Hàng vạn người đổ về khai hội đền Huyền Trân

13/02/2019 17:56

(TN&MT) - Trong không khí tươi vui của những ngày đầu xuân Kỷ Hợi, đông đảo người dân, du khách đã về dâng hương, dự hội… tại lễ hội đền Huyền Trân đang diễn ra ở Cố đô Huế.

Trung tâm Văn hóa Huyền Trân- nơi diễn ra lễ hội
Trung tâm Văn hóa Huyền Trân- nơi diễn ra lễ hội

Lễ hội diễn ra 2 ngày mùng 8 và mùng 9 tháng Giêng (12-13/2) tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân (phường An Tây, TP. Huế) với chủ đề “Ngưỡng vọng Tiền nhân” qua 2 phần lễ và hội.

Theo Ban tổ chức, Lễ hội trùng ngày giỗ thứ 679 của Công chúa Huyền Trân (nhà Trần) - người con gái đã vâng mệnh vua cha đi làm dâu xứ Chiêm Thành để lấy về vùng đất Châu Ô - Lý (nay là vùng đất nam Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) cho đất nước.

Sau phần nghi lễ và nghi thức đánh trống khai hội vào sáng 13/2, hàng vạn người dân Huế và du khách gần xa đã dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính, tri ân Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và Công chúa Huyền Trân, những bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi đất nước.

Tại lễ hội đền Huyền Trân có Đại lễ cầu nguyện “Quốc thái dân an”, múa hội hoa đăng, ca múa nhạc Phật giáo. Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động văn hóa, thể thao như biểu diễn võ cổ truyền, lân sư rồng, bài chòi, thi đấu cờ tướng, trình diễn thư pháp...

“Tôi đã thuê xe cùng gia đình từ Quảng Nam ra đây để tham dự lễ hội vì tôi biết lễ này rất hay và ý nghĩa. Một phần tưởng nhớ các bậc tiền nhân, phần dạy cho con cháu nếp sống, văn hóa người Việt Nam ta…” - chị Trần Lệ Hằng (55 tuổi) chia sẻ.

Trao đổi với PV, ông Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lễ hội được tổ chức tương đối hoành tráng với nhiều hoạt động đa dạng phong phú, nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trước là để cáo yết các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong mở mang bờ cõi; sau để cầu mong quốc thái dân an- nhà nhà no ấm- người người hạnh phúc. Ngoài ra, lễ hội còn tạo không khi vui tươi, phấn khởi đầu xuân; thể hiện khát vọng bao đời nay, cùng quyết tâm xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp.

“Chúng tôi đã tổ chức một bộ phận chuyên nghiên cứu để đưa vào tái hiện về những vấn đề lịch sử và văn hóa trong mùa lễ hội tại Thừa Thiên Huế. Chính điều này tạo điều kiện cho người dân, du khách có thể tiếp cận và chọn lựa những giá trị văn hóa Huế và ở đây là những vấn đề tín ngưỡng mà không có tính dị đoan. Lễ hội đền Huyền Trân là một trong số đó…”- ông Dũng nhấn mạnh thêm.

Được biết, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân - nơi diễn ra Lễ hội đền Huyền Trân tọa lạc trên núi Ngũ Phong, là quần thể kiến trúc có ngôi đền thờ Đức vua Trần Nhân Tông và ngôi đền thờ Huyền Trân Công chúa được xây dựng tại thôn Ngũ Tây (phường An Tây, TP. Huế).

Ngày xuân, đến Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, du khách được chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh và cùng gióng hồi chuông ngân xa để cầu nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc.

Một số hình ảnh được PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường ghi lại trong 2 ngày lễ hội đền Huyền Trân diễn ra tại xứ Huế:

Ông Nguyễn Dung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh trống khai hội
Ông Nguyễn Dung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh trống khai hội
Hoạt cảnh tái hiện lại cuộc đời công chúa Huyền Trân
Hoạt cảnh tái hiện lại cuộc đời công chúa Huyền Trân
Biểu diễn nghệ thuật
Biểu diễn nghệ thuật
Hàng vạn người dân, du khách đến dâng hương, vãn cảnh
Hàng vạn người dân, du khách đến dâng hương, vãn cảnh
Trò chơi bài chòi
Trò chơi bài chòi
Trình diễn thư pháp tại lễ hội
Trình diễn thư pháp tại lễ hội
Ghi lại những khoảnh khắc đẹp và ý nghĩa
Ghi lại những khoảnh khắc đẹp và ý nghĩa
Lễ hội sẽ duy trì hàng năm nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc...
Lễ hội sẽ duy trì hàng năm nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng vạn người đổ về khai hội đền Huyền Trân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO