Hiện thực hóa lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển: Cần chế tài cho việc lồng ghép

Thanh Tùng (thực hiện)| 07/04/2022 09:54

(TN&MT) - Một trong những quy định quan trọng trong Kế hoạch phòng, chống thiên tai (PCTT) quốc gia đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây là việc cần lồng ghép nội dung PCTT vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH). PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Trần Quang Hoài (ảnh) - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai để làm rõ hơn nội dung này.

PV: Thưa Tổng cục trưởng, trong Kế hoạch PCTT quốc gia đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15/3/2022 có nội dung khá mới, đó là việc phải lồng ghép nội dung PCTT vào các quy hoạch, kế hoạch. Theo ông, vì sao nội dung này lại trở thành vấn đề quan trọng, cấp bách hiện nay?

Ông Trần Quang Hoài:

Những năm gần đây, tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp, bất thường, cực đoan, với 20/22 loại hình thiên tai cơ bản đã xuất hiện (trừ sóng thần, cháy rừng do tự nhiên) và có xu thế gia tăng cả về phạm vi, tần suất xuất hiện và mức độ nguy hiểm, nhất là bão mạnh, siêu bão, mưa đặc biệt lớn, mưa đá, ngập lụt diện rộng, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn, dông, lốc, sét,… Nhiều đợt thiên tai đã vượt các mốc lịch sử được ghi nhận, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái. Theo thống kê, trong 20 năm vừa qua, mỗi năm thiên tai đã làm trên 300 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế trên 15.000 tỷ đồng. Theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu về khí tượng, thủy văn trong và ngoài nước, do tác động của biến đổi khí hậu và phát triển thiếu bền vững về KT - XH, thời gian tới, thiên tai ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường.

anh-1.jpg
ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai

Luật Phòng, chống thiên tai và Chiến lược quốc gia PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã quy định PCTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội; đồng thời quy định cụ thể việc lồng ghép nội dung PCTT vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển KT - XH của các địa phương để đảm bảo thực hiện đồng bộ các giải pháp PCTT. Tuy nhiên, thời gian qua, việc lồng ghép nội dung PCTT vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, KT - XH chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế cho thấy, nhiều dự án được đầu tư, xây dựng không đảm bảo an toàn đã làm gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là các công trình giao thông, các khu đô thị mới, các khu nghỉ dưỡng ven biển, vùng thấp trũng... Trong khi nhiều dự án, nhiệm vụ cần được ưu tiên PCTT thực hiện nhưng lại không có kế hoạch bố trí vốn.

Kế hoạch PCTT quốc gia đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải lồng ghép nội dung PCTT vào kế hoạch phát triển của ngành và kế hoạch phát triển KT -XH của các địa phương, trong đó chỉ rõ 8 nội dung cụ thể cần lồng ghép, gồm: Bảo đảm không gian thoát lũ; bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai; xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp làm nơi sơ tán PCTT cho người dân; phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét, sạt lở đất, sóng thần; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước; quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng về PCTT; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành, khai thác, xây dựng công trình PCTT; hợp tác quốc tế và xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực PCTT.

PV: Để việc lồng ghép nội dung PCTT vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH có hiệu quả, cần phải có các giải pháp gì? Hiện nay, có chế tài nào để xử lý đối với các quy hoạch, kế hoạch không đảm bảo yêu cầu này không, thưa ông?

Ông Trần Quang Hoài:

Để đảm bảo hiệu quả việc lồng ghép nội dung PCTT vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển KT - XH, trước hết cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành để chủ động lồng ghép nội dung PCTT vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, KT - XH.

Bên cạnh đó, cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành đối với việc lồng ghép nội dung PCTT trong giai đoạn lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện việc lồng ghép nội dung PCTT vào các quy hoạch, kế hoạch.

anh-3.jpeg

Quy hoạch phát triển KT - XH phải tính đến yếu tố PCTT.

Đặc biệt, tăng cường kinh phí cho các hoạt động lồng ghép nội dung PCTT vào các quy hoạch, kế hoạch; Xác định cụ thể danh mục các dự án PCTT để lồng ghép vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của các cấp, các ngành; Xác định các hạng mục PCTT trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, sắp xếp thứ tự ưu tiên để thực hiện đồng bộ với các hạng mục công trình khác.

Về chế tài, hiện vẫn chưa có chế tài để xử lý đối với các quy hoạch, kế hoạch chưa đảm bảo yêu cầu trong việc lồng ghép nội dung PCTT. Không có chế tài, việc lồng ghép PCTT vào quy hoạch sẽ còn gặp khó.

PV: Thời gian tới, Tổng cục Phòng, chống thiên tai có giải pháp nào để tham mưu cho Bộ NN&PTNT thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả quá trình thực hiện nội dung này tại các địa phương?

Ông Trần Quang Hoài:

Việc kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện lồng ghép nội dung PCTT vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển của các bộ, ngành và các địa phương thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được quy định tại khoản 1, Điều 13 Thông tư số 10/2021/TT-BKHĐT ngày 22/12/2021.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đang tổ chức đánh giá công tác PCTT năm 2021 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh được ban hành tại Quyết định số 01/QĐ-TWPCTT ngày 8/2/2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, trong đó có nội dung đánh giá việc thực hiện lồng ghép nội dung PCTT vào kế hoạch phát triển KT - XH của các địa phương và sẽ tổ chức công bố trong thời gian tới, làm cơ sở để các địa phương rà soát, điều chỉnh nhằm từng bước nâng cao hiệu quả trong việc lồng ghép.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiện thực hóa lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển: Cần chế tài cho việc lồng ghép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO