Phát huy giá trị của lâm sản sạch
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh lâm nghiệp, tỉnh Lào Cai đã tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ người trồng rừng tham gia chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rừng trồng, đạc biệt là các sản phẩm lâm nghiệp sạch.
Sản xuất lâm nghiệp sạch nghĩa là trong quá trình canh tác, không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, không được đốt thực bì… gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lâm sản sạch đang là tấm vé thông hành giúp các sản phẩm từ gỗ rừng trồng Lào Cai “xuất ngoại”, chinh phục những thị trường khắt khe nhất.
Tại Bảo Yên Lào Cai Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên đã liên kết với hơn 1.000 hộ trên địa bàn 15 xã, thị trấn của huyện Bảo Yên trồng hơn 3.000 ha. Người dân phải trồng rừng theo tiêu chuẩn lâm nghiệp sạch FSC, không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, không được đốt thực bì…; doanh nghiệp cung ứng giống chất lượng cao, phân bón hữu cơ, tập huấn quy trình trồng, chăm sóc, khai thác gỗ đạt kết quả cao, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.
Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lâm sản sạch đang là tấm vé thông hành giúp các sản phẩm từ gỗ rừng trồng Lào Cai “xuất ngoại”, chinh phục những thị trường khắt khe nhất |
Ông Phạm Huy Thông, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên cho biết: Việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn FSC sẽ đáp ứng các yêu cầu của thị trường về nguồn gốc, xuất xứ gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp, đồng thời đáp ứng Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của tỉnh. Trồng rừng theo chuỗi tiêu chuẩn FSC sẽ gia tăng lợi ích trên cả 3 phương diện: Bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người sản xuất và an sinh xã hội. Minh chứng rõ nét chính là sản lượng gỗ tăng từ 2 đến 2,5 lần so với trước đây, giá bán gỗ có chứng chỉ FSC tăng từ 15- 20%/m3 (tăng từ 150.000 đến 200.000 đồng/m3 gỗ) so với gỗ không có chứng chỉ, doanh thu bình quân tăng 45 - 50 triệu đồng/ha/chu kỳ kinh doanh (8 - 10 năm).
Tiếp đến là chuỗi liên kết trong trồng, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm quế. Diện tích quế toàn tỉnh hiện đạt gần 33.000 ha (chiếm khoảng 45% diện tích rừng trồng sản xuất). Tại các địa phương trọng điểm, trồng quế đã hình thành gần 40 tổ, nhóm cùng sở thích trồng quế, với hơn 1.600 hộ tham gia. Trên địa bàn tỉnh có 9 doanh nghiệp, hợp tác xã đã liên kết với hơn 28.000 hộ trồng quế, tổng diện tích khoảng 36.000 ha, sản lượng tiêu thụ hơn 1.000 tấn vỏ quế khô; 12.000 tấn cành, lá quế; 20 tấn hạt; gần 10.000 m3 gỗ/năm. Nhờ các mối liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây quế đã đáp ứng số lượng và chất lượng của doanh nghiệp, hợp tác xã nên thị trường tiêu thụ được mở rộng, giá bán ổn định, nhờ đó thu nhập của người trồng quế cũng tăng 15% - 20% so với trước đây.
Hiệu quả trồng rừng được nâng cao
Theo thông kê toàn tỉnh Lào Cai hiện có gần 72.000 ha rừng sản xuất, mỗi năm khai thác từ 3.000 đến 5.000 ha, sản lượng gỗ đạt hơn 350 m3/năm, thu từ gỗ và lâm sản đạt hơn 1.350 tỷ đồng/năm, dư địa để phát triển kinh tế lâm nghiệp còn khá lớn. Tuy nhiên, nếu phát triển trồng rừng theo tập quán cũ với diện tích manh mún, sử dụng giống địa phương dễ trồng nhưng giá trị thấp… thì ngành lâm nghiệp khó thu hút người dân và các thành phần kinh tế tham gia. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu trong lĩnh vực lâm nghiệp với chủ trương gắn phát triển rừng với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng rừng.
Rừng trồng của Lào Cai được phát triển, chăm sóc và bảo vệ nhờ chuỗi liên kết tiêu thụ lâm sản |
Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 16 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lâm sản với 14 công ty, doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và hơn 5.000 hộ tham gia, qua đó mang lại giá trị cao hơn cho lâm sản.
Việc hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ lâm sản tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, đây là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển. Sản xuất theo chuỗi còn giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng quy mô, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giúp lâm sản tiếp cận được với các thị trường lớn trong và ngoài nước, góp phần gia tăng giá trị từ 5% đến 10% so với sản xuất thông thường, đồng thời nâng cao thu nhập cho người trồng rừng. Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khuyến khích phát triển lâm nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững. Giúp người dân vừa trồng, chăm sóc bảo vệ rừng, vừa phát triển kinh tế.
Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết, để có thêm các nguồn hỗ trợ nâng cao năng lực cho các bên tham gia chuỗi sản xuất lâm nghiệp, hiện nay Lào Cai đang xúc tiến hợp tác với các tổ chức phi chính phủ trong việc hỗ trợ tham gia thực hiện các dự án “Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học” (USAID) do tổ chức phát triển Hoa Kỳ tài trợ; dự án “Tăng cường Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững” (SNRM2) do Tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) hỗ trợ...
Lào Cai phấn đấu, giai đoạn 2021 - 2025 sản xuất lâm nghiệp sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của địa phương, làm giàu cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Lào Cai