Kỳ 1: Một bước tiến, nhiều bước lùi
Trên con đường 5 sao kéo dài từ chân núi Sơn Trà giáp với Quảng Nam, đã nhiều năm nay, hàng loạt đại gia chiếm đất vàng ven biển rồi bỏ trống… Bên trong những dự án này, chỉ là một số sườn nhà bằng bê-tông trơ trọi đã ngưng xây dựng khá lâu.
Dự án “trùm mềm”
Dọc các tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp (TP. Đà Nẵng), bên cạnh các khu nghỉ dưỡng cao cấp đã đi vào hoạt động là hàng loạt các dự án xây tường rào dài gần 1 km, bịt kín lối ra biển. Bên trong các dự án ấy, hầu hết diện tích để bỏ hoang cho cỏ dại mọc, hoặc lơ thơ vài công trình dở dang, han gỉ. Dù không hoạt động, song doanh nghiệp vẫn thuê bảo vệ canh giữ, không cho bất cứ ai vào. Điển hình như các dự án: Khu du lịch giải trí Đệ Nhất (8.000m2, 100% vốn đầu tư nước ngoài), Khu du lịch Đệ Nhất (45.000m2), Trường dạy nghề lướt ván (800m2), Khu thể thao giải trí Huy Khánh (4.000m2)… Khác với những gì chủ đầu tư đã “vẽ” ra là những biệt thự, căn hộ cao cấp, khu hội nghị, nhà hàng… Hàng chục năm qua, bên trong những dự án này chỉ là một số sườn nhà bằng bê-tông trơ trọi đã ngưng xây dựng khá lâu, rêu phủ cả lên những bức tường xây dở.
Qua khảo sát, có đến 32 trong tổng số 52 dự án ven biển Đà Nẵng chậm triển khai hoặc chưa triển khai (trong đó, có 10 dự án đầu tư nước ngoài và 22 dự án trong nước). Hầu hết các doanh nghiệp đều lấy lý do suy thoái kinh tế, không vay được vốn ngân hàng; hoặc thay đổi vài công năng, số ít công trình nhỏ trong dự án, rồi xin chờ phê duyệt lại, kéo dài thêm thời gian triển khai. Không ít chủ đầu tư còn đột ngột xin thay đổi tên công ty, tên dự án; xây móng, làm nhà tạm, dựng trụ bê-tông dang dở trên đất, mặc cho chính quyền sở tại phải giải quyết hậu quả về môi trường và các nhu cầu dân sinh khác. Các dự án loại này đã vi phạm Điều 64 Luật Đất đai 2013. Một số dự án còn nộp chậm, hoặc nộp thiếu tiền thuế thuê đất.
Nhiều hệ lụy liên quan đến môi trường, thất thu nguồn thuế… những doanh nghiệp này còn làm xấu hình ảnh môi trường đầu tư, môi trường xã hội thân thiện của Đà Nẵng. Một bộ phận dân cư ở các quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Sơn Trà... vô cùng bức xúc vì các dự án này bịt mất lối ra biển hoặc đẩy lệch các bãi tắm dân sinh sang vị trí không thuận tiện. Thực trạng các dự án ven biển, khu nghỉ dưỡng chiếm mặt tiền bãi biển không cho người dân tắm trong khu vực và đi dạo cũng chịu sự “kiểm soát” của nhân viên đã khiến người dân Đà Nẵng bức xúc.
Dân bức xúc, chính quyền lo ngại
Tại khu vực Sao Biển 1 (quận Ngũ Hành Sơn), vệt phân cách được resort Premier Village cắm lá cờ xanh ngăn giữa bãi biển Sao Biển 1 với địa phận của mình. Khi được hỏi về việc các khu nghỉ dưỡng cấm tắm biển, anh Nguyễn Văn Cần (người dân đi tắm biển) chia sẻ, hình như thành quy định và người dân cũng không vào khu vực trước các khu nghỉ dưỡng để tắm. “Tuy nhiên, chúng tôi đi dạo trên bãi biển mà cũng chịu sự kiểm soát của nhân viên khu nghỉ dưỡng thấy rất khó chịu. Chỉ cần lỡ bước chân vào khu vực của khu nghỉ dưỡng là bị nhắc nhở”, anh Cần nói.
Theo ông Nguyễn Đình Thư - Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn: “Trên địa bàn quận hiện có 20 dự án ven biển, nhưng chưa đến 50% đi vào hoạt động, còn lại triển khai cầm chừng hoặc không triển khai. Quận chỉ có nhiệm vụ giải tỏa, đền bù, giao đất trống cho nhà đầu tư. Quận muốn gặp các nhà đầu tư đã khó, nhiều khi cũng chẳng rõ tên nhà đầu tư là ai”. Một cán bộ thuộc Phòng Quản lý đô thị quận này cho biết: “Kiến nghị mãi, nay quận chúng tôi mới có được 4 bãi tắm dân sinh đấy...”.
Tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng mới đây, Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng Nguyễn Điểu đã lên tiếng cảnh báo về việc người Trung Quốc “núp bóng” gom đất ven biển Đà Nẵng. Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực đất được mua chủ yếu là nằm trên đường Võ Nguyên Giáp đoạn nằm sát sân bay Nước Mặn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) và đối diện với khu resort, giải trí casino cao cấp Silver Shores - cũng của người Trung Quốc. Đây là những vị trí quan trọng mang tính chiến lược. Một câu hỏi được đặt ra, nếu Trung Quốc “dựng” cho một dãy ở ngay tường rào sân bay Nước Mặn thì sẽ nguy hiểm đến cỡ nào?
Thủ đoạn chung của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, đặc biệt là Trung Quốc là lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan địa phương khi cấp xem xét xét cấp đất nên mua hoặc chuyển nhượng đất đai ven biển với số đông nhưng đăng ký dưới tên đại diện Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Bá Sơn, Chánh Thanh tra Đà Nẵng, thực trạng người nước ngoài giấu mặt mua bán bất động sản ven biển Đà Nẵng đã xuất hiện từ cách đây 2 – 3 năm. “Người dân của mình vì lợi ích kinh trước mắt mà bỏ qua, không thật sự quan tâm đến chủ quyền đất nước, vì vậy, chỉ còn cách vận động người dân mình. Nhưng đó toàn là người nghèo nên một số người chả cần để ý, miễn là có tiền.”
Xuân Lam - Lan Anh