Hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế làng nghề

Quyết Thắng - Mai Đan| 27/12/2019 20:46

(TN&MT) - Chiều 27/12, tại tỉnh Bắc Ninh, Tỉnh ủy Bắc Ninh và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế làng nghề”.

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu, doanh nghiệp, doanh nhân đã đưa ra những kiến nghị cũng như giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế làng nghề.

Ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Tập đoàn Hanaka: Đầu tư hệ thống xử lý chất thải nguy hại không chỉ là một thương vụ làm ăn ngắn hạn

Hầu hết các làng nghề hiện nay sản xuất tự phát, mạnh ai nấy làm, vô tư xả chất thải sản xuất chưa qua xử lý ra môi trường, khiến đất đai, nguồn nước và không khí bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Tình trạng này diễn ra ở khắp các làng nghề tại Bắc Ninh như làng nghề Phong Khê, Đa Hội, Mẫn Xá, Đại Bái,... hàng chục năm.

Để hạn chế tình trạng này, cần sự vào cuộc mạnh mẽ và tích cực hơn nữa của chính quyền các cấp và cơ quan chức năng. Kiên quyết xử lý hành vi đổ chất thải nguy hại từ 1 số làng nghề ra môi trường theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

Chúng tôi cũng mong muốn tham gia cùng chính quyền địa phương trong việc vận động, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và ý thức bảo vệ môi trường cho người dân khu vực làng nghề.

Việc đền bù giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch, triển khai thi công cụm công nghiệp làng nghề là vấn đề quan trọng và cấp thiết đối với doanh nghiệp như chúng tôi. Chúng tôi mong muốn có cơ chế cụ thể, ưu đãi về đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và thu gom, tập kết chất thải tại chỗ để có mặt bằng sạch. Làm sao để doanh nghiệp có thể đưa công nghệ thiết bị xử lý ô nhiễm tồn đọng, xử lý rác thải mà vẫn đảm bảo cuộc sống của người dân địa phương diễn ra bình thường.

Ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Tập đoàn Hanaka phát biểu

Việc đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề, đầu tư hệ thống xử lý chất thải nguy hại không chỉ đơn thuần là một thương vụ làm ăn ngắn hạn, thu lãi nhanh chóng. Nếu vì lợi nhuận trước mắt thì không có doanh nghiệp nào dám làm. Đây là dự án thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đã và sẽ còn gặp không ít khó khăn, lâu dài.

Vì vậy, doanh nghiệp rất mong có được cơ chế hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, dài hạn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Qua Diễn đàn này, chúng tôi kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và có chính sách cụ thể, áp dụng việc cho vay đối với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực kinh tế làng nghề, xử lý ô nhiễm môi trường.

Ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: Phải “đánh thức” nghề truyền thống của ông cha ta để lại

Hiện nay, chúng ta có rất nhiều Nghị định, nhiều chính sách và luật liên quan đến ngành nghề và làng nghề, chẳng hạn như Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn bắt đầu có giá trị từ năm 2018 đến nay. Thế nhưng triển khai thế nào, ai làm gì, trách nhiệm đến đâu, làm thế nào để cơ quan truyền thông vào cuộc để phân tích, cái nào cần phải được khai thác, cái nào cần phải được nuôi dưỡng? Chính sách ấy nằm ở trong các làng nghề truyền thống khác với các làng nghề chung chung.

Và đặc biệt, việc đối xử với các nghệ nhân, những nghệ nhân tài ba, nghệ nhân cao tuổi cũng là một vấn đề… Hơn nữa, hiện nay nếu chúng ta hội nhập với quốc tế thì các sản phẩm trong làng nghề của chúng ta so với nhiều nước phải rất mạnh.

Ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao đổi với PV Báo TN&MT bên lề diễn đàn

Diễn đàn ngày hôm nay như một lời đánh động cho các làng nghề, các chính quyền suy nghĩ, làng nghề là nơi không thể “chắp vá”, nó không mang tính tổng hợp mà phải tách ra, có những làng xen lẫn nhau, có những làng chỉ chuyên một nghề và có rất nhiều nghề.

Mục tiêu của làng nghề phải có sản phẩm du lịch. Nó phải đồng bộ với khu vực, môi trường, ở khu vực tài nguyên nào phải tạo ra sản phẩm đấy.

Diễn đàn hôm nay nên nhân rộng ra để cho xã hội thấy, nhận thức được đây là lúc phải “đánh thức” nghề truyền thống của ông cha ta để lại, bởi chúng nuôi dưỡng chúng ta bằng những gì chúng ta có.

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội: Gắn kết quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội làng nghề

Một không gian làng nghề truyền thống sẽ cho phép làm giàu cảnh quan quy hoạch bởi sự phát hiện của những đặc trưng địa hình của mỗi làng quê Việt Nam. Có quy hoạch đất đai, sự hài hoà giữa địa hình và cảnh quan của làng nghề sẽ nâng cao thẩm mỹ, chất lượng đời sống cho người dân ở đó.

Các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần có sự gắn kết với quy hoạch phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội của làng nghề. Cùng với các quy phạm pháp luật về quy hoạch làng nghề nông thôn được quy định trong pháp luật Xây dựng hiện hành. Quy hoạch là một lĩnh vực khoa học riêng biệt, đặc thù, nhưng kết tinh trong công trình lại ghi nhận giá trị đặc trưng của nó.

Để hoà nhập vấn đề môi trường trong phát triển làng nghề truyền thống, ngành xây dựng có vai trò quan trọng trong các giải pháp từ quy hoạch xây dựng nông thôn để giải quyết vệ sinh môi trường. Trước tiên cần trú trọng tới quy hoạch chung và cơ sở hạ tầng. Nhà nước cần tổ chức tốt việc sản xuất, cải tạo nhà xưởng trong làng nghề.

Nhà nước cần đầu tư và lập quy hoạch tổng thể để phân bố xắp xếp lại các khu sinh hoạt, sản xuất và tạo dựng cơ sở hạ tầng. Quy hoạch bãi chứa nguyên liệu, nguồn nước, chất thải, hạn chế bụi, tiếng ồn... Bên cạnh đó tăng cường trồng cây, hồ nước, vòi phun nước nhân tạo, thiết bị thu gom bụi, khí độc, nhiễm nhiệt, nhiễm điện từ các lò, hầm nung, nơi sấy sản phẩm từ các làng nghề.

Tiếng ồn, khói, bụi, mùi hoá chất... không những làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ trực tiếp các thành viên trong gia đình trong làng nghề mà còn tác động đến cộng đồng xung quanh khu vực làng nghề, cụm công nghiệp.

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ bên lề diễn đàn

Bên cạnh yếu tố tích cực là góp phần làm ra sản phẩm phục vụ đời sống xã hội thì những tồn đọng của các chất phế thải chưa được xử lý triệt để của làng nghề hiện nay đang làm nhiều cấp chính quyền địa phương lúng túng. Để xử lý hậu quả, Nhà nước cần đầu tư nhiều tiền vốn, công sức mới có thể từng bước thay đổi diện mạo của làng nghề.

Pháp luật về bảo vệ môi trường cần quan tâm riêng đối với dân cư, làng nghề đang sinh sống trong loại nhà tạm, nhà thuyền của dân vạn đò tại Đồng bằng sông Cửu Long. Môi trường sống, chất lượng sinh hoạt sẽ được cải thiện một bước khi các hộ dân được chuyển đến sống tại nền vượt lũ như ở Kiên Giang, Đồng Tháp Mười. Những làng nghề truyền thống trạm bạc, kim hoàn, gốm sứ... sẽ sống chung với lũ một cách an toàn và lâu dài.

Ông Nguyễn Tiến Long – Chủ tịch Công ty Sứ Long Phương – Thành viên Hội doanh nhân Việt Nam: Tiến đến mục tiêu phát triển ngành Gốm sứ một cách bền vững lâu dài

Sự phát triển ngành Gốm sứ của các hộ gia đình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các làng nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng đang phát triển rất nhanh. Chính vì vậy rất cần quỹ đất để phát triển sản xuất hướng đến sự ổn định lâu dài.

Nhà nước cần hỗ trợ về chính sách thuế và tiền thuê mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà sản xuất xây dựng cơ sở sản xuất dễ dàng hơn, quỹ đất được mở rộng hơn để quy hoạch đủ cho khu vực sản xuất, khu vực bán hàng; nhà sản xuất có thể đưa được công nghệ tiên tiến vào sản xuất để hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường. Có như vậy thì ngành Gốm sứ tại Việt Nam mới được đổi mới.

Nhà nước cũng cần áp dụng chính sách vay vốn thuận lợi cho nhà sản xuất dễ tiếp cận, đặc biệt là với các hộ sản xuất gia đình vẫn phải thế chấp tài sản mới được vay vốn. Số lượng hộ sản xuất gia đình trong làng nghề hiện chiếm đến 80% lực lượng sản xuất đang vướng mắc vấn đề trên.

Ông Nguyễn Tiến Long – Chủ tịch Công ty Sứ Long Phương – Thành viên Hội doanh nhân Việt Nam phát biểu tại diễn đàn

Về nguyên liệu, việc sản xuất nguyên liệu cung cấp cho ngành Gốm sứ, đặc biệt là sản xuất thủ công khai thác và chế biến nguyên liệu của Việt Nam không ổn định, chất lượng thấp.Vì vậy, nguồn nguyên liệu và vật tư đầu vào của ngành Gốm sứ phải nhập khẩu 50% từ nước ngoài. Nhà nước cần có chính sách đầu tư, giúp đỡ cho các nhà sản xuất khắc phục tình trạng trên.

Về sáng tác mẫu mã, Nhà nước đã có nhiều kế hoạch và kinh phí cho việc dạy nghề nhưng hiệu quả không cao và không thực tế vào sản xuất.

Về tiêu thụ: Tuy Nhà nước đã có kế hoạch khuyến khích sử dụng hàng tiêu dùng “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” từ nhiều năm nay nhưng trong thực tế tất cả các mặt hàng gốm sứ và hàng dân dụng, hàng thủ công mỹ nghệ nói chung đang bị hàng hóa nước ngoài cạnh tranh khốc liệt về giá cả và mẫu mã. Nhà nước đã có chính sách bảo hộ nhưng hiệu quả chưa cao và chưa đủ làm giảm sức nóng của sự cạnh tranh này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO