quản lý, bảo tồn và thành lập một tổ công tác Danh lục Xanh.

Khi ấy, tôi đang làm Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế và được Giám đốc Vườn giao làm cán bộ đầu mối tham gia chương trình. Đối với tôi, đây cũng là một nhiệm vụ rất mới. Quá trình tìm hiểu bộ tiêu chí Danh lục Xanh, có những thuật ngữ tôi còn chưa hiểu rõ, nên cần tham gia học hỏi, chia sẻ với các chuyên gia của IUCN và chuyên gia EAGL (chuyên gia đánh giá Danh lục Xanh) và những người thẩm định. Thông qua các hội thảo tập huấn, khi đã hiểu hơn về Danh lục Xanh, tôi bắt đầu trao đổi với anh em trong Vườn để phân công xây dựng hồ sơ.

Trong các tiêu chí, một vấn đề được Vườn và cả phía IUCN quan tâm là tham vấn cộng đồng. Do đó, trong khâu xây dựng kế hoạch quản lý, bảo tồn, Vườn cũng quy định phải có sự tham vấn cộng đồng. Khi theo đuổi Danh lục Xanh, Vườn đã triển khai nhiều hoạt động như giao khoán cho cộng đồng bảo vệ rừng, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Để triển khai hiệu quả hoạt động này, Vườn đã chủ động tìm hiểu nguyện vọng của người dân, xác định nhu cầu, đối tượng tham vấn, chủ động ghi nhận ý kiến cộng đồng, cập nhật trong kế hoạch của vườn. Cách tiếp cận này đã đạt nhiều hiệu quả tốt.

PV: Danh hiệu Danh lục Xanh chú trọng đến 3 nội dung: Quản trị tốt, lợi ích cộng đồng và bảo tồn. Vậy Vườn Quốc gia Cát Tiên đã thay đổi ra sao để đáp ứng những yêu cầu này, thưa ông?

Ông Phạm Hữu Khánh: Quản trị tốt, lợi ích cộng đồng và bảo tồn là những điểm mấu chốt để xây dựng được một khu bảo tồn thiên nhiên bền vững.

Về quản trị tốt, Vườn quốc gia Cát Tiên được sự quản lý trực tiếp bởi Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và có sự tham gia của chính quyền UBND 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước. Để đảm bảo quá trình quản trị hiệu quả, Vườn đã xác định ranh giới rõ ràng trên bản đồ và thực địa, do đó, không có sự tranh chấp đất đai với cộng đồng dân cư sinh sống tại chỗ.

Tiếp theo, Vườn đã xây dựng kế hoạch quản lý, có sự tham vấn của cộng đồng và chính quyền địa phương. Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn năm 2021-2030 là một tài liệu quan trọng và cần thiết, chứng minh Vườn có kế hoạch quản lý dài hạn nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị cơ bản của Vườn quốc gia

vgq-cat-tien-.jpeg
Các chuyên gia EAGL xem xét đánh giá hồ sơ Danh lục Xanh Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh nhân vật cung cấp

Về lợi ích cho cộng đồng, Vườn quan tâm đến công tác phát triển vùng đệm, hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân địa phương, giảm sức ép vào rừng, qua đó bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học và giá trị văn hóa địa phương.

Trong đó, Vườn đã tổ chức hội thảo, tuyên truyền nâng cao nhận thức để giảm bớt sử dụng các sản phẩm từ động thực vật hoang dã, tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại với cộng đồng với nhiều chuyên đề như xây dựng các giải pháp ngăn chặn nạn chăn thả gia súc trong rừng; nâng cao cái hiệu quả dịch vụ môi trường rừng với công tác giao khoán rừng; giảm rác thải ở các khu dân cư, … Qua các cái diễn đàn này, Vườn được lắng nghe ý kiến, quan điểm của người dân về công tác bảo tồn cũng như những mối quan tâm của họ. Ngược lại, người dân địa phương tại các thôn được phổ biến kiến thức về Luật Lâm nghiệp và những hành vi vi phạm pháp luật.

Về lợi ích cho cộng đồng dân cư vùng đệm, Vườn đã có các chương trình hỗ trợ sinh kế như giao khoán bảo vệ rừng, có nguồn thu từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, tham gia dịch vụ du lịch cộng đồng (homestay); hỗ trợ cây giống có giá trị cao (sầu riêng, điều cao sản hoặc cây bơ) để phát triển kinh tế; hỗ trợ giống cỏ trồng thâm canh để chăn nuôi gia súc; tập huấn trồng nấm thực phẩm, nấm dược liệu…

Về hoạt động bảo tồn, nhiệm vụ chính của Vườn là bảo tồn nguyên vẹn và phát huy các giá tri hệ sinh thái rừng và bảo tồn các loài động thực vật nguy cấp, đặc hữu.

Trong bảo tồn rừng, Vườn đã phân giao địa bàn cho các trạm kiểm lâm bảo vệ. Đến nay, Vườn có 22 trạm trạm kiểm lâm, mỗi trạm đóng ở một khu vực xung yếu, có nhiệm vụ quản lý một diện tích nhất định. Để tăng hiệu quả bảo tồn, Vườn cũng ký kết hợp tác với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong bảo vệ rừng, phối hợp truy quét các vụ vi phạm rừng. Nhờ vậy, các vụ vi phạm khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng đã được kiểm soát.

Trong nỗ lực bảo tồn loài, Cát Tiên đã thực hiện thành công nhiều chương trình, như phục hồi loài cá sấu nước ngọt tại Bầu Sấu từ năm 2000-2005. Ban đầu, Vườn tái thả 60 cá thể bố mẹ trưởng thành sau khi đã kiểm tra ADN thuần chủng và huấn luyện phục hồi bản năng tự nhiên. Đến nay, số lượng cá sấu trong tự nhiên đã tăng lên hơn 600 cá thể. Cá sấu nước ngọt cũng là loài đặc hữu của Việt Nam, giờ chỉ còn ở Cát Tiên.

Vườn cũng chủ động thực hiện công tác nghiên cứu giám sát đa dạng sinh học từ năm 1999, với sự tham gia hỗ trợ của các cái chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, sử dụng công nghệ hiện đại như flycam, GPS, trapping camera… bắt đầu từ nhóm chim nước, nhóm chim họ trĩ, sau đó mở rộng ra các nhóm các loài chủ yếu khác như gõ đỏ, cẩm lai, cá sấu nước ngọt, voi châu Á, bò tót, nai, thú ăn thịt nhỏ; triển khai hiệu quả chương trình cải thiện sinh cảnh trảng cỏ cho các loài thú móng guốc, cải thiện sinh cảnh khu đất ngập nước Ramsar Bầu Sấu hàng năm cho cá sấu nước ngọt, các loài chim nước, các loài động thực vật thủy sinh…

Ngoài ra, Vườn cũng đa dạng hóa nguồn thu thông qua phát triển du lịch sinh thái; chú trọng hợp tác quốc tế, xây dựng các dự án tăng cường nguồn lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Vườn cũng chủ động tự xây dựng dự án, kêu gọi sự hỗ trợ nguồn lực từ bên ngoài.

vqg-cat-tien-4.jpg
Vườn Quốc gia Cát Tiên được trao danh hiệu Danh lục Xanh ngày 21/6/2024

PV: Sau khi được trao chứng nhận Danh lục Xanh, Vườn Quốc gia Cát Tiên có kế hoạch gì tiếp theo trong tương lai để tiếp tục phát huy thành quả bảo tồn đa dạng sinh học, thưa ông?

Ông Phạm Hữu Khánh: Danh lục xanh IUCN là danh hiệu có điều kiện. Sau khi nhận danh hiệu này, Vườn sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết thực hiện các khuyến nghị của IUCN để duy trì danh hiệu. Đồng thời, vườn tiếp tục quảng bá hình ảnh Vườn là địa điểm Danh lục Xanh cho thế giới và trong nước.

Ngoài ra, Vườn cũng sẽ trao đổi, chia sẻ thành quả, kinh nghiệm cho các khu bảo tồn ở Việt Nam và trên thế giới để hỗ trợ họ tăng cường quản trị và quản lý khu vực cần thiết. Trong thời gian tới, IUCN sẽ có đánh giá giữa kỳ và sau 5 năm tiếp tục đánh giá và có thể gia hạn cho vườn.

Danh lục Xanh vẫn là một danh hiệu mới mẻ ở Việt Nam. Do đó, bên cạnh các hướng dẫn của IUCN, Chính phủ nên xem xét có văn bản hướng dẫn cụ thể để các khu bảo vệ có thể tiếp cận và thực hiện bộ tiêu chuẩn Danh lục xanh IUCN một cách dễ dàng hơn.

PV: Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình theo đuổi Danh lục Xanh của Vườn Quốc gia Cát Tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO