Mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành yêu cầu Cục Quản lý tài nguyên nước và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia báo cáo các nội dung đã chuẩn bị, đồng thời phát huy sức sáng tạo, đề xuất các kiến nghị để nội dung về quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL sớm được đưa ra trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Báo cáo tình hình lập nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL, ông Châu Trần Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết: Tháng 8/2018 Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã trình Bộ TN&MT xin phê duyệt “Nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tháng 9/2018, Bộ đã có công văn về việc phê duyệt “Nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Sau đó Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã rà soát theo quy định của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch và Nghị quyết số 120 để chỉnh sửa lại.
Theo ông Châu Trần Vĩnh, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã bổ sung nội dung đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) vào nhiệm vụ quy hoạch. Tuy nhiên, Cục Quản lý tài nguyên nước nhận thấy theo Điều 18 của Luật quy hoạch thì ĐMC thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; theo Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường thì quy hoạch này không thuộc danh mục phải ĐMC. Trên cơ sở đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đề nghị xem xét, rà soát bỏ nội dung này ra khỏi nhiệm vụ.
Báo cáo về nhiệm vụ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long, ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết phạm vi quy hoạch thuộc 13 tỉnh/thành phố là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, với diện tích 39.945 km2.
Theo ông Tống Ngọc Thanh, nhiệm vụ quy hoạch có 3 nội dung chính gồm: Phân bổ nguồn nước; bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
Đề xuất thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch, ông Tống Ngọc Thanh cho rằng muốn làm Quy hoạch, phải được phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch.
“Trung tâm hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm Nhiệm vụ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long để trình Bộ phê duyệt trước ngày 10/5/2019” - ông Tống Ngọc Thanh nói.
Theo đại diện Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Quy hoạch tài nguyên nước đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc rất lớn vào số liệu nước ngoài, trong đó số liệu nước mặt nhiều nhưng số liệu nước ngầm rất thiếu.
Ông Hoàng Văn Bẩy – Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng cần cân nhắc lại tính khả thi các nhiệm vụ cần thực hiện, cũng như xác định yêu cầu đặt ra của Quy hoạch.
Theo ông Hoàng Văn Bẩy, cần dừng lại ở nhiệm vụ Quy hoạch để Bộ xem xét, phê duyệt; xem xét các nhiệm vụ nào cần làm trước, cần làm sau.
“Về chức năng nguồn nước, phải sơ bộ đưa vào, trong đó tập trung vào nước mặt, nhưng phải chi tiết từng con sông, kênh, rạch” – ông Hoàng Văn Bẩy nhấn mạnh.
Ông cũng kiến nghị phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL bám sát yêu cầu Luật Quy hoạch và Luật Tài nguyên nước.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng bài toán Quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL còn phải đầu tư nhiều công sức. Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia xác định các nhiệm vụ cần làm để xây dựng Quy hoạch; đề xuất Bộ các nội dung đáp ứng đầu vào Quy hoạch tổng thể ĐBSCL.
Theo Thứ trưởng, Quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL không thể thiếu kịch bản và số liệu nước ngầm trong các nước lưu vực Mê Công không có nhiều, chủ yếu ảnh hưởng đến ta là Campuchia. Thứ trưởng yêu cầu Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam xem xét đề xuất sang Campuchia điều tra đánh giá nguồn nước ngầm.
“Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam chuẩn bị sẵn kịch bản phát triển thủy điện dòng chính; Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chuẩn bị sẵn số liệu về tài nguyên nước của ĐBSCL; Cục Quản lý tài nguyên nước chuẩn bị các thông tin, số liệu sát nhất, trong đó có cả sụt lún để đưa ngược lên Quy hoạch tổng thể ĐBSCL, để đảm bảo định hướng của Nghị quyết 120” – Thứ trưởng chỉ đạo.
Về xây dựng nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL, Thứ trưởng đề nghị Trung tâm hoàn thiện theo ý kiến của các đơn vị, thống nhất đến ngày 20/4 gửi lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, sau đó hoàn thiện, đến ngày 10/5 trình Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt.