Hậu Giang: Sẽ xem xét giải quyết thỏa đáng những bức xúc của người dân

22/03/2018 17:14

(TN&MT) - Ngày 22/3/2018, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cùng các Sở, Ngành có liên quan và huyện Châu Thành A đã có buổi gặp gỡ, đối...

 

(TN&MT) - Ngày 22/3/2018, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cùng các Sở, Ngành có liên quan và huyện Châu Thành A đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với một số hộ dân xung quanh việc đầu tư xây dựng cây cầu bắc ngang qua kênh Tân Hiệp gây ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa trên tuyến kênh này (Báo Tài nguyên & Môi trường Online đã có bài phản ánh ngày 11/3/2018).
 

chú thích ảnh 1 vụ cầu tân hiệp, huyện Châu Thành A
Ông Nguyễn Văn Phụng (người đứng) phát biểu tại buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang ngày 22/3/2018. 


Trong số 115 hộ dân được mời tham dự buổi đối thoại (trong đó có 41 hộ đã ký tên đồng ý xây cầu) có mặt tại UBND thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A. Sau khi Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng công trình giao thông tỉnh Hậu Giang (gọi tắt là BQLDA) báo cáo tóm tắt về gói thầu cầu Tân Hiệp và kiến nghị tiếp tục cho thi công, thì ông Nguyễn Văn Phụng, ấp Tân Lợi, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A bức xúc nói: "Tôi kinh doanh máy cắt lúa, cả thảy có đến gần chục hộ, kênh Tân Hiệp là đường thủy duy nhất đi ra kênh xáng Xà No để đến các cánh đồng trong tỉnh và các tỉnh khác, bảo chúng tôi đi qua kênh Ba Bọng thì chúng tôi cũng đi mà cầu Ba Bọng lại quá thấp, chẹt chở máy cắt chui qua không lọt...
 

chú thích ảnh 2 vụ cầu Tân Hiệp, huyện Châu Thành A
Theo người dân, do cầu Ba Bọng thấp, nên phương tiện tàu ghe qua lại rất khó khăn.

Còn ông Võ Văn Đoàn, có cơ sở bán vật liệu xây dựng tại ấp Tân Lợi, thị trấn Một Ngàn cho rằng, việc các cơ quan chức năng sử dụng tuyến kênh Ba Bọng cách tuyến kênh Tân Hiệp khoảng hơn 1km để làm đường đi ra kênh Xáng Xà No cho các phương tiện tàu, ghe, như cầu Ba Bọng chỉ cao hơn cầu Tân Hiệp đang xây chừng 3 tất, lúc nước lớn thì không qua được, đợi lúc nước ròng thì lòng kênh cạn cũng không đi lại được. Đó là chưa kể đang đi gặp tàu đi ngược hướng thì không tránh được vì lòng kênh quá nhỏ... "người dân ở đây chỉ mong muốn có một đường thủy thuận tiện chứ không nhất thiết phải đi từ kênh Tân Hiệp ra kênh xáng Xà No. Tuy nhiên, dù tuyến kênh Ba Bọng - Thầy Ký đã và đang được nạo vét, nhưng việc lưu thông của người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là bị bế tắc..."- Ông Võ Văn Đoàn giải bày.
 

chú thích ảnh 3 vụ cầu Tân Hiệp, huyện Châu Thành A
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (người đứng) cho biết những bức xúc của người dân sẽ được xem xét giải quyết thỏa đáng.

Ngoài ý kiến của ông Phụng, ông Đoàn, thì tại buổi đối thoại này còn có nhiều ý kiến của các hộ dân xung quanh việc xây dựng cây cầu bắc ngang qua kênh Tân Hiệp. Điểm chung của tất cả những ý kiến của người dân tại buổi đối thoại này là yêu cầu UBND tỉnh, huyện Châu Thành A, BQLDA và các Sở, Ban Ngành liên quan tạo một đường thủy thuận tiện để ghe, tàu của người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa được dễ dàng.
 

chú thích ảnh 4 cây cầu bắc qua kênh Tân Hiệp đang xây dựng dỡ dang
Một góc cây cầu bắc qua kênh Tân Hiệp mà người dân ở thị trấn Một Ngàn và các xã lân cận đang phản ứng gay gắt.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, việc đầu tư xây dựng cây cầu bắc qua kênh Tân Hiệp đã thực hiện theo đúng quy trình, quy chế dân chủ và quy mô của gói thầu...Tuy nhiên trên cơ sở ý kiến của người dân, UBND tỉnh Hậu Giang sẽ xem xét giải quyết thỏa đáng những bức xúc của người dân. Trước mắt, "Yêu cầu huyện Châu Thành A tiếp thu ý kiến người dân, thống kê danh sách các hộ dân bị ảnh hưởng trong việc sản xuất, kinh doanh từ cây cầu này để UBND tỉnh xem xét giải quyết. Đồi thời, huyện Châu Thành A khẩn trương hoàn thành việc nạo vét lại tuyến kênh Ba Bọng và giải quyết chiều cao cây cầu Ba Bọng để phương tiện tàu, ghe của người dân lưu thông thuận tiện trên tuyến kênh này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang: Sẽ xem xét giải quyết thỏa đáng những bức xúc của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO