"Hiệp sỹ" cứu loài Vọoc giữa đại ngàn Trường Sơn

09/02/2017 00:00

(TN&MT) - Tú Voọc là cái tên mà người dân ở xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa(Quảng Bình) gắn cho ông Nguyễn Thanh Tú- Người có công lớn bảo vệ Voọc gáy trắng(hay còn gọi Vọoc Hà Tĩnh) tránh khỏi nguy cơ bị tiêu diệt giữa đại ngàn Trường Sơn trong nhiều năm qua. Mỗi khi nhắc đến, nhiều người gọi ông là "hiệp sỹ" Vọoc giữa đại ngàn Trường Sơn.

“Lá chắn” cho loài Vọoc

Cứ nghĩ việc làm của ông là “chập cheng”, bởi lẽ với một người dân bình thường nhưng cả tin ngăn chặn được nạn săn bắt Vọoc gáy trắng(một loài động vật quý hiếm) giữa đại ngàn Trường Sơn. Tháng 11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định tặng Bằng khen cho ông Nguyễn Thanh Tú vì có thành tích đã phát hiện và bảo vệ đàn Voọc đen gáy trắng tại xã Thạch Hóa thì nhiều người dân mới có cách suy nghĩ khác và thấy được giá trị việc làm lâu nay của ông Tú.

v
Vọoc gáy trắng được phát hiện tại Quảng Bình

Từng là một sỹ quan thuộc lính Biên phòng, sau khi nghỉ hưu theo chế độ ông Nguyễn Thanh Tú (SN 1962) về quê nhà sinh sống ở xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Tình cờ trong một lần lên núi chặt củi, trồng cây sưa (cách đây gần 4 năm) ông Tú đã phát hiện ra loài Vọoc đang ngư trú ở đây đã quyết tâm bảo vệ loài động vật quý hiếm này.

Ông Nguyễn Thanh Tú nhớ lại giây phút giáp mặt với loài Voọc: “Trong lúc nghỉ trưa tôi nghe thấy tiếng lá cây rung xào xạc, lúc đó trời không có gió, nhìn xung quanh không có ai cả,  nhìn lên trên cây thì thấy những bóng đen. Mới đầu tôi nghĩ hay là ma dọa mình…”

“Nhìn lên cây quan sát kỹ thì thấy các bóng đen đó có đuôi, ngồi từng chùm, khi chúng xuống gần, thấy má và gáy viền trắng, có chỏm lông vuốt ngược trên đầu, đuôi dài đang nô đùa trên các ngọn cây có khoảng 15- 20 con. Sao lại có con Voọc Hà Tĩnh ở đây nhỉ ”, ông Tú kể.

k
Không ngừng tăng trưởng về số lượng

Được biết, trong thời gian còn công tác ở đơn vị ông Tú đã từng được cử đi tập huấn với đoàn liên ngành Kiểm lâm về bảo vệ động vật hoang dã thế giới tai Hà Tĩnh nên biết rất rõ về loài vật này.  Dó đó, khi phát hiện ông đã xác định được ngay đây là loài Voọc đen gáy trắng, hay còn gọi voọc Hà Tĩnh- Một trong những là loài động vật quý hiếm đang cần được bảo vệ trước nguy cơ tuyệt chủng.

Sự xuất hiện của loài Vọoc ngay gần nhà mình là một điều khiến ông Tú hết sức bất ngờ và vô cùng thích thú. Tuy nhiên, từ ngày ông nhắc nhiều về loài động vật này cũng chừng ấy lần ông nhận được tin người dân ở địa phương đang tìm cách để săn bắt nên số lượng Voọc lúc đó rất ít và thường sống trên đỉnh núi, rất khó gặp được chúng.

Sau vài lần trăn trở, ông Tú đã quyết định làm cái việc mà mọi người cho là “không bình thường” đó là đến tận nhà của những hộ chuyên đi đặt bẫy để thuyết phục người dân dừng ngay việc săn bắt Vọoc. Lúc đầu nhiều người nhìn ông với nét mặt di nghị, bởi lẽ ông là ai mà dám to gan ngăn cản người dân để bảo vệ động vật giữa đại ngàn rộng lớn như vậy.

“Voọc Hà Tĩnh là loài động vật rất hiền lành, chúng không bao giờ xuống phá hoại hoa màu của người dân, dù hoa màu trồng sát ngay chân núi. Quan sát tập tính của chúng là chỉ ăn lá cây và ngọn cây non. Những hôm trời nắng chúng xuống rất thấp, thậm chí là xuống gần với hoa màu của người dân nên rất dễ cài bẫy”, ông Tú cho biết.

Theo lời ông Tú, để người dân đồng lòng với mình lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn: “Có hộ thì mình trao đổi là đã đồng thuận nhưng cũng có nhiều người khác thì phải đến nhà vận động, khuyên giải cả chục lần họ mới chịu nghe. Không chỉ người dân ở đây mà nhiều người từ huyện Minh Hóa cũng xuống để săn bắt, mỗi lần nghe có người săn bắt voọc, dù nắng mưa, ngày đêm gì tôi cũng chạy lên để ngăn chặn, vận động và khuyên giải…”.

Công sức không phụ lòng người, nhờ những đóng góp của ông Tú mà đàn Voọc khi phát hiện chỉ có khoảng chục con nay phát triển lên đến trên cả trăm con, được chia thành nhiều đàn.  Chỉ cần đứng ở bìa rừng, khu vực khuất bóng cây nhìn lên các vỉa đá, người dân đã có thể thấy những đàn voọc chuyền cành, đi ăn, nô đùa vui đáo để.

h
Đây là một trong những loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ

Người dân địa phương cho biết rằng, nếu ông Tú không xuất hiện đúng lúc thì loài Vọoc giờ chắc gì đã không còn tồn tại ở đây. Ghi nhận những công sức đã làm được, người dân đã gắn cho ông cái tên Tú Vọoc như để thể hiện sự tôn trọng công lao mà ông đã đóng góp bảo vệ loài động vật quý hiếm này. Được biết, hiện ông Tú đã bàn với gia đình lên kế hoạch để bảo vệ đàn Voọc, rủ thêm nhiều người khác cùng tham gia thành lập lại một nhóm thay nhau trong coi bảo vệ.

Và những trăn trở

Để có một kế hoạch bảo vệ sự sinh tồn lâu dài trên địa bàn chắc chắn một mình ông Tú không thể bao nổi, vì vậy, ông Tú đã báo cho kiểm lâm ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh về điều tra, khảo sát để có biện pháp bảo vệ.

“Tuy vậy, lúc đầu cơ quan chức năng tỏ ra hoài nghi, tôi cam kết với đoàn công tác nếu không tìm thấy Voọc và không có chúng ở đây thì mọi chi phí tổn đi lại, ăn uống của đoàn tôi sẽ chịu hết. Nghe lời khẳng định chắc nịch mọi người mới thấy yên tâm, trong buổi chiều ngày hôm đó thì tất cả những người trong đoàn liên ngành đều đã tận mắt chứng kiến đàn voọc xuất hiện và đều rất vui mừng, khi đó mới tin”, ông Tú phấn khởi nhớ lại.

s
Ông Nguyễn Thanh Tú- Người có công rất lớn bảo vệ đàn Vọoc tránh khỏi nguy cơ bị tiêu diệt của con người

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã trực tiếp về điều tra, xác minh và ngay sau đó Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã công nhận vùng dãy núi đá vôi thuộc 4 xã Thạch Hóa, Đồng Hóa, Nam Hóa, Đức Hóa trên tổng diện tích 174ha, hiện đang có đàn Voọc đen gáy trắng sinh sống, đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử cán bộ về nghiên cứu, tiến hành kiểm đếm. Được biết, hiện tại số Vọoc đã xác định có 86 con, dự kiến thời gian tới số lượng voọc kiểm đếm dự kiến sẽ còn nhiều nhiều hơn.

Voọc gáy trắng (hay còn gọi là voọc hà Tĩnh có tên gọi khoa học là Trachypithecus hatinhensis, thuộc nhóm 1B) trên tự nhiên hiện có khoảng 1.500 cá thể. Nghị định 32 cấm san bắt, giết hại loài động vật quý hiếm này dưới mọi hình thức. Theo ghi nhận tại Quảng Bình, ngoài khu vực Phong Nha- Kẻ Bàng thì vùng núi đá vôi ở xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa là nơi thứ hai phát hiện ra loài Voọc này sinh sống.

Cũng từ đó, lãnh đạo các cấp quan tâm chỉ đạo bảo vệ loài động vật này. UBND xã Thạch Hóa ban hành Quyết định số 52/QĐ-UBND, ngày 8-7-2015, về việc thành lập Tổ bảo vệ gồm 7 người, do đồng chí Phạm Ngọc Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Thạch Hóa làm Tổ trưởng. Mặc dù vậy, công việc bảo vệ đàn Voọc vẫn gặp không ít khó khăn, do các yếu tố chủ quan và khách quan.

Theo ông Nguyễn Thanh Tú cho biết, thời điểm khi mới phát hiện đàn Voọc chỉ có khoảng hai chục con nhưng nay đã có khoảng 10 đàn, mỗi đàn nhỏ có từ 7-10 con, còn đàn nào lớn thì từ 15-20 con hoặc nhiều hơn.

“Tôi có mong muốn là các cấp, các ngành quan tâm, có nhiều biện pháp để bảo tồn loài động vật quý hiếm này. Nếu như có phương án bảo vệ tốt thì số lượng Voọc sẽ tăng lên.  Đặc biệt, nếu có kinh phí thì chúng tôi sẽ mua lại đất của những hộ dân trồng cây, hoa màu sát các núi để trồng cây mở rộng diện tích cho đàn Voọc sinh sống”, ông Tú trăn trở.

 Bài và ảnh: Đức Cảnh - Hồng Thiệu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Hiệp sỹ" cứu loài Vọoc giữa đại ngàn Trường Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO