Nhiều diện tích sản xuất bị cuốn trôi
Sông Ba chảy từ tỉnh Kon Tum qua tỉnh Gia Lai trước kia là một con sông hiền hòa, đem lại nhiều nguồn lợi cho người dân sống dọc theo con sông này. Năm 2009, một trận lũ lịch sử xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai khiến bờ sông Ba bị sạt lở nghiêm trọng, nhất là đoạn qua địa bàn các xã Chư Rcăm, Ia RSai (huyện Krông Pa). Có những đoạn, chỉ qua một đêm, bờ sông đã sạt lở hơn 30m, nhiều diện tích đất sản xuất của bà con bị cuốn phăng theo dòng nước dữ.
Từ đó đến nay, tuy không có lũ lớn tràn về, nhưng cứ mỗi năm sông Ba qua tỉnh Gia Lai lại được mở rộng ra từ 1-2m vì sạt lở đất. Hàng trăm người dân sống dọc sông Ba bị ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất. Gia đình chị Ksor H’Ngat (buôn H’Lang, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) cũng nhiều hôm mất ăn, mất ngủ lo lắng mỗi khi thời tiết dự báo có mưa to. “Mỗi khi mưa lũ lớn, đất cứ sụp xuống từng mảng. Sông mỗi năm lại tiến vào gần nhà hơn, chẳng bao lâu nữa nhà mình sẽ là lòng sông thôi. Biết đi đâu sống bây giờ?”- chị H’Ngat lo lắng.
Vườn nhà chị H’Ngat trước kia rộng hơn 1ha, nhưng đã bị dòng sông dữ nuốt chửng mất gần hết, mép bờ sông chỉ còn cách ngôi nhà gia đình chị ở gần 20m. “Trước đây ruộng đất còn khá, cuộc sống gia đình mình cũng đủ ăn, đủ mặc. Nay ruộng đất bị cuốn trôi hết, kinh tế ngày càng eo hẹp, phải đi vay mượn bà con. Chồng mình thường xuyên đi làm ăn xa, hai đứa con lại còn nhỏ. Mình không lúc nào hết lo, nhất là khi mưa bão lại sắp về” - chị H’Ngat than thở.
Cũng trong tình trạng tương tự, hộ nhà bà Nay Kla (buôn KTing, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) cũng bị sông Ba cuốn đi nhiều diện tích đất sản xuất. “Trước kia, đất nhà mình cũng rộng lắm, do sông Ba sạt lở nên đất cứ bị thu hẹp lại. Sông Ba chảy ngay sau lưng nhà, mình luôn lo sợ nhà cũng bị cuốn đi luôn vì sạt lở” – bà Nay Kla chia sẻ.
Vấn đề sạt lở sông Ba luôn là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân sống ven sông Ba. Theo ông Hà Văn Đường - Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm thì hiện nay, tình trạng sạt lở sông Ba xảy ra nghiêm trọng tại 4 thôn, buôn của xã là: thôn Mới, buôn H’Lang, thôn Quỳnh 3 và thôn Cầu Đôi, tác động trực tiếp đến đời sống của khoảng 110 hộ dân. Trong đó, chủ yếu là buôn H’Lang với 80 hộ. Có những hộ chỉ còn cách bờ sông Ba 10m.
Ông Hà Văn Đường cho biết: “Trong lúc các hộ dân trong diện di dời chưa được ổn định chỗ ở mới an toàn, xã Chư Rcăm đã kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để chủ động phát hiện, phòng ngừa trước điều kiện thời tiết bất thường, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra”.
Hàng trăm hộ dân chờ được di dời
Những năm trở lại đây, biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, dòng chảy sông Ba bị biến đổi, địa hình đồi dốc cao, dòng sông bị uốn khúc, dòng chảy xoáy mạnh hơn nên tình trạng sạt lở sông Ba ngày càng nghiêm trọng. Đặc điểm đất cát, liên kết yếu nên khó khắc phục, nhất là khi nước sông dâng cao.
Theo ông Đinh Xuân Duyên - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Krông Pa, thực tế tình trạng sạt lở đã làm mất đất sản xuất của hàng ngàn hộ dân sống ven sông Ba. Tình trạng xâm thực ngày càng lớn, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân, đời sống dân cư bị ảnh hưởng rất nhiều.
Trước thực tế này, chính quyền địa phương đã tiến hành khảo sát, lập dự án di dời dân cư trong vùng sạt lở nghiêm trọng. Theo đó, danh sách di dời dân tại xã Chư Rcăm có 110 hộ với hơn 560 nhân khẩu được lập từ năm 2016, với kinh phí 19 tỉ đồng. Dự án đã trình phê duyệt ngay sau đó, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được Trung ương phê duyệt. “Đã có nhiều ý kiến của cư tri huyện Krông Pa và xã Chư Rcăm về vấn đề này, nhưng vì tỉnh Gia Lai không có kinh phí nên dự án vẫn phải chờ Trung ương phê duyệt và cấp kính phí mới có thể thực hiện được” - ông Duyên cho biết.
Trong lúc chờ dự án được phê duyệt và cấp kinh phí thì giải pháp trước mắt được tỉnh Gia Lai đề ra là triển khai trồng tre để chống sạt lở. Đồng thời, cắm biển báo cảnh báo nguy hiểm ở những nơi sạt lở lớn. Thiết nghĩ, với mối hiểm nguy thấy rõ, hiểm họa sông Ba nuốt chửng buôn làng đang trực chờ thì các giải pháp này cũng chỉ là tạm thời. Bà con đồng bào dân tộc Ja Rai trong vùng sạt lở vẫn luôn thấp thỏm, lo âu khi một mùa mưa bão nữa lại về.