Chương trình PforR được triển khai tại 240 xã thuộc 8 tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có tỉnh Quảng Ninh với mục tiêu cụ thể là cấp nước sạch cho 1,7 triệu người dân nông thôn. Chương trình cũng dự kiến có khoảng 1,3 triệu người được hưởng lợi ích chung, đồng thời kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về nước sạch và vệ sinh.
Trạm cấp nước sạch sinh hoạt cho bà con nông dân tại xã Nguyễn Huệ, TX.Đông Triều |
Tại Quảng Ninh, Chương trình đề ra mục tiêu sẽ đầu tư xây dựng mới 36.000 điểm đấu nối nước hộ gia đình và xây dựng, cải tạo gần 13.300 nhà tiêu hợp vệ sinh. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 100% khối lượng công việc. Hiện toàn tỉnh đã có 10/10 công trình cấp nước sinh hoạt hoàn thành với tổng công suất thiết kế là 15.390m3/ngày đêm, cấp nước sạch đạt quy chuẩn 2 của Bộ Y tế và cung cấp nước sinh hoạt cho trên 20 nghìn hộ dân vùng nông thôn tại 16 xã thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.
Trong đó, nhiều công trình cấp nước tập trung đang phát huy tốt hiệu quả tại các địa phương như: Hồng Thái Đông - Hồng Thái Tây, TX.Đông Triều; Hiệp Hòa, TX.Quảng Yên; Đông Hải - Đông Ngũ, huyện Tiên Yên; Tân Bình, huyện Đầm Hà; Hải Tiến - Hải Đông - Quảng Nghĩa, TP.Móng Cái…Những công trình cấp nước đang hàng ngày cung cấp nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân vùng nông thôn, miền núi vốn có điều kinh tế khó khăn.
Hộ anh Phạm Văn Chuyên ở thôn 3, xã Hoàng Tân, TX.Quảng Yên sử dụng nước sinh hoạt từ Chương trình PforR |
Với trên 36.000 đầu mối cấp nước đang hoạt động đã góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chuẩn trên địa bàn Quảng Ninh tăng lên 35% so với thời điểm trước khi triển khai Chương trình. Con số này cũng góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới đối với tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với đó, Chương trình PforR còn mang lại lợi ích quan trọng, từng bước góp phần nâng cao nếp sống văn hóa, văn minh, ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, xóa bỏ dần tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh của người dân, nhất là người dân vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có gần 14.000 nhà tiêu hợp vệ sinh được xây mới, bằng 102,6% chỉ tiêu được giao, tăng 13,1% số hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh so với thời điểm trước khi triển khai Chương trình.
Bên cạnh đó, Chương trình PforR tại Quảng Ninh cũng đã tổ chức gần 2.000 buổi truyền thông cho trên 13 nghìn lượt người tham gia, cấp phát khoảng 3.000 ấn phẩm sách, ảnh nội dung tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm nâng cao nhận thức, hành vi của người dân trong sử dụng, bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước, xây dựng nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh.
Công trình cấp nước sạch tại xã Dực Yên, huyện Đầm Hà với công suất trên 1.300m3/ngày,đêm. |
Là một trong số các hộ được thụ hưởng từ Chương trình PforR, anh Phạm Văn Chuyên, thôn 3, xã Hoàng Tân, TX.Quảng Yên cho biết, trước đây vào mùa khô, nhiều khi gia đình phải dùng nước từ ao, đầm để giặt quần áo, từ khi có chương trình nước sạch, cũng như được cán bộ của Chương trình PforR tuyên truyền, đã giúp cho gia đình có nguồn nước sạch để sinh hoạt hàng ngày, cũng như ý thức được trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác thải, thường xuyên vệ sinh trong nhà cũng như đường làng, ngõ xóm.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, Đặng Huy Hậu đã khẳng định, Chương trình đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và cải thiện nhận thức, ý thức về môi trường cho nhiều hộ dân nông thôn, miền núi. Để chương trình phát huy hiệu quả lâu dài, các đơn vị quản lý cần thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng, làm tốt công tác quản lý các công trình cấp nước, góp phần bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân vùng nông thôn.