Thực hiện chủ trương của nhà nước trong việc di dân khai hoang ruộng đất, từ những năm 1980 hàng đoàn người từ đồng bằng di cư lên các huyện miền núi Thanh Hóa khai khẩn rừng hoang núi đỏ. Nhiều người tham gia làm công nhân trong Lâm trường sông Chàng rồi thành lập ra 09 thôn thuộc các xã: Xuân Đàm (xã Hóa Quỳ),Tân Thành, Xuân Thành (xã Xuân Quỳ), Sơn Bình, Đức Bình, Thanh Bình, Sơn Thủy, Làng Lung, Dọc Nái (xã Tân Bình).
Đồi keo của anh Nguyễn Văn Luận tới thời kỳ thu hoạch, vẫn không được chặt bán. |
Năm 1992 VQG Bến En được thành lập, 09 thôn kể trên trở thành vùng lõi của VQG. Từ đó tới nay cuộc sống của người dân chồng chất những khó khăn. Do quy định trong việc bảo vệ rừng đặc dụng VQG khá nghiêm ngặt, các hộ dân không được trồng các loại cây công nghiệp lâu năm như keo, cao su… không được san lấp, ủi đất, san nền nhà, hay xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ tươi tiêu, đào ao thả cá. Kiểm lâm chỉ cho phép trồng những loại cây ngắn ngày có giá trị kinh tế không cao như lúa, ngô, sắn. Nếu hộ dân muốn trồng keo, cao su cũng phải trồng trộm, khi cây lớn nếu chặt khai thác sẽ bị kiểm lâm phạt tiền. Đặc biệt hàng trăm hộ dân không được cấp quyền sử dụng đất lâu dài.
Già làng Lô Văn Thiệu - 65 tuổi và ông Hà Văn Tiệp – Trưởng thôn Xuân Đàm, xã Hóa Quỳ, ngồi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của anh Vi Văn Hải thuê máy ủi san đất làm nền nhà cho con trai lấy vợ ra ở riêng đã bị kiểm lâm phạt 3 triệu. Ông Ngân Văn Tròn dùng pro xi măng lợp mái lều trông coi ao cá cũng bị kiểm lâm yêu cầu dỡ bỏ…
Việc xây dựng cũng bị nghiêm cấm trong vùng lõi VQG. |
Hiện tại 09 thôn trên đều có số hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỉ lệ cao như: Thôn Xuân Đàm có 52 hộ dân, mất 33 hộ nghèo chiếm tới 63,46 % số dân; Thôn Rọc Nái có 29 hộ, mất 15 hộ nghèo chiếm 51,1%, thôn Sơn Bình 65 hộ có 14 hộ nghèo, thôn Đức Bình có 52 hộ với 16 hộ nghèo, thôn Thanh Bình có 46 hộ có 10 hộ nghèo, thôn Sơn Thủy có 51 hộ mất 19 hộ nghèo chiếm 37,3%,Làng Lung có 56 hộ mất 35 hộ nghèo chiếm tới 62,5%.
Anh Nguyễn Văn Luận 33 tuổi thôn Xuân Đàm (Hóa Quỳ) rầu rĩ nói: Gia đình tôi có vườn keo đã tới kỳ thu hoạch, nhưng nếu mang máy cưa ra chặt sẽ bị kiểm lâm phạt tiền, Cảnh đói khổ đeo bám bao nhiêu năm nay, 3 sào lúa 7 khẩu ăn, ngoài ra không được trồng cây lâu năm, không có đất sản xuất.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Xuân Quỳ tha thiết nói: Xã rất mong nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế trong vùng lõi của vườn quốc gia, chứ cứ tình trạng này dân còn đói, còn khổ nhiều lắm.
Không được trồng các cây lâu năm, người dân chỉ biết trồng mỗi sắn và lúa. |
Ông Phạm Văn Hùng – phó Hạt Trưởng hạt Kiểm lâm VQG Bến En – chia sẻ: “ 9 thôn trên đều sống ở đây trước khi VQG được thành lập, chúng tôi muốn cấp đất sử dụng lâu dài cho các hộ nhưng không đủ thẩm quyền. Theo quy định nếu cắt từ 50 ha trở lên phải được Quốc hội thông qua chúng tôi mới lên kế hoạch cắt đất cho dân. Những khó khăn của người dân ai cũng hiểu cả nhưng quy định của nhà nước rất nghiêm ngặt. Nếu để cho người dân xây dựng nhà cửa, trồng lâu năm, xây dựng các công trình thủy lợi, đào ao thì lại sai luật”.
Hàng trăm hộ dân nằm trong vùng lõi VQG Bến En vẫn đang mòn mỏi được cấp quyền sử dụng đất lâu dài, để yên tâm sinh sống và phát triển kinh tế. Thiết nghĩ các ngành chức năng cũng nên tái định cư, hoặc có chính sách hỗ trợ để người dân phát triển sản xuất. Chứ nếu kéo dài thực trạng này thì sẽ còn “nghèo bền vững”.
Bài và ảnh: Thanh Tâm