Mô hình thiết thực
Từ lâu, cây tràm và cây bần được người dân chọn trồng ven các tuyến sông, kênh, rạch để giữ phù sa, chống xói mòn đất. Với những đặc tính trên, Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang đã nghiên cứu, kết hợp những tính toán khoa học rồi đưa vào thí điểm các mô hình kè sinh thái chống sạt lở. Qua đó, mong tìm ra một giải pháp tiết kiệm nhất để phòng sạt lở đất bờ sông thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình đã dần chứng minh được hiệu quả và nhận được sự tin cậy cao từ người dân.
Kè sinh thái chi phí thấp, chống sạt lở hiệu quả. Ảnh minh họa |
Vừa qua, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) phối hợp với xã Hiệp Hưng ra quân thực hiện kè sinh thái ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, với chiều dài trên 200m. Kè được thực hiện theo hình thức dùng đất gia cố điểm có nguy cơ sạt lở, trồng tràm để giữ đất. Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 30 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.
Những năm gần đây, phong trào làm kè sinh thái ở huyện Phụng Hiệp rất được người dân hưởng ứng. Tính đến nay, toàn huyện đã có 46.000m2 kè sinh thái, kinh phí thực hiện trên 5 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 80%. Riêng năm 2020, huyện Phụng Hiệp hoàn thành chỉ tiêu thực hiện 1.500m kè sinh thái.
Cùng với đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cũng vừa phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện thí điểm làm kè sinh thái chống sạt lở tại ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành.
Tuyến lộ ven sông Cái Dầu, ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu được đánh giá có nguy cơ sạt lở cao do tác động dòng chảy nên huyện Châu Thành chọn thực hiện thí điểm mô hình tại đây với việc dùng đất gia cố đoạn nguy cơ sạt lở, đồng thời trồng các loại cây bần và tràm để giữ đất. Ước tổng chi phí thực hiện mô hình trên 250 triệu đồng.
Theo đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, do huyện Châu Thành có địa hình phức tạp, nguy cơ sạt lở cao nên trước đó ngành nông nghiệp huyện đã triển khai cho các địa phương vận động người dân và các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia thực hiện mô hình kè sinh thái. Từ tính khả thi của mô hình, đến nay nhiều địa phương trong huyện đã thực hiện tốt, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống sạt lở, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Trạm Thủy lợi huyện Long Mỹ cũng vừa phối hợp với xã Thuận Hưng thực hiện mô hình kè sinh thái chống sạt lở ở 1 đoạn kênh 10 Thước, thuộc ấp 8, xã Thuận Hưng, với chiều dài 120m. Kè được làm bên ngoài là phần cừ tràm và một lớp polime kỹ thuật để chắn sóng. Phía trong là phần đất được trồng cây cà na với khoảng cách giữa các cây là 3m. Kinh phí thực hiện khoảng 7 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, Trạm Thủy lợi huyện Long Mỹ đã phối hợp thực hiện hơn 7km kè sinh thái tại các xã, thị trấn, góp phần trong việc hạn chế sạt lở bờ sông, bờ kênh.
Ứng dụng phù hợp với từng vùng
Qua khảo sát thực tiễn, tỉnh Hậu Giang và các ngành đánh giá 3 ưu điểm chính mà kè sinh thái chống sạt lở mang lại là hạn chế xói mòn, sạt lở đất bờ sông, góp phần vào tỷ lệ che phủ rừng và thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. UBND huyện Phụng Hiệp cũng thống nhất cao với giải pháp kè sinh thái do Chi cục Thủy lợi tỉnh triển khai. Thời gian qua, kè sinh thái được người dân huyện ứng dụng để phòng xói mòn đất bờ sông, tạo môi trường xanh, trong lành.
Có thể nói, trong giai đoạn biến đổi khí hậu như hiện nay thì việc nghiên cứu đầu tư kè sinh thái rất hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Đồng thời, mô hình rất phù hợp với tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, kè sinh thái chống sạt lở mang đến rất nhiều hiệu quả thực tiễn. Khi triển khai đúng hướng dẫn, kè giúp chống sạt lở, đặc biệt các tuyến sông, kênh có trục giao thông chính làm góp phần giảm kinh phí duy tu bảo vệ đường, xử lý các điểm đã sạt lở. Môi trường được bảo vệ do diện tích cây xanh tăng lên.
Mặt khác, góp phần xây dựng nông thôn mới, tạo điểm nhấn trong cách làm du lịch nông nghiệp. Ổn định thị trường cung ứng vật tư xây dựng; về lâu dài tạo mặt bằng gia cố mái kênh, thuận tiện trong việc nạo vét lòng kênh, vì đa số các tuyến kênh đã bồi lắng nhưng không có mặt bằng thi công.
Đặc biệt, giải pháp này có kinh phí rất thấp, huy động được sức dân, có sự tham gia của người dân, có tính xã hội hóa rất cao. Ngân sách chỉ mang tính kích thích định hướng cho việc triển khai mô hình. Riêng người dân sẽ có thêm thu nhập khi tham gia mô hình thu lợi từ cây trồng, chống lãng phí nguồn tài nguyên đất.
Mặc dù vậy, để công tác phòng sạt lở hiệu quả cần có sự tham gia tích cực từ người dân. Việc đầu tư kè kiên cố thực hiện tại các khu vực đông dân cư, trụ sở UBND các xã, chợ góp phần chỉnh trang đô thị, nhưng tùy khu vực mà có quy mô kè khác nhau. Riêng kè sinh thái thích hợp thực hiện trên các tuyến sông, kênh ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, tùy khu vực có biên độ triều khác nhau, cấp kênh khác nhau, lưu lượng tàu thuyền lưu thông khác nhau mà có tính toán triển khai phù hợp.